Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

TPP VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA NHÀ PHẬT

 

Ngay sau  July 4th, 2015 là những ngày tổng bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, đến Hoa Kỳ. Nhân cuộc viếng thăm này CSVN và Hoa Kỳ đã thảo luận với nhau về rất nhiều vấn đề. Hai vấn đề trọng yếu là kinh tế TPP và quốc phòng biển Đông. Suy cho cùng, “đồng tiền liền khúc ruôt”. Vì vậy,  trong TPP có quốc phòng.

Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt làTPP, nếu được hình thành sẽ là hiệp định thương mãi tự do lớn nhất trong lịch sử loài người.  Viện Brookings cho biết: TPP được dự kiến sẽ chi phối 1/3 toàn khối mậu dịch quốc tế và khoảng 40%  tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.

Ngày 20/05/2015, từ Hoa Thịnh Đốn, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kery đã diễn tả Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương như sau:

“TPP không phải là thỏa thuận thương mãi kiểu thời ông bà chúng ta. Nó không phải là hiệp định thương mãi thời cha mẹ chúng ta. Thậm chí, cũng không phải là hiệp định thương mãi thời anh chị của chúng ta. Đây là một thực tế mới, rất mới, và cuối cùng, đây là một hiệp định thương mãi của thế kỷ thứ 21.”

 

TPP LÀ GÌ, TẠI SAO TPP LÀ “MỘT THỰC TẾ MỚI, RẤT MỚI” ?

 

Nhiều thập niên về trước, trên thương trường quốc tế, các hiệp định thương mãi thường được hình thành từ các chính phủ, thông qua sức ép kinh tế, chính trị hoặc thông qua kỷ thuật thỏa thuận ngầm (lobby) giữa các thế lực tư bản nhà nước hay tư bản tư nhân.  Từ đó, hoạt động kinh tế-thương mãi của thế giới ngày càng bị trì trệ bởi các tệ nạn: trẻ em bị khai thác sức lao động, người thợ bị bóc lột tiền công, sản phẩm thương mãi, nhất là ngành thực phẩm,  ngày càng kém phẩm chất, giao thông hàng hóa gặp nhiều tắc nghẽn, môi sinh và khí hậu bị rối loạn… Đối diện với tương lai ảm đạm kia  của kinh tế thế giới, con người không thể không nghĩ tới nhu cầu chuyển hóa hệ thống ngoại thương quốc tế: Nó làm cho hệ thống này vận hành hợp lý hơn, công bằng hơn và hữu hiệu hơn. Đó là cốt lõi của cội nguồn tâm lý chính trị dẫn đến những thương thảo về TPP.

Mỗi xã hội quốc nội là một thành viên của hệ thống ngoại thương quốc tế. Chuyển hóa hệ thống ngoại thương quốc tế chính là chuyển hóa hệ thống xã hội quốc nội. Điều này giải thích lý do tại sao những thương thuyết về TPP bao gồm rất nhiều chuyên đề khác nhau. Bài viết này chỉ xin đề cập tới các chuyên đề căn bản sau đây: tính minh bạch trong chi tiêu của chính phủ,  quyền tự do nghiệp đoàn của người lao động, lao động trẻ em, tôn trọng sở hữu trí tuệ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi sinh, động vật hoang giả, vấn nạn thay đổi khí hậu… Một khi các chuyên đề vừa kể được toàn bộ quốc gia thành viên của TPP tôn trọng nghiêm chỉnh và triệt để thì TPP đạt đến hai kết quả không thể tách rời:

 Một là khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia trong TPP dần dần được thâu ngắn. Sai biệt về phí tổn sản xuất các loại hàng hóa trở nên thu hẹp, nó giúp cho công việc trao đổi sản phẩm thương mãi giữa các quốc gia thành viên TPP được diễn ra trong công bằng và hợp lý.

Hai là  các chuyên đề kiểu: tính minh bạch trong chi tiêu của chính phủ, quyền tự do nghiệp đoàn của thợ thuyền, lao động trẻ em, sở hữu trí tuệ, nghĩa vụ bảo vệ môi sinh…khi biến thành sinh hoạt chi tiết và cụ thể của xã hội thì quốc gia thành viên TPP đương nhiên trở thành những quốc gia tôn trọng nhân quyền toàn phần.

Hai kết quả vừa nêu cho thấy trong TPP nhân quyền đã trở thành công cụ giúp hoạt động kinh tế vận hành một cách công bằng, hợp lý và thịnh vượng.  Từ nhiều thế kỷ qua hoạt động kinh tế thương mãi là cơ hội người giàu bóc lột người nghèo, quốc gia giàu bóc lột quốc gia nghèo. Khi bóc lột lên tới tuyệt đĩnh, guồng máy kinh tế lâm trọng bệnh, trao đổi thương mãi bị tắc nghẽn, thế giới tiến tới bờ vực của khủng hoảng.

Kinh tế bóc lột là kinh tế thái quá hay bất cập, là kinh tế động. Kinh tế hợp lý và công bằng là kinh tế ổn định, kinh tế tĩnh. Giông bão phải tìm về mưa thuận gió hòa. Động phải tìm về tĩnh. Kinh tế bóc lột phải qui hàng kinh tế công bằng. Đó là lý do giải thích sự việc kinh tế và nhân quyền hội tụ trong TPP. Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào biến tư tưởng nhân quyền trong TPP trở thành hành động cụ thể? Trả lời câu hỏi này tức là chúng ta đi tìm phương pháp luận cho TPP.

 

TPP VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA NHÀ PHẬT.

 

Bóc lột chính là hành động trộm cắp, hành động lấy của không cho (Điều 2 ngũ giới)

Lương thợ theo giá thị trường lao động là 10 đồng mỗi giờ, nhưng giới chủ  chỉ trả cho người thợ 2 đồng. Như vậy chủ đã ăn cắp của thơ 8 đồng.

Trẻ em là thành phần được luật pháp xác định là chưa đủ khả năng trí tuệ để  đồng ý bán sức lao động. Mua sức lao động của trẻ em tức là ăn cắp sức lao động của trẻ vị thành niên.

Chi tiêu tiền thuế của người dân không minh bạch tức là nhà cầm quyền tham ô nhũng lạm, tội phạm này chính là tội trộm cắp.

Guồng máy kinh tế bóc lột là guồng máy chất chứa vô số hành động lấy của không cho.

Trộm cắp bao giờ cùng đi kèm với những lời lẽ biện minh cho tội pham, lời lẽ nói sai sự thật, vi phạm ngũ giới thứ tư của nhà Phật.

Ngày hôm nay các quốc gia ngồi lại với nhau ký kết hiệp định TPP. Sự việc này không có nghĩa là sáng sớm hôm sau quan cũng như dân đều đồng loạt nhất thiết

Không lấy của không cho.

Không nói sai sự thật.

Một cá nhân muốn sống ổn định trong luật tắc của Ngũ Giới, cá nhân đó phải có tấm lòng yêu mình và yêu đời, phải kiên tâm đi theo bước đường “Phật Pháp Hóa” dài thăm thẳm. Biến cộng đồng quốc tế TPP thực thị hiêp định TPP thông qua việc thực thi hai điều giới (2) và (4) của Ngũ Giới  quả là một công trình siêu phàm. Siêu phàm không đồng nghĩa với hoang tưởng. Siêu phàm chỉ là thuật ngữ muốn nhấn mạnh rằng : Không thể chỉ bằng hiệp định TPP ký kết trên giấy trắng mực đen là xã hội TPP ra đời và bừng bừng lớn mạnh. Đi kèm với  TPP phải có một phương pháp luận dành cho TPP. Phương pháp luận kia chính là bài học Ngũ Giới trong Ánh Đạo Vàng. Đó là chân ý nghĩa của bài viết “TPP và Phương Pháp Luận của Nhà Phật”./.

 

Đỗ Thái Nhiên

 

 

  

 

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org