Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

RA  KHƠI

Nguyễn Quý Đại

29 năm lặng lẽ trôi qua như một giấc mơ. Nhớ lại thời gian sau 1975, chương trình giáo dục của chính quyền CSVN chủ trương “hồng hơn chuyên", xét lý lịch đến ba đời. Con của  quan chức chế độ VNCH khó có thể vào Đại học nên Mẹ tôi đã cho tôi vượt biên, hy vọng đến bến bờ tự do để có tương lai tươi sáng hơn, nhưng thời đó bị chính quyền kết án: "tàn dư Mỹ Ngụy ra đi vì kinh tế, bọn đĩ điếm…"

Thuyền ra khơi trong đêm tối trôi nổi giữa trùng khơi dậy sóng. Biển mênh mông những cơn sóng mạnh đánh vào mạn thuyền bé nhỏ nhấp nhô như chiếc lá mong manh, ngày nóng đêm lạnh, nhiều người mệt nhòai ngất xỉu. Những con hải âu hờ hững vỗ cánh bay trên sóng gió, nước với trời cùng một màu xanh. Nhiều ngày thuyền lênh đênh trên biển thiếu nước uống, lương thực và nhiên liệu cạn. Trời về chiều bỗng dưng mây từ đâu kéo về mịt mù, giông tố nổi lên và mưa ào trút xuống, sóng nước mênh mông đánh vỡ con thuyền, tiếng kêu cứu, gào thét của người đồng hành rơi vào hư không vô tận ….

Tôi vẫy vùng, cố ngoi lên tìm hơi thở, nhưng sóng dữ vẫn không tha, nhận chìm tôi vào cõi chết. Giữa lúc ấy tâm hồn tôi chợt nghĩ đến Mẹ. Tiếng Mẹ như ru vang lên từ tâm thức, là một nhiệm màu, tôi cố gắng vươn tay ra nương theo tiếng ru diụ hiền của Mẹ. Tôi trồi lên mặt nước để có được hơi thở, và bám được mảnh ván lớn vỡ vụn từ con thuyền, tôi thiếp đi không còn biết gì trên cõi đời hư vô, chung quanh tôi những người đang ngụp lặn tuyệt vọng.

 Hai chữ tự do rất đắt, không phải trả bằng 5 hay 7 cây vàng, mà còn đánh đổi cả sinh mạng. Những người trên thuyền của tôi bị sóng đánh chết tả tơi, chỉ còn vài người và tôi may mắn được Cap Anamur vớt lên từ cõi chết, không có con tàu nầy thì cuộc đời tôi đã gởi lại dưới lòng đại dương vĩnh viễn. Trong hầm tàu phòng cấp cứu đơn sơ, chiếc giường bên cạnh, người đàn ông lớn tuổi bị công an biên phòng bắn, đầu đạn còn nằm trong lưng, vết thương bị nhiễm độc có mùi hôi, được các  bác sĩ, y tá tận tình giải phẩu chữa trị, nhiều người vì kiệt sức bị hải tặc Thái hãm hiếp… Theo dự đoán của Cao ủy tỵ nạn, gần phần nửa số người ra đi đã chết trên biển hay trên đường bộ từ Campuchia sang biên giới Thái Lan.  

Cuộc đời may mắn như định mệnh an bài, tôi được vớt đưa vào cảng Singapore. Đoàn người tỵ nạn không hành lý thất thểu bước lên đất liền, quần áo nhàu nát, tả tơi. Tôi còn bỡ ngỡ với thành phố hoa lệ Singapore trù phú. Bỗng dưng bà người Hoa bên đường đưa cho tôi bịch Coca đá lạnh có ống hút và ổ bánh mì thịt, bà đã chia xẻ tình thương của con người. Cuộc hành trình trên biển đông nhiều người viết về những đau thương, mất mát khó có thể phai mờ trong ký ức của người vượt biển…

Mùa thu lá vàng bay, thời tiết se lạnh từ phi trường Frankfurt đổi chuyến bay về Muenchen. Xe Bus đón chúng tôi đến trại Allach, thời gian đó có lễ Hội Bia Tháng Mười Oktorberfest (1980). Các anh đi trước (1979) đã ổn định đời sống, có công việc làm ở hãng Siemens, đưa tôi đi xem các trò chơi hấp dẫn chưa từng thấy trong đời. Tình đồng hương lúc nào cũng cao quý khó quên.

Tôi tuổi vị thành niên không có thân nhân, nên được làm bảo lãnh gia đình, nhưng uớc mơ đoàn tụ không bao giờ đến.. Bởi vì thời gian tôi vượt biên, ba tôi trong trại cải tạo bệnh nặng, mẹ tôi phải bán bàn ghế lấy tiền mua thuốc thăm nuôi, đó là lần thăm cuối cùng. Trên đường về, Mẹ bị xe bộ đội gây ra tai nạn chết người, mẹ đã vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới! Ngày ba tôi ra tù, sống trong cô đơn thương nhớ gia đình phân ly, vì ảnh hưởng những năm tù khổ cực, bệnh tim tái phát, không đủ tiền mua thuốc, ba tôi cũng ra đi trong lặng lẽ, bỏ lại phiá sau những muộn phiền cuộc đời dâu bể. 

Những năm trong nội trú, tôi đã thiếu tình thương của mẹ hiền, có những đêm học bài, nghẹn ngào nước mắt đổ lên những trang vở nhạt nhòa màu mực. Nhờ tình thương của bạn và thầy cô, giúp tôi đủ nghị lực để vươn lên với đời. Tôi lo học đền đáp công ơn dưỡng dục của gia đình và luôn ghi nhớ lời mẹ lúc chia tay „sống với đời bằng lòng vị tha, khoan dung không bao giờ hận thù, trải rộng lòng nhân ái với mọi người với đời, bỏ lại phiá sau những khổ lụy trần gian và hướng tới tương lai tươi sáng. ..“ Hành trang vào đời nhờ hồng ân của Mẹ đã cho tôi con đường đời dài nở đầy hương hoa kết trái.

Tôi noi gương các chú bác lớn tuổi, họ đến Đức muộn nhưng tiếp tục học đại học, xong trung học tôi ghi danh học tiếp. Nhóm trẻ „mồ côi“ chúng tôi đều thành công,  không vào đại học thì học nghề vững chắc, không có đứa nào lang thang bụi đời. Thương tiếc bạn trẻ Lê Hà Tố Diễm vì cô đơn, thất vọng, giã từ cuộc đời quá sớm. Các quốc gia khác có sinh hoạt của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam, nhưng tại Ðức khó có thể thực hiện được vì Ðại học quá ít sinh viên Việt Nam, người Việt định cư thời đó khoảng 30 ngàn người, ở rải rác các tiểu bang. Chương trình học và thi cử tại Ðức khó khăn, là lý do làm chùn chân giới trẻ tiến thân khó thành công như ở Hoa Kỳ?

Thế hệ sau rất nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc thành công, học giỏi nổi tiếng tại các trường trung học, Gymnasium hay Ðại học. Thế hệ đàn anh (bậc chú bác) nhiều người giữ chức vụ cao các ngành kinh tế, khoa học và nghiên cứu. Người Việt ra đi mang theo truyền thống văn hóa lâu đời, chúng ta đang sống giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, văn minh Tây phương chú trọng về thực dụng, vật chất nhưng nếu uyển chuyển phù hợp với đời sống tình cảm của người Việt Nam thì luôn luôn tốt đẹp hài hòa.

Người Việt ở Đức hội nhập thành công, nhờ bản tính siêng năng chiụ khó làm việc. Theo truyền thống gia đình thường khuyên bảo, khuyến khích con cái học hành, nhiều người sinh ra ở vùng biển mặn, đồng chua. Họ không có phương tiện đi học xa, nhưng con cháu của họ đến Đức thành công trên đường công danh và sự nghiệp. Sinh hoạt của giới trẻ luôn hướng về quê hương, nhưng không thể trở về làm việc với chính quyền Việt Nam, dù đất nước hiện nay đã khá hơn nhiều, so với 34 về trước, nhưng khoảng cách biệt rộng lớn giữa người giàu và người nghèo, vấn nạn tham nhũng hối lộ, đưa tới nhiều tội ác và rối loạn xã hội, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Việt Nam đổi mới, giàu mạnh xuất cảng: dầu thô, gạo, cao su, cafe, hạt điều…tiền hàng năm Việt kiều gởi về trên 7 tỷ dollar. Tiền đó đi đâu? chưa đủ sao còn tiếp tục xuất cảng người đi lao động? Gái quê thi nhau đi lấy chồng ngoại quốc, để rồi trở thành những nàng Kiều lưu lạc xứ người …tại sao quê hương hòa bình no ấm, nhưng nhiều người vẫn liều lĩnh cầm cố tài sản, vay nợ ngân hàng để được đi lao động nhiều rủi ro, bị bóc lột như ở Đại Hàn, Đài Loan, Mã Lai.. Có phải chăng trên chính nơi chốn nhau cắt  rốn họ không nhìn thấy mảy may hi vọng. (thời nô lệ 1619 người Phi châu tới Virgina Hoa Kỳ đã không còn). Vấn nạn người Việt đến Nhật ăn cắp… gây dư luận không tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam chúng ta! Thiểu số người trong nước hài lòng với cuộc sống hiện nay, nhưng phần lớn người ta đều muốn tương lai tốt đẹp hơn cần có tự do, dân chủ, tự do ngôn luận, nói chung quyền làm người phải được tôn trọng và bảo vệ …

Nơi đây đời sống đầy đủ tự do an bình, nhưng nỗi buồn luôn ám ảnh những người còn tưởng nhớ quê hương. Dấu vết chiến tranh để lại khó có thể lãng quên, trước đây bao nhiêu điều xấu xa được dựng lên và gán cho kẻ thù „Mỹ Ngụy“ gây thêm chia rẽ hận thù, sự thù hằn đã trở thành một di sản chiến tranh. Dù đời sống của giới trẻ ngày nay, chính trị chỉ đóng một vai trò rất nhỏ, cuộc chiến Việt Nam mỗi ngày lùi sâu về quá khứ. Chính quyền Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội mở cửa đón tiếp những "khúc ruột ngàn dặm“… Nhưng bản thân, gia đình tôi sau 1975 là một nỗi đau đã hằn sâu trong tiềm thức. Tôi không chống hay tố cộng cực đoan, nhưng luôn bày tỏ một lập trường chính trị ra đi vì tự do, không hèn yếu trước mọi quyến rũ, thế lực danh lợi để trở thành người vong ơn phản trắc. Miền đất hứa Bayern cưu mang tôi từ những ngày đầu bơ vơ. Ngày nay có cuộc sống tốt đẹp, xin tạ ơn những ân nhân người Đức, Uỷ Ban Cap Anamur… với những tấm lòng nhân ái đã đón nhận chúng tôi. Những thế hệ kế tiếp luôn luôn thể hiện lòng nhớ ơn với đất nước nầy, và phải biết bảo tồn truyền thống nguồn gốc dân tộc không bị mất gốc. Tôi xin cảm tạ những đồng hương từng giúp đỡ, an ủi tôi trong những ngày cô đơn, thiếu thốn. Xin tri ơn Mẹ, Mẹ Việt Nam của chúng ta. Tình Mẹ là biểu tượng thiêng liêng cao đẹp nhất, truyền thống thờ Mẹ kính Cha đã in sâu vào tâm hồn của người dân Việt và văn hóa dân tộc Việt Nam.                 

 

 

Bí quyết của sự thành công đó là khả năng tự đặt mình vào địa vị người khác

Das Geheimnis des Erfolges ist, den Standpunkt des anderen zu verstehen.

Henry Ford

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org