Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

 

 

image003

 

 

THẦY TÔI, THI SĨ TRẦN HOAN TRINH

Nguyễn Phụng


Giáo Sư Nguyễn Phụng, Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh (1955-1961), thuộc thế hệ học sinh “con nhà nghèo học giỏi” của Phan Châu Trinh Đà Nẵng khi trường dời từ Trường Nam Tiểu Học (nơi nhà đèn) về cơ sở mới Đường Lê Lợi (1954). Thế hệ học sinh cả lớp ban toán đậu tú tài 100%; đứng đầu các lớp Đệ Nhất Ban B của Quốc Học Huế, cũng chiếm ngôi vị thủ khoa các Trường Cao Đẳng ở Sài Gòn. Sinh Viên Nguyễn Phụng đã là một điễn hình cụ thể. Nhưng không chỉ thế, bài viết sau đây về Thầy Trần Đại Tăng là những chữ nghĩa cảm động của Tình Thầy-Trò mà sáu-mươi năm sau (1955-2015) vẫn nguyên vẹn bất biến. Bởi Giáo Sư Phụng viết về  Thầy Tăng, Thi Sĩ Trần Hoan Trinh với một tâm hồn một người đọc thơ.  Với tấm lòng của học trò -- Học Trò Phan Châu Trinh đối với Người Thầy -- Thầy Tôi.  BBT      

 

Tôi học ban toán; năm đệ tam và đệ nhị tôi học toán với thầy Trần Đại Tăng. Rất tiếc là tôi chỉ được học hai năm với thầy vì trường Phan Châu Trinh lúc đó chưa có lớp đệ nhất; tôi phải khăn gói lên đường ra Huế làm người học trò xứ Quảng ra thi…


Lớp toán vui và hay. Thầy Tăng rất trẻ, hiền lành, thong thả nhưng không trễ nãi; giọng ấm nhưng không quá trầm nên dễ nghe; lời giảng ngắn gọn, ít lặp đi lặp lại; chữ viết trên bảng thẳng đứng, quả quyết với nhiều nét nhấn mạnh nhưng vòng tròn và đường biểu diễn hàm số bậc hai bậc ba thầy vẽ rất tròn và mềm mại, thẩm mỹ. Tôi thích lớp thầy, hớn hở và bình an với con đường tương lai mở rộng ra trước mặt. Tôi kính mến thầy.


Sự kính mến của tôi bỗng một hôm thay đổi và trở nên đậm đà hơn; đó là hôm tôi đọc bài thơ của thầy trong giờ ra chơi. Vài lần tôi nghe bạn bè nói thầy Tăng làm thơ nhưng  mãi đến lúc đó mới thật sự đến với thơ của thầy. Hơn năm mươi năm rồi tôi không còn nhớ bài thơ, nhưng ngay từ giờ phút ban đầu, tôi đã nhận ra đó là bài thơ hay. Ý thơ quen thuộc -- sân trường và tà áo mấy cô học trò tung bay -- lời thơ tự nhiên, chuyên chở nhiều cảm xúc và đầy nhạc tính. Trong ý nghĩ của tôi, thầy Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh*, không phải là thi sĩ tình cờ, kiểu “yêu em anh trở thành thi sĩ” hay thi sĩ suốt đời chỉ viết được độc nhất một bài thơ, bài thơ của cả cuộc đời.


Mấy bạn tôi chắc cũng có cùng cảm mến như tôi, nhưng sự cảm mến của tôi khác biệt, tôi tin như vậy, vì tôi hay nghĩ ngợi về thơ. Tôi không biết làm thơ và ao ước ngày nào đó viết được vài bài thơ hay ho. Vì ước mơ đó nên tôi chép thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương… và thuộc lòng nhiều đoạn trong Truyện Kiều. Hồi đó, tôi cho rằng thi sĩ là người “rất oai”. Thật là lạ lùng; nhưng may quá, sau này, Nguyễn Bá Trạc, học hơn tôi một lớp, viết đâu đó trong Ngọn Cỏ Bồng rằng thi sĩ thường mặc áo veston và thắt cà vạt, oai ghê; chắc Trạc cũng nghĩ như tôi; cảm ơn anh.


Và vài lần tôi nghĩ rằng người biết làm thơ là người may mắn trong đời vì vài thiếu thốn trong cuộc sống có thể bù đắp bằng thơ; may mắn vì qua bài thơ sáng tác họ thấy đời vui tươi hơn; may mắn vì qua bài thơ họ trút bớt đi những bâng khuâng, buồn phiền, mệt mỏi trong cuộc sống. Tôi mường tượng ra rằng ai đó viết được bài thơ vừa ý sẽ thấy mùa hè rộn ràng hơn và hoa phượng tươi thắm hơn; và ai đó khi chuyển những cảm xúc thành những vần điệu ý vị, sẽ vơi đi được vài nỗi buồn trong cuộc sống.


Một lần, trên đường đi học về trên đường Thống Nhất ngang qua đường Nguyễn Thị Giang tôi chợt nhớ đến thiên tình sử của anh hùng Nguyễn Thái Học và liệt nữ Nguyễn Thị Giang do Ba tôi kể. Thương tiếc tràn ngập trong lòng, tôi liên tưởng đến mối tình lý tưởng mang màu sắc cách mạng của đôi chiến hữu Trần Quang Ngọc và Nhị Nương bên cạnh mối tình thơ mộng và bi đát của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong truyện Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng. Tôi bước đi thẫn thờ và hát nhỏ nhỏ “Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó”, câu hát mà tôi biết khi học nhạc tại nhà thầy Hoàng Bích Sơn. Phải chi tôi biết làm thơ để viết hết ra sự kính phục và tiếc thương của tôi đối với họ.


Một lần khác, khi Nguyễn Văn Nam -- học trước tôi một lớp, cùng lớp với Phan Nhật Nam và là một võ sĩ quyền Anh cừ khôi của trường Võ Bị Đà Lạt -- tử trận. Nam ra đi để lại thương tiếc cho gia đình và bạn bè. Kỷ niệm những ngày cùng Nam đi đến trường, cùng bước qua Cầu Vồng, sân vận động Chi Lăng, mã Tây… chập chờn trong giấc ngủ; phải chi tôi làm được một bài thơ để vơi đi thương nhớ; tôi như một người câm với bao nhiêu phiền muộn trong lòng nhưng chỉ biết ú ớ vì không thể nói nên lời. Tôi dài dòng về thơ và ước vọng về thơ để các bạn hiểu sự cảm mến của tôi đối với thầy Tăng, thi sĩ Trần Hoan Trinh. Sự cảm mến đó không chỉ đơn thuần do sự thông cảm giữa độc giả và tác giả mà là một liên hệ tình cảm sâu đậm, với nhiều kỷ niệm và qua nhiều năm tháng.


Hết trung học, tôi học trường Quốc Gia Hành Chánh. Một trong những vị giáo sư của trường mà tôi kính mến là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Giáo sư rất tư cách, thông thái và giảng dạy rất hay. Sự kính mến đó thêm màu sắc mới từ ngày tôi biết giáo sư là thi sĩ Đằng Phương, tác giả tập thơ Hồn Việt với bài thơ nổi tiếng mà tôi đã thuộc lòng từ  nhỏ:


Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước

Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu

Và làm cho những đất cát hoang vu

Biến thành một dải san hà gấm vóc.

Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc,

Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn

Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn

Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng.

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng,

Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân

Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,

……

(Đằng Phương, Anh Hùng Vô Danh)


Tôi ngâm khẻ bài thơ Anh Hùng Vô Danh vài lần, nghĩ đến những bài học thuộc lòng thời tiểu học, bài Nhớ Rừng của Thế Lữ và bài Làng Tôi (tức là bài Quê Hương) của Tế Hanh và mấy bài trong tập Những Vần Thơ Trong Sáng của Trần Trung Sơn; tôi nhớ những ngày ấu thơ và những ngày vui trong lớp toán thầy Tăng. Thơ giáo sư Huy là những bài hùng ca yêu nước; thơ thầy Tăng là mấy bức phác họa sân trường và lớp học.


Một chiều, trong khi chờ đợi để đón nàng sinh viên văn khoa Sài Gòn -- người đem lại an vui cho gia đình và chia xẻ buồn vui với tôi hơn bốn mươi năm qua -- tôi tình cờ nói chuyện với một người trai trẻ cũng đang đợi chờ như tôi và được biết rằng giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, khoa trưởng Văn Khoa, là một thi sĩ tài ba, thi sĩ Trần Hồng Châu. Tại trường Hành Chánh tôi đã nghe nói rằng vị giáo sư văn chương này là một luật gia thượng thặng với nhiều bằng cấp luật học tại Pháp. Giáo sư Hoạch đi về hướng phía chúng tôi rồi rẽ vào lớp học; người bạn đọc cho tôi nghe mấy đoạn thơ của giáo sư. Lòng tôi rộn ràng với sự cảm mến dù tôi chỉ mới nhìn thấy giáo sư và nghe được chưa quá vài chục câu thơ. Tôi đón người yêu văn khoa. Khi yêu, người ta yêu cả đường đi lối về, nhưng tôi chắc đó không phải là lý do của sự quý mến, dù chỉ rất nhẹ nhàng, của tôi đối với giáo sư Hoạch, một thi sĩ. Đêm đó tôi nghĩ đến giáo sư Huy, giáo sư Hoạch và thầy Tăng.


Một lần khác, đọc mấy bài thơ của Vũ Hoàng Chương tôi sực nhớ ra thi sĩ này đậu tú tài toán, học lớp toán đại cương tại đại học Hà Nội, dạy toán tại nhiều tỉnh miền Bắc rồi khắp Sài Gòn. Tôi nghĩ đến lớp toán của thi sĩ nổi danh này, lớp toán của thầy Tăng, và một buổi học toán với thầy Tăng mà tôi rất thích thú và nhớ hoài. Hôm đó thầy Tăng giảng về lô-ga-rít thập phân và lô-ga-rít thiên nhiên. Lô-ga-rít thập  phân lấy số 10 làm căn bản, điều đó dễ hiểu vì chúng ta có 10 ngón tay và 10 ngón chân. Lô-ga-rít thiên nhiên nhưng không “thiên nhiên” chút nào hết, vì căn bản của lô- ga-rít này là số e, số này gần bằng 2.718182, chỉ gần bằng thôi vì có vô số số lẻ. Cả lớp ngẩn ngơ. Thầy Tăng giảng rằng cũng như số pi -- con số dùng để tính chu vi và diện tích vòng tròn -- số e có hằng hà số lẻ. Viết từ đầu hàng, số lẻ của số e vẫn không ngừng lại cuối hàng; viết từ đầu trang, số lẻ của số e vẫn tràn ra ngoài trang giấy; ai đó ngồi đếm số lẻ của số e, cũng như đếm sao trên trời, mãn đời vẫn chưa đếm xong; và mọi cố gắng nhằm tính chính xác số e vẫn chỉ là một ước mơ của những bộ óc siêu việt hay của cả nhân loại.



Cũng như số pi, số e dù nhỏ bé nhưng chứa đựng trong nó sự vô tận, bao la… và sự vô tận đó khó nắm bắt được trong thế giới vật chất hữu hạn hằng ngày quanh chúng ta. Nhiều người quen thuộc với số pi hơn số e; những người này chỉ cần dùng một chút suy xét để vẽ một một vòng nho nhỏ trên một trang giấy học trò nhưng phải đưa trí tưởng tượng ra xa, thật xa, xa đến khi nó mờ nhạt và chơi vơi, để thấy số pi và sự bí ẩn của nó ẩn hiện trong chu vi vòng tròn. Đó là lý trí và tưởng tượng… Một em bé lên mười có thể vẽ được một vòng tròn dễ dàng nhưng một người trưởng thành và thông minh xuất chúng vẫn không thể vẽ được một hình vuông mà diện tích bằng diện tích vòng tròn vì số pi vô tận, không ai nắm bắt được nó để vẽ cạnh hình vuông. Đó là khả năng và giới hạn của chúng ta, đó là thân phận con người… Thầy giảng hay quá.


Một cô học trò, không biết trong lớp nào, cũng một lần nghĩ như tôi:


Thầy giảng Toán sao hay lạ thường

Ngọt ngào như đọc bài thơ Đường

Em ngồi em ngủ quên đi mất

Nghe gió lao xao động cuối trường

(Ngủ Quên)


Trong lớp tôi ngày đó lời giảng của thầy Tăng không ngọt ngào như một bài thơ Đường (có lẽ vì tôi không ngủ mơ màng như cô học trò này) nhưng rất trau chuốt, với ý tứ và hình ảnh nối tiếp nhau của một bài thơ tự do ý vị; và rất có thể đó là bài thơ cụ thể duyên dáng với mấy hình vẽ vuông tròn trên bảng rất đẹp. Ngày đó, tôi chỉ cảm nhận lời giảng của thầy Tăng mà không hiểu hết. Giờ đây, bao nhiêu năm vì cơm áo phải chuyện trò với các con số để chúng nói lên vài điều gì hay đưa chúng qua cửa ngỏ của vài công thức hay phương trình để có một đồ biểu hay mô hình gọn gàng, ý nghĩa -- tương tự như cô gái đưa tơ vào khung để dệt tấm lụa vàng óng ánh -- tôi mới hiểu dần ra ý nghĩa sâu xa của bài thơ tự do đó.


Toán tự nó là thơ của lý luận, pure mathematics is, in its way, the poetry of logical ideas, như Albert Einstein đã nói. Cũng như lời thơ hay, lý luận toán là những lời súc tích nhất, ngắn gọn nhất và sắp xếp theo một thứ tự tuyệt hảo nhất. Cũng như thơ, lý luận toán dùng nhiều biểu tượng để chuyên chở ý nghĩa. Hình ảnh con hổ dưới ánh trăng tàn hay bức tượng đồng trầm tư trong thơ tương tự với số pi và e trong toán, nuôi dưỡng trí tưởng tượng, nói lên rất nhiều điều sâu xa huyền bí, mang ý nghĩa vượt thoát hình thù của chúng. Và cũng như vẻ đẹp trong thơ, các phương trình, công thức, dãy số… mang một vẻ đẹp đặc biệt, tạo thành bởi sự đối xứng, cân xứng, hay nhịp nhàng của các thành phần.

 

Tôi vẫn thường nghĩ, mỗi tuần vài lần, thầy Tăng làm thơ trên bảng đen với các dãy số và phương trình để chúng tôi khôn lớn trong luận lý và tưởng tượng, sự hữu hạn và sự vô cùng; và trong những phút thầm lặng, khi tay không còn dính và mái tóc không còn vướng đầy bụi phấn, thầy làm thơ riêng cho thầy, cho học trò. Tôi cảm ơn thầy; tôi thích cả hai thể loại thơ đó, hai thể loại thơ bằng hai thứ ngôn ngữ, hai thứ ngôn ngữ khác mà không biệt nơi thầy Tăng, thầy Tăng dạy toán, thầy Tăng thi sĩ.


* * *


Tôi thích đọc thơ và khi đọc tôi hay đồng hóa mình với tác giả trong khung cảnh của bài thơ. Tôi vẫn thường nghĩ rằng một bài thơ, dù viết cho người bạn tâm giao kế cận bên mình hay người yêu muôn trùng xa cách, vẫn là bài thơ viết cho người gần gũi nhất, tác giả, hay con người thơ của tác giả. Bài thơ là tiếng nói, tiếng cười, lời ca hay lời than thở của tác giả cho ai đó đón nghe, nhưng âm thanh của bài thơ đó vang vọng trước tiên trong tâm tư tác giả rồi mới lan truyền ra xa. Đóng vai tác giả để ngâm nga bài thơ tôi mong bắt gặp rung cảm tác giả muốn gởi đến người đọc và nhất là niềm hạnh phúc của tác giả khi chuyển rung cảm đó thành lời thơ. Đó là thứ hạnh phúc tôi thường ao ước nhưng không được trời ban cho nên mãi tìm kiếm.


Đọc thơ lối đó là một thói quen khó bỏ, không biết đó là một lối thưởng ngoạn đáng khuyến khích hay là một tật xấu nên tránh xa. Dù sao, với thói quen đó tôi đến gần một số bài thơ mà trước kia tôi chỉ đọc qua loa; nhưng riêng với thơ của thầy Tăng, thói quen đó là một trở ngại lớn. Trong tâm trí tôi, thầy Tăng là người trai trẻ, tài hoa, quá xa cách tôi, một người học trò hay đắn đo và thầm lặng. Khoảng cách giữa tôi và thầy không phải chỉ vài chục bước từ dãy bàn cuối lớp đến bục giảng bài mà là một không gian bao la. Tôi khá tự tin và hiểu rằng hoàn cảnh hiện tại rồi sẽ thay đổi theo thời gian nhưng vẫn không tìm thấy thú vui bình thường khi đọc thơ thầy như khi đọc thơ của của những tên học trò tôi quen biết. Tôi dễ dàng đồng hóa với Lê Ngọc Châu (thi sĩ Luân Hoán), Phan Chánh Dinh (thi sĩ Phan Duy Nhân) hay Hồ Cư. Khi Luân Hoán Lê Ngọc Châu yêu thương một mái tóc tung bay bên bờ sông Hàn hay nhớ nhung một nhan sắc Phan Châu Trinh, tôi thấy tôi và Châu đang ngồi trên ghế đá để gió sông mát rợi lùa trên da thịt hay đang đứng tựa gốc cây phượng nhìn tà áo người đẹp tung bay kiêu sa trong sân trường hay trên đường Lê Lợi. Đó là những giây phút sung sướng, sung sướng vượt thoát; những giây phút tôi nói rất nhiều nhưng chẳng biết nói gì và nói cho ai nghe.

 

Tôi rất thích lời tâm tình của thầy Tăng:

Năm học ấy em bước chân vào lớp

Chào thầy xong đi vội vã đến bàn

Có người thấy cả hồn mình choáng ngợp

Như bất ngờ chìm đắm giữa hào quang

Em e thẹn ngỡ ngàng nhìn xuống lớp

Mắt to đen và đôi má ửng hồng

Bàn tay ngọc vô tình đưa vuốt tóc

Gió bềnh bồng trên hai áng mi cong

………

Buổi học chiều tiếng thầy giảng thiết tha

Lơ mơ mộng có học hành chi được

Cứ mải mê nhìn em ngồi phía trước

Tóc dài đen xõa kín cả bờ vai

……..

(Chuyện Tình Học Trò)


Cô học trò xinh quá, tôi nhìn thấy cô rõ ràng, mắt to đen, má ửng hồng, hàng mi cong và tóc dài xõa kín bờ vai, nhưng tôi không thể mường tượng ra người học trò tên Tăng đang choáng ngợp vì bàn tay ngà ngọc đưa lên vuốt tóc. Dù nhiều năm sau này, cố tìm người học trò si tình vì cú sét đánh, tôi chỉ thấy thầy Tăng nghiêm trang trên bục giảng bài. Đó là lý do tôi không nghiền ngẫm thơ thầy nhiều như thơ của nhiều tác giả tôi thích khác. Đó là một điều mâu thuẩn trong tôi; dù sao cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, một lời tâm tình muộn màng với thầy.

Bù lại, những bài thơ mà người lên tiếng không phải là thầy Tăng mà là các học trò của thầy, nhất là mấy cô học trò dễ thương, tôi ngâm nga không biết bao nhiều lần:


Cứ học Toán hoài điên cả đầu!

Thầy ơi! Em dốt toán từ lâu

Sao thầy cứ gọi em lên bảng

Con gái mấy người yêu toán đâu!?

(Ghét Toán)


Chẳng bao nhiêu người trong đám học trò tự thú nhận là mình không giỏi văn chương hay ngoại ngữ nhưng rất người nhiều người không ngại ngùng khai ra rằng mình dốt toán. Dốt toán không phải là một yếu kém hay một điều đáng trách mà là một sự việc rất thời trang. Dốt toán vì thế là một nét dễ thương, thùy mị, lã lơi… nơi người con gái vì toán là cái gì khô khan, cứng rắn, trơ trọi, không màu sắc, gỗ đá, không tình cảm. Lời trần tình của cô học trò vì vậy rất giản dị, tự nhiên, đi thẳng vào tâm tư người đọc trước khi người đọc nắm bắt trọn ý nghĩa của bài thơ.


Thầy ra bài toán để kiểm tra

Bứt đầu bứt tóc mãi không ra!

Thôi mình nắn nót làm thơ vậy

Thầy thích thơ tình chắc chẳng la!

(Kiểm Tra)


Làm toán không ra, cô học trò cắn bút, bứt tóc; và dù bứt bao nhiêu sợi tóc, đáp số của bài toán vẫn còn trốn phương nào; cô học trò thôi đành làm thơ. Làm thơ để quên đi những ấm ức trong lòng là chuyện bình thường. Chuyện không bình thường là cô học trò tin rằng nhờ mấy câu thơ đó cô sẽ không bị thầy la. Quả là một ước mơ ngây thơ, xa vời như mây khói; nhưng ước mơ đó là một ý thơ mới lạ, được dùng rất khéo, đúng chỗ, không gượng ép. Thầy không la rầy nhưng gõ đầu cô học trò dốt toán:


Đầu em thờ mẹ thờ cha

Thờ tiên thờ tổ thờ bà thờ ông

Toán sai thầy gõ “cong cong”

Lỡ rồi em xỉu ai bồng em đây?!

(Làm Nũng)

 

Thay vì nhận lỗi vì làm bài toán không xong nên bị gõ đầu, cô học trò lại đe dọa ông thầy, “Lỡ rồi em xỉu ai bồng em đây?!” Cô cứ xỉu đi; vị thầy trai trẻ nào dám bồng bế cô học trò giữa lớp học?

 

Bài thơ đầy hình ảnh và khám phá bất ngờ, truyền đạt dễ dàng cảm xúc của tác giả đến người đọc. Cảm xúc của tác giả là một thứ hạnh phúc lâng lâng, một thứ hạnh phúc thăng hoa từ ước mơ thầm kín, hạnh phúc trong ngôn từ vang vọng trong tâm tư tác giả. Người đọc dễ nhận ra rằng cô học trò dốt toán này thật dễ thương, nhí nhảnh, quả là một nàng thơ. Và trong trí nhớ của đám học trò của thầy, nàng thơ này phải là người học trò nhan sắc, chia xẻ buồn vui thế sự với thầy trong suốt bao nhiêu năm qua cho đến hôm nay.



* * *

Trong một góc bàn viết, tôi để Truyện Kiều, vài tác phẩm của mấy tác giả Quảng Nam, mấy ký sự chiến trường của Phan Nhật Nam, thơ của Bùi Giáng, Luân Hoán và thầy Tăng. Mỗi khi cần quên đi công việc cơm áo hàng ngày, tôi với lấy một vài thứ trong góc đó để đọc và nghĩ ngợi bâng quơ. Từ cái góc bàn đó, tôi đọc Truyện Kiều để nhớ Ba tôi bói Kiều cho hàng xóm mỗi lần Tết đến; tôi đọc Luân Hoán để tìm lại sông Hàn, sông Thu, Cửa Đại và nhiều nơi tôi đã đi qua; tôi đọc Phan Nhật Nam để thấy sự đảm lược và hy sinh cao cả của người lính chiến Miền Nam mà biết bao nhiêu kẻ mù lòa hay cận thị không nhìn ra; tôi đọc Trần Hoan Trinh để tìm về Phan Châu Trinh ngày nào:

 

Em một thuở quần xanh áo trắng

Leo cổng trường trốn học đi rông

Bên cửa lớp mơ đất trời biển lớn

và trong tim nở thắm một môi hồng

(Chiều Một Mình Sân Trường)



Đến cuối năm thi lấy Tú Tài

Đứa cười toe toét đứa thở dài

Đứa khăn gói thênh thang Đại học

Đứa lọt quân trường tập một hai

(Một Thời Bè Bạn)


Cái góc bàn vô danh đó bỗng nhiên có một cái tên -- cái tên mà tôi chỉ thầm nghĩ đến nhưng chưa một lần gọi thành lời -- từ ngày tôi tình cờ mua được một bộ sách tại một tiệm bán sách cũ đại hạ giá. Bộ sách quá cũ, nhiều trang mục rã, bốc mùi ẩm mốc khó chịu dù tôi đã phơi nắng nhiều lần nhưng cái nhan đề vẫn còn đậm nét và rất thơ -- À la Recherche du Temps Perdu (Tìm Lại Thời Gian đã Mất). Marcel Proust, tác giả của tác phẩm đó, tìm lại quãng thời gian đã mất qua bộ trường thiên tiểu thuyết; tôi người tị nạn, mất quê hương, nhớ nhà, nhớ bạn bè, cố tìm lại quá khứ trong cái góc trên bàn viết.


Một sự trùng hợp tình cờ là từ ngày cái góc bàn có cái tên gọi, tôi chán nản và bi quan bội phần vì tương lai đất nước quá đen tối… Tôi đọc thơ chỉ để nhờ ai đó nói lên giúp tôi nỗi buồn da diết vì quê hương mất đi tiếng nói tình người, cả đất nước chẳng mấy ai nói lên lời chân thật, và lũ học trò học lường gạt khi còn ấu thơ… Nhưng mỗi lần cầm thơ của thầy, tôi chỉ nhắm mắt mơ màng nghĩ đến mấy công thức và hình khối tôi tô đậm nét trong lớp toán ngày xưa; thơ thầy không chia sớt với tôi nỗi đau đất nước đang âm ỉ trong lòng tôi.


Bẳng đi một thời gian dài bỗng một đêm khó ngủ tôi chợt ngâm khe khẻ “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn, Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”. Đó là lời nhắc nhở của Cao Bá Quát rằng xin ai đó đừng hỏi ông về cuộc đời lên xuống mà hãy nhìn vào chỗ khói mịt mờ và sóng dồn dập có chiếc thuyền câu. Đó là tâm sự chán nản thế sự thăng trầm của thi sĩ họ Cao; và đó có thể là tâm sự của thầy Tăng; chắc đúng vậy. Trong cảnh đau thương của đất nước, bỏ qua thế sự thăng trầm và giam mình trong bốn bức tường lớp học là một chọn lựa, một con đường, một lối sống; một lối sống dù bình lặng nhưng vẫn hơn bôn ba ngoài đời mà đêm rằm không có ánh trăng. Xa xa ngoài lớp học đám mây trời lang thang, bên lớp học có con chim nhỏ hót líu lo trên cành sao già, và trên hai tay đám bụi phấn phủ mơ hồ. Thầy Tăng tìm ý thơ trên lối đi từ nhà đến trường nhưng chưa đến trường, thầy làm thơ trên đường vào lớp nhưng chưa vào lớp; thành ra thơ vẫn bâng khuâng, ngập ngừng, không trọn vẹn, như “thuở ban đầu lưu luyến ấy” khi mới đến trường thời xuân xanh. Năm tháng dồn dập trôi qua, thế sự càng u tối, dòng tâm thức thêm ngổn ngang, thầy muốn xa lánh xã hội:


Cũng định lên rừng đốn củi than

Cắt cỏ chăn dê giữa non ngàn

Như người Tô Vũ ngày xưa ấy

Giữ chút lòng son với thế gian!

…..

Cũng muốn lên rừng trốn biệt tăm

Ở hang ăn củ uống sương trăng

Đêm nghe vượn hú nơi cùng cốc

Ngày ngắm mây vần đỉnh núi xanh

(Lên Rừng)


Bài thơ mang đầy màu sắc tiêu dao du của Nam Hoa Kinh. Lên rừng thầy chắc lên Trường Sơn. Trường Sơn, tuy không có con cá Côn của Trang Tử, con cá to lớn và khi biến thành con chim Bằng vỗ cánh bay lên cao, đôi cánh che khuất cả bầu trời; nhưng Trường Sơn hùng vĩ, mịt mùng trong sương trăng và nên thơ trong chiều tà. Đường lên Trường Sơn không bao xa vì Trường Sơn gần biển Đông nhưng lên rừng vẫn chỉ là giấc mơ, giấc mơ Trang Châu, giấc mơ Trang Châu Hồ Điệp… Tỉnh giấc mơ, thầy đổi ý:


Thôi tìm một chỗ để ngồi

Nhìn xem thế sự đổi dời đến đâu

Thôi tìm một góc khuất sâu

Nhìn xem suốt cuộc bể dâu một lần

(Nghiêng Mắt)


Và cuối cùng, cúi đầu chấp nhận thực tại:

Xin khép lại một trang đời mộng ảo

Vẫy tay chào năm tháng đã đi qua

Mai anh về như con chim trốn bão

Đứng co mình nhớ biển rộng trời xa

(Bài Du Ca Cuối Cùng)

* * *

Ông thầy dạy Toán một thời

Mà thơ tình lại tuyệt vời thế sao!

Như cổ tích, như chiêm bao

Nửa khao khát mộng, nửa ngao ngán đời!

(Người Thầy Dạy Toán Làm Thơ)


Không nên hiểu rằng vì đến lúc “bỏ trường mà đi” nên thi sĩ Trần Hoan Trinh cay đắng rồi tự cao như thói thường của vài nhà thơ trẻ tuổi. Đúng hơn, khen thơ Trần Hoan Trinh “tuyệt vời” là lời an ủi ấm lòng nhất mà người học trò dành cho vị thầy dạy toán tận tụy với học trò, một thi sĩ tài hoa, đang ngao ngán sự đời. Thầy ước mơ nhiều cho chính mình và cho đám học trò, ước mơ nhiều nhưng chưa đạt được bao nhiêu vì thời cuộc đổi thay, đen bạc.


Và lời khen thơ “tuyệt vời” đó quả xác đáng. Thơ Trần Hoan Trinh là bức phác họa lớp học và sân trường có tiếng hát ngân nga ngọt ngào, gởi đến đám “trò xưa” lưu lạc khắp nơi trên quê hương và xứ lạ quê người; thơ Trần Hoan Trinh là lời kể lể tự nhiên và chân tình vì hoài cảm và xúc cảm đã hòa với hơi thở thành cuộc sống của tác giả; thơ Trần Hoan Trinh không ồn ào vì đó là lời hòa giải nhẹ nhàng với số mệnh lẻ loi của tác giả gây nên bởi vận nước điêu linh.


Nguyễn Phụng

Raleigh, NC 3/2015

 

(*) Tác phẩm của Trần Hoan Trinh:

Thỏ Thẻ

Tạ Từ

Tôi Khóc Em Cười

Tóc Thề Xõa Xuống Thành Thơ

Bỏ Trường mà Đi

Tóc Trắng Sân Trường

Tháng Năm Huyền Thoại

Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp

Rong Chơi

Quê Hương Thơ và Em

Chảy Bỏng như Lửa Mặt Trời

Bỗng Dưng Nhớ Phố Nhớ Phường

300 Bài Tứ Tuyệt

Mùa Hạ Cuối Cùng (truyện ngắn)

Một Đời Thầy Một Đời Thơ (hồi ký)

 

  

 

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org