Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

PHỎNG VẤN NHÀ VĂN THINH QUANG

 

 

DuongVietDien.jpg

Nhà văn Thinh Quang và Dương Viết Điền (Hạ Ái Khanh)

 

 

 

 Nhân dịp lễ Trung Thu 2006, tôi cùng người bạn văn láng giềng là Việt Hải ghé xuống thành phố Montery Park thăm nhà văn Thinh Quang. Trong buổi thăm viếng này, chúng tôi có phỏng vấn ông về chuyện văn chương và những tác phẩm của ông. Mời quý bạn theo dõi dưới đây.

 

Hạ Ái Khanh:

Độc giả Thằng Mõ muốn được biết về tiểu sử của nhà văn cũng như... trong suốt hơn 60 năm hoạt động trên văn đàn Việt Nam từ thời tiền chiến đến ngày bỏ nước ra đi.  Suốt thời gian này nhà văn đã lưu lại những gì cho nền văn học? Công trình cộng tác đóng góp trong làng báo, làng văn, từng là chủ nhiệm, chủ bút các báo nào trong cũng như ngoài nước?

 

Thinh Quang:

Tiểu sử của tôi đại khái như đã trình bày trong tập sách BÍ ẨN CỦA CÁI CHẾT vừa mới được nhà xuất bản THẰNG MÕ Nam Cali ấn hành. Người đưa tôi vào con đường văn học từ buổi ban đầu, đó là anh Mộng Đài - vốn là bạn làng thơ lúc bấy giờ với các nhà thơ Bích Khê, Hàn Mạc Tử.  Mãi đến những năm đầu của thập niên 40 tôi mới được cả hai anh Bích Khê và Mộng Đài khuyến khích và dẫn dắt tôi đi vào con đường văn học. Bài “Hoa Thơ” chính là bài thơ đầu tiên của tôi được đăng tải trên tờ Nhật Báo Đông Pháp tại Hà Nội vào năm 1941, lúc tôi mới lên 17 tuổi đầu. Trong suốt thời gian còn ở dưới mái học đường vào những năm 1940, 41 và ngay cả năm 43 tôi đã cộng tác với các báo Tin Điển (Sài Gòn, Tin Mới, Hà Nội, Sports Jeunnesses de l'IndoChine, Tin Sớm, Tiếng Chuông v.v...). Năm 1970, tôi cho ấn hành tuần báo Trường Sơn ở Đà Nẵng, do tôi đứng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, năm 1973 Chủ nhiệm, Chủ bút nhật báo Dân Luận Sài Gòn... cho mãi đến ngày rời bỏ đất nước...

 

HAK:

Tại hải ngoại nhà văn từng cộng tác với các báo nào và đã sáng tác hoặc có những tác phẩm nào đã thực hiện trong nước cũng như ngoài nước?

 

TQ:

Tại hải ngoại tôi từng nhận lời mời làm Chủ bút với tạp chí Hồn Việt của Quốc Nam tức Đỗ Tùng - Giám Đốc nhà xuất bản Đại Nam California - vào giữa thập niên 80 liên tiếp mấy năm trường, cuối cùng vì tờ báo lỗ quá nhiều, anh Đỗ Tùng sau khi tham khảo ý kiến tôi và chuyển lại cho anh Ngọc Hòai Phương, lúc bấy giờ là phụ tá Chủ bút để tiếp tục vực dậy tờ Hồn Việt do chính anh làm chủ mãi đến ngày nay. Đồng thời tôi đảm nhiệm vai trò Chủ bút tờ Nhật báo Trắng Đen do anh Việt Định Phương đứng làm Chủ nhiệm, ông Đinh Văn Ngọc Giám đốc Chính Trị và cụ Kỹ sư Đông Dương Lê Tiềm, trong ban Giám Đốc Điều Hành tại Cali phát hành cùng vào thời gian này.  Ngoài ra, sau đó, tôi nhận lời đứng làm Chủ bút tạp chí Tri Thức, sau đó làm Chủ bút tạp chí Viễn Xứ do anh chị Phong Vũ - Phương Huê đứng làm Chủ nhiệm, tờ New York Times (Việt ngữ) của anh Tuấn Trần, và sau cùng tôi cộng tác với Bán Nguyệt San Thằng Mõ Nam Cali của anh chị Tâm An Đỗ Văn Học...

 

Về các tác phẩm đã xuất bản vào thập niên 40:

1. Văn Hóa Đông Phương (Biên khảo) năm 1943.

2. Chú Mẽng Tiểu Truyện (Truyện dài) năm 1944.

Tại hải ngoại:

Nắng Thôn Đoài (Truyện dài), Đại Nam xuất bản 1985.

Hỏa Thiêu Thiên Đàng (Truyện dài), Phụng Sự (San Jose) xuất bản 1986.

Hy Mã Lạp Sơn (Biên khảo), Đại Nam xuất bản (1987).

Con Rắn Lửa Huyền Bí Trong Nền Triết Học Đông Phương, Đại Nam xuất bản (1988).

Tác phẩm mới nhất là Bí Ẩn Của Cái Chết (Biên khảo) do Thằng Mõ Nam Cali ấn hành xuất bản...

 

Các sách đã hoàn tất chưa xuất bản:

Mưa Bên Này, Nắng Bên Kia (Truyện dài tình cảm).

Khiết Linh (Hậu Hỏa Thiêu Thiên Đàng).

Như Loài Hoa Dại (Truyện dài tình cảm).

Như Hạt Sương Mai (Truyện dài tình cảm).

Huyền Nhiệm Hy Mã Lạp Sơn Tân Biên.

Động Hoa Vàng (Biên khảo).

Văn Hóa Đông Phương (Tân Biên).

Bão Rừng (Chuyện đường rừng) sắp đang tải trên Bán nguyệt San Thằng Mõ.

 

 HAK:

Được biết thuở thiếu thời nhà văn là bạn của hai nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến, đó là hai nhà thơ Hàn Mạc Tử và Bích Khê?

 

TQ:

Hai nhà thơ Hàn Mạc Tử, Bích Khê là bạn của đường huynh của tôi, tức nhà thơ Mộng Đài, riêng đối với tôi lúc bấy giờ, so tuổi tác, tôi thuộc hàng đàn em thôi. Về kỷ niệm, tôi nhớ là vào năm 1936 - nhân có cuộc họp mặt các nhà thơ trong vùng tại tư xá của anh Bích Khê - tại phố nhỏ sầm uất nhưng đầy thơ mộng - hôm ấy tôi may mắn được anh Mộng Đài đưa theo và nhờ đó mới được biết nhà thơ Hàn Mạc Tử, qua sự giới thiệu của anh Bích Khê - người bạn đồng hương và cũng là người bạn trong làng thơ sau này...

HAK:

Vì là bạn mặc dù lúc bấy giờ tuổi tác chỉ vào bậc đàn em, tuy nhiên chắc chắn nhà văn có nhiều kỷ niệm với các nhà thơ nổi tiếng này. Vậy nhà văn có thể cho độc giả biết một vài kỷ niệm nào đẹp nhất mà nhà văn luôn luôn ghi nhớ mãi trong ký ức của mình...

 

TQ:

Như tôi đã trình bày trên, vào những năm cuối thập niên 30, tôi chỉ là một học sinh mới bước lên bậc trung học, mặc dù thỉnh thoảng có cuộc gặp mặt song chẳng có kỷ niệm gì đặc biệt cả. Dường như, tôi còn nhớ sau buổi được anh Mộng Đài đưa đến tư xá anh Bích Khê để nghe các bậc đàn anh bàn bạc về thơ, sau đó cùng với các anh Hàn Mạc Tử, Bích Khê và anh Mộng Đài đưa đi rong chơi ven dòng sông Vực... Đặc biệt đêm hôm ấy có cả sự hiện diện của chị Mộng Cầm -   cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu... Và, cũng kể từ đó, tôi không còn gặp được nhà thơ Hàn Mạc Tử nữa... cho đến ngày nghe tin anh đã vĩnh viễn ra đi...

 

HAK:

Nhà văn có thể cho biết về mối tình giữa nhà thơ Hàn Mạc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm không?

 

 

TQ:

Mối tình giữa chị Mộng Cầm và nhà thơ Hàn Mạc Tử có thật, gắn bó nhau ngay tại phố nhỏ Thu Xà. Mối tình giữa nhà thơ Hàn Mạc Tử và chị Mộng Cầm, được chẳng những Bích Khê mà luôn cả hai bậc sinh thành của chị lúc bấy giờ đều tán thành.

 

HAK:

Theo chỗ chúng tôi được biết, nhà thơ Hàn Mạc Tử bị mắc chứng nan y nên cuộc tình này đành dang dở.

 

TQ:

Đúng như vậy. Nguyên nhân, chị Mộng Cầm lúc bấy giờ theo hai cậu là ông Lê Quang Thuần và Lê Quang Lương tức nhà thơ Bích Khê vào Phan Thiết đề mở trường dạy học... Nhà thơ Hàn Mạc Tử nhiều lần đến tỉnh này vừa thăm nhà thơ Bích Khê và cũng nhằm mục đích để gặp mặt người yêu… Nơi đây hai người thường đưa nhau rong chơi ven bờ biển nhất là thường xuyên lui tới lầu Ông Hòang... Chính nơi đây Hàn Mạc Tử bị vướng phải bệnh nan y bất trị. Và do đó mà cuộc tình duyên này đành vĩnh viễn chia tay...

Nhưng có một thời, vào năm 1961 tờ Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ - Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đã cử ông Châu Mộng Kỳ làm đặc phái viên tìn gặp nữ sĩ Mộng Cầm để tìm hiểu về mối tình đầy thơ mộng và tràn đầy nước mắt này. Theo bài phỏng vấn này thì chị Mộng Cầm hoàn toàn bác bỏ và phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa hai người. Nữ sĩ chỉ cho biết, có lần cùng Hàn Mạc Tử rong chơi tại lầu Ông Hoàng, Hàn Mạc Tử có thổ lộ mối tình thầm kín của mình với Mộng Cầm và bị nữ sĩ từ chối với lý do bất đồng tôn giáo...

 

HAK:

Hình như vì những lời lẽ phủ nhận này mà các bạn hữu của nhà thơ Hàn Mạc Tử phẫn nộ?

  

TQ:

Có vậy. Ngay cả bà Ngọc Sương - dì ruột của Mộng Cầm - cũng phản đối và cho rằng đó là một sự phủ nhận quá phũ phàng... Trong số người phản đối có cả nhà thơ Quách Tấn... Về sau, nằm ở nhà thương Qui Hòa Hàn Mạc Tử có sáng tác nhiều bài thơ nhắc nhở đến tên người yêu của mình, như trong bài Muôn Năm Sầu Thảm thật thống thiết: “Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm / Nhớ thương còn một nắm xương thôi”. Hoặc giả bài Phan Thiết, Phan Thiết, nhắc nhở những kỷ niệm về lầu Ông Hoàng hai người cùng rong chơi dưới đêm trăng: “Ta lang thang tình tới chốn lầu Trăng / Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang / Nơi đã khóc đã yêu thương da diết...”. Nói không hết về mối tình của nhà thơ Hàn Mạc Tử.

 

HAK:

Nhưng theo nhà văn thì tại sao lại có chuyện nữ sĩ Mộng Cầm phủ nhận mối tình này?

 

TQ:

Không ngoài bảo vệ cho hạnh phúc của mình... Đây là một điều dễ hiểu và chúng ta không thể trách cứ điều này...

 

HAK:

Bài “HOA THƠ”của nhà văn ngẫu hứng sáng tác vào dịp nào? Có phải vào dịp cùng rong chơi ven dòng Sông Vực với các nhà thơ đàn anh đó không?

 

TQ:

Đúng, nhưng không phải là đêm trăng có cả nhà thơ Hàn Mạc Tử cùng chị Mộng Cầm. Hai năm sau đó, cũng trong dịp Hè, tôi trở về quê, cùng hai anh Bích Khê và Mộng Đài cũng lên thuyền rong chơi trên dòng Sông Vực, đêm hôm ấy cũng lại là một đêm trăng bàng bạc cả vòm trời. Tôi ngẫu hứng và sáng tác bài Hoa Thơ được cả hai anh Bích Khê và Mộng Đài nhiệt liệt khen tặng. Sau đó, được đăng tải trên tờ nhật báo Đông Pháp. Đó là bài thơ đầu đời tôi vào con đường văn nghiệp...

Tiếc thay vào thời gian này được tin anh Hàn Mạc Tử lâm phải bệnh nan y và vĩnh viễn không bao giờ trở lại với chúng tôi nữa... Bài “Hoa Thơ” này mãi đến giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, mới được phổ nhạc, mà tác giả bản nhạc được phổ ra này không ai xa lạ chính là người bạn vong niên của tôi - Thi Nhạc sĩ HẠ ÁI KHANH... đang ngồi đối diện vào buổi chiều hôm nay... cùng với Nhà Thơ, Nhà Văn VIỆT HẢI... Thành thật cám ơn người bạn vong niên thân quí của tôi đã gợi lại hình ảnh đẹp này.

 

HAK:

Trong ngày ra mắt tác phẩm “BÍ ẨN CỦA CÁI CHẾT” của nhà văn tại hội trường Hội Người Việt thành phố Reseda, nhà báo Tâm An - Chủ nhiệm, Chủ bút THẰNG MÕ NAM CALI tiết lộ chính nhà văn Thinh Quang là MỘNG TUYỀN Nữ Sĩ, đã phụ trách mục giải đáp “Một Nghìn Lẻ Một Chuyện Băn Khoăn” của tạp chí Viễn Xứ trước kia và Bán Nguyệt San Thằng Mõ hiện nay - được các độc giả xem Mộng Tuyền Nữ Sĩ như là cuốn Tự Điển Sống... Có phải như vậy hay không?

 

TQ:

Vâng. Mộng Tuyền Nữ Sĩ chính là một bút hiệu thứ hai mà tôi đã xử dụng ngay từ trước 75 tại Miền Nam Việt Nam... như anh Chủ nhiệm Tâm An đã tiết lộ.

 

HAK:

Mặc dù đang ở vào tuổi xế chiều của cuộc đời, nhà văn có còn sáng tác gì nữa không và có những ước mơ gì cho nền văn học Việt Nam không?

 

TQ:

Như trong lời “Tựa” của anh Tâm An cũng như lời “Bạt” của nhà báo lão thành THANH THƯƠNG HOÀNG - Chủ tịch Làng Báo Chí Việt Nam trước năm 75 - đã viết: mặc dù tuổi tôi đã xế chiều song vẫn luôn luôn đam mê với nghiệp dĩ... cho đến hơi thở cuối cùng... Và chính tôi đã thổ lộ như vậy trong một cuộc điện đàm sau ngày rời bệnh viện trở về nhà. Tôi hằng kỳ vọng nền văn học trong nước cũng như ở hải ngoại được tiến triển hơn lên, hi vọng trong làng văn tại hải ngoại cũng như trong nước xuất hiện nhiều nhà làm văn hóa lỗi lạc hầu bắt kịp với nền văn minh của nhân loại.

 

Xin chân thành cám ơn nhà văn đã bỏ chút thì giờ quý báu dành cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn hôm nay.

( Trích từ tác phẩm "Tuyển Tập Văn Thơ Nhạc", đã xuất bản)

Dương Viết Điền

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org