Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

Văn Tưởng Niệm Chí Sĩ Phan Châu Trinh (*)

 

Nhớ linh xưa,

 

Cụ Phan Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã. lúc thiếu thời, sớm nặng tình quê,

Vốn thờ ơ lối học từ chương, vẫn theo bút nghiên để tạo uy tín, đặng dễ bề thực hiện chí lớn, mong giành lại chủ quyền cho nước cho dân.

 

Không cam chịu cảnh ức hiếp của thực dân và tay sai, Cụ can đảm viết thư gởi thẳng Toàn quyền Pháp, vạch trần chính sách cai trị bạo tàn, dung túng bọn tham quan, hà hiếp dân lành, đẩy đất nước vào cơ cục lầm than, đưa dân tộc vào yếu hèn bạc nhược,

 

Trước cảnh triều đình bất lực thối nát , dân tình khổ nhục lầm than, cụ Tây Hồ rủ áo từ quan, kết hợp với các nhà ái quốc khác như Phan Bội Châu, Lương Ngọc Can, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quí Cáp, nhằm thực hiện khát vọng chung của dân tộc là:

 

Canh tân xứ sở, mở mang công nghệ, khuyến khích thương nghiệp, nâng cao dân sinh, mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, thực thi trọn vẹn dân quyền!

 

Tư tưởng cụ Phan đã tác động và thay đổi cách nghĩ cách làm của người dân khắp nước.

 

Trường “Dục Thanh, Đông Kinh Nghĩa Thục” là những Trung tâm Văn hóa Tân tiến  bấy giờ, một phần do chủ trương nâng cao dân sinh dân trí và dân khí của Phan Tiên sinh,

 

“Trung Kỳ Dân Biến Năm 1908”, chống cường hào ác bá, chống sưu cao thuế nặng xảy ra khắp Trung kỳ..., cũng là hệ quả bài học dân quyền của cụ.

 

Chính quyền bảo hộ tìm cách tiêu diệt ý chí Phan Tiên Sinh.

 

Cụ từng nếm cơm tù của các ngục Phủ Thừa, Côn Lôn và Santé, Pháp quốc,

Án tử hình đổi thành chung thân biệt xứ, như dao kề cổ, súng dí bụng,

vẫn không khuất phục chí khí của nhà chiến sĩ cách mạng Phan Châu Trinh (1)

 

Năm 1925, vua Khải Định mất, cụ Phan muốn nhân cơ hội đứng ra cải tổ nội chính, lập dân đảng, thực thi dân trị, hầu mang phúc lợi dân quyền cho Việt Nam.

 

Nhưng vận may chưa đến với dân tộc, cụ từ giã cõi trần hôm 24 tháng 3 năm 1926, hưởng dương 55 tuổi, mang xuống tuyền đài biết bao mộng ước tốt đẹp cho nước cho dân.

 

Từ bắc chí nam, Việt Nam phủ màu tang trắng...

 

Hôm nay, nhân ngày húy kỵ của Phan chí sĩ, toàn dân chưa quên lời dạy của cụ từ năm 1907:

“...Không nên trông người ngoài, trông người ngoài là ngu, không nên bạo động, bạo động thì chết, tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng học...” (2)

 

Và nghe đâu đây, hào khí từ ngục Côn Lôn  vang vọng về:

 

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

….....

Mưa nắng chi sờn dạ sắt son

Những kẻ vá trời khi lở bước

Gian nan nào xá sự cỏn con...

(Phan Châu Trinh, Đập Đá Côn Lôn) (3)

 

Chúng tôi, lớp hậu duệ, nghĩ rằng, để tỏ lòng nhớ ơn công đức của nhà cách mạng Tây Hồ, không gì hơn là áp dụng phương pháp đấu tranh của cụ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay:

 

- Là kiên trì tranh đấu bất bạo động, góp phần mình vào công cuộc đấu tranh chung để giải trừ chế độ cộng sản tham tàn bạo ngược,  nhưng khiếp nhược còn hơn triều đình bảo hộ ngày xưa, hầu xây dựng một Việt Nam tự do nhân quyền dân chủ và phú cường thịnh trị.  

 

Ngưỡng mong anh linh nhà chiến sĩ cách mạng Phan Châu Trinh chứng giám, phù hộ và dìu dắt toàn dân theo bước  chân của Người!

 

Cẩn bái,

 

võ ý

Corona, đầu thu 2009

 

Ghi chú:

 

     (*) Sách tham khảo:

      1/ Quảng Nam Trong Lịc Sử, Trần Gia Phụng, Non Nước, Toronto, 2000

      2/ Trung Kỳ Dân Biến 1908, Trần Gia Phụng, Non Nước, Toronto, 2008

     (1) Ý của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Quảng Nam Trong Lịch Sử, trang 227

(2)    Trung Kỳ Dân Biến 1908, trang 62, trích lời diễn thuyết của cụ Phan tại Hà Nội 1907.

(3)    Tác giả Phan Châu Trinh, theo Web  www.phanchautrinhdanang.org

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org