Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

Thursday, February 28, 2013

 

Nhà Văn SONG NHỊ giới thiệu Tổ Ấm Bay Về của Võ Ý

 

Cội Nguồn Xuất Bản 3-2013

 

 

http://3.bp.blogspot.com/-ksTreYG5HUw/US-uLjsv_CI/AAAAAAAAAZc/7EHt0LSoZT8/s320/Bia_To+Am+Bay+Ve.jpg

 

 

TỔ ẤM BAY VỀ TIẾP NỐI ĐƯỜNG VĂN

 

Xưa nay những bậc văn võ song toàn không phải là nhiều. Võ Ý có thể có hoặc không ở trong đội ngũ đó, nhưng rõ ràng ông là người đã bước đi vững chãi trên hai con đường: Đường binh nghiệp và đường văn nghiệp. Trên bước đường binh nghiệp ông đi từ quân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đến Không Gian bao la của chàng phi công - Trung tá Phi Đoàn trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu.

 

Thế rồi do sự “oái oăm lịch sử hay một sắp đặt ẩn mật trớ trêu của dòng Sử Mệnh Việt Nam”, cuộc nội chiến 20 năm kết thúc, quê hương hòa bình giữa làn sóng đỏ ngập tràn hung hãn, chàng phi công cùng chung số phận lưu đày trong đoàn quân thúc thủ. Mười ba năm trả nợ quỷ thần đày đọa trong chốn ngục tù, thoát khỏi cũi lồng, cánh chim tự do bỏ lại cánh rừng điêu linh vút bay đến vùng trời nắng mới.

Rời bỏ bầu trời quê hương một thời ngang dọc, chàng phi công đi vào con đường văn nghiệp. Con đường văn nghiệp của tác giả không lớn lao đồ sộ nhưng không thể nói con đường đó không phải là đường văn.

 

Trong “Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo” tác giả đã trải lòng mình, bộc bạch hết tâm tư để trình làng những vóc dáng Không Quân, những kỉ niệm trầm kha của con người, những chặng đường thăng trầm của đất nước. Từng sự kiện được diễn đạt bằng lối văn giản dị, chân thật mà hóm hỉnh khiến người đọc dễ đem lòng cảm mến.

Trong “Tổ Ấm Bay Về”, tác giả - cũng với con người ấy - một con người rất từ tâm và lý tưởng, Võ Ý viết bằng cái tâm dạt dào hiếu hạnh, nồng nàn lòng yêu nước và thiết tha với chiến hữu đồng đội, từ kẻ mất đến người còn.

 

- Ở chương Không Quân Ngoại Truyện, tác giả ghi lại những nhân sự điển hình, tiêu biểu ý chí dũng cảm của những cánh chim thời loạn, lòng trung trinh tiết liệt của những chinh phụ thời bình.

Một góa phụ chinh nhân Văn Ngọc Của đã mấy mươi năm ngồi đợi tin chồng từ cõi hư vô, “đá mòn nhưng dạ không mòn”, vẫn “lấy cây hương thật quý thắp lên thương tiếc chàng”. Một “hiệp sĩ không gian” Lê bá Định đã trở thành một trong những nhân vật của “Không Quân Ngoại Truyện” qua “Tin đồn chết người”. Và những KQ Nguyễn Quí Chấn, Bà Tường Mực, nữ Trung tá Hạnh Nhơn, Duy Năng, Trần Duy Đức, Cung Trầm Tưởng, Phạm Huấn… qua ngòi bút của tác giả đã trở nên nổi bật sống động tựa như các nhân vật trên khung màn bạc. Bằng lối văn không màu mè trau chuốt, như câu chuyện kể giữa hai người đối diện, tác giả đã thể hiện với tất cả tấm lòng thành.

 

- Ở chương Hai, tác giả đem suy nghĩ của mình viết về những sự kiện từ chuyện nội bộ giữa cựu SVSQ với nhau, nỗi ưu tư về thế hệ hậu duệ qua bài “nâng niu tuổi trẻ”… đến chuyện quốc gia đại sự trước hiện trạng “Biển Đông dậy sóng…”, tự vấn về trách nhiệm và lòng yêu nước của người Việt hải ngoại qua thánh thức này.

 

- Trong chương Ba - tác giả đã dành hai mươi bốn trang sách để dâng Mẹ đóa Hoa Hiếu Đạo của một người con đã gieo trồng, kết nụ và mãn khai trong “Kỳ Quan Mẹ”, “Trăm tuổi mẹ nguy nga”, “Cảnh giới nào mẹ vẫn vô cùng”, “Vãng sanh cực lạc”… 

 

Bên những bài viết về Mẹ về Cha, tác giả cũng “Gởi Ngọc Yêu dấu” bài thơ “Sáng tim ta Ngọc này”, cùng ôn lại quãng đời gian truân của nàng chinh phụ riêng ông trong số trăm nghìn nàng chinh phụ trước cảnh nước mất nhà tan: “Lặn lội thăm chồng” chốn lao tù nơi rừng xanh núi thẳm. Bài viết để tri ân người bạn đời yêu dấu của ông.

 

Hình như đã mang lấy nghiệp con tằm thì không thể không nhả hết đường tơ. Đọc những bài “Đi tìm nàng thơ”, “Lý Xuân Trinh”, người ta vỡ lẽ ra cái phong cách hào hoa bay bướm của những chàng phi công, dù xuân xanh đã ngả màu muối bạc, nhưng vẫn bay bướm hào hoa như thuở còn lên trời xuống đất.

 

Ngoài phần văn còn có những bài thơ rải rác xen kẽ trong sách. Bạn đọc yêu thơ không thể không tâm đắc với Thơ Võ Ý. Đọc những bài “Xuống núi mà lo chuyện bao đồng, Lên núi tỏ tình cho chắc ăn, Có cái gì khác lạ, Xanh đêm diệu kỳ” v.v.. Lời thơ như gần như xa, ý thơ nhuốm màu triết lý nội tâm; như để thổ lộ, để phân trần bày tỏ.

Về hình thức, thơ Võ Ý bố cục chặt chẽ, kỹ thuật và thi ngữ vững vàng, phối hợp hài hòa điêu luyện.

Chắc hẳn trong “Cõi Thơ Tìm Gặp”, quyển II của nhà văn Diên Nghị rồi đây những bài thơ này sẽ được… tìm thấy.

 

Và tôi tin “Tổ Ấm Bay Về” cũng sẽ được bạn đọc đón nhận bằng tất cả nhiệt tình, cảm mến như đứa con tinh thần - Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo mười năm về trước.

 

SONG NHỊ

San Jose, 2/2013

 

https://lh4.googleusercontent.com/-u3lmmOqUZjk/USJ7f_7KtDI/AAAAAAAAC5Q/0-1vQ5GzKPg/s512/p3.jpg


Lời Mở Đầu “Tổ Ấm Bay Về”

tạp văn của KQ Võ Ý

 

Cho đến cuối đời, tôi mang trên người 4 màu áo, một là cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, hai là cựu Sinh viên Sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt, ba là Không Quân và bốn là cựu tù nhân chính trị.

 

Tôi phục vụ trong Không Lực VNCH trên 10 năm qua các Phi đoàn Quan sát 110 Đà Nẵng, 114 Nha Trang và 118 Pleiku. Sau 30/04/1975, như đa số Sĩ quan Quân lực VNCH, tôi bị đày đọa gần 13 năm qua các trại giam của cộng sản như Suối Máu Biên Hòa, Liên trại 6 Hoàng Liên Sơn, các trại Hà Tây, Nam Hà và sau cùng là trại Xuân Lộc, Đồng Nai.

 

Trước 1975, tôi cộng tác với Đặc San Lý Tưởng thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân và Đa Hiệu thuộc Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Sau 1975, khi ra hải ngoại, tôi cũng lai rai đóng góp bài vở cho Tạp chí Nguồn (San Jose) và các Đặc san Quân đội như Đa Hiệu (Tổng hội cựu SVSQ Võ bị Quốc gia), Lý Tưởng (Tổng hội Không lực), Lý Tưởng KQ Úc Châu, Ngàn Sao (Hội KQ Houston, TX), Đặc San KQ Bắc Cali... Dù vậy, tôi không phải là nhà thơ, cũng không phải là nhà văn, trước sau tôi vẫn là nhà binh, qua đó, văn thơ của tôi xin được xem như là một loại vũ khí mềm mang tính bảo vệ chính nghĩa, vinh danh tình đồng đội và góp phần tiêu diệt cái ác...

 

Vì Không Quân gắn liền với binh nghiệp và cho tôi vinh dự để tôi thi thố trách nhiệm và bổn phận của một phi công trong thời chiến nên tình cảm của tôi nếu tỏ ra nồng nàn với quân chủng thân yêu cũng là điều dễ... thông cảm!

Hình ảnh đàn chim tung cánh trên bầu trời lúc nào cũng sống động và gợi nhớ trong tâm tưởng của những cánh chim bỏ xứ như chúng tôi.

 

Ta thân chim hơn nữa đời cánh mỏi

Khát khao nay một tổ ấm bay về

Mà cõi không kia vẫn âm thầm vẫy gọi

Cháy bỏng lòng ta tình nghĩa đó sơn khê

 

Bầu trời lúc nào cũng thênh thang và vĩnh cửu, nhưng cánh chim không thể vượt qua lẽ vô thường. Đã đến lúc đàn chim xưa nên tìm một tổ ấm bay về. Tổ ấm có thể là Lý tưởng Tự do, là Đức tin, là Mẹ Việt Nam ngàn đời yêu dấu...

Tạp ghi Tổ Ấm Bay Về bao gồm ba chương, đó là Không Quân Ngoại Truyện, Vài Nhận Thức Thô Thiển, và Truyện, Ký & Tùy bút. Dọc theo không trình, sẽ có những đóa hoa thơ mộc mạc khả dĩ tô điểm cho lối về thêm hương sắc…

 

Xin trân trọng kính mời...

võ ý

 

site Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org