Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

CHÀO MỪNG 2009

KỶ NIỆM SÁU MƯƠI NĂM QUỐC GIA VIỆT NAM

Bài 4 (Kết): QUỐC GIA VIỆT NAM

Trần Gia Phụng

 

1.-   VIỆT NAM THỐNG NHẤT

 

Nguyên dưới đời vua Tự Đức, toàn thể Nam Kỳ lục tỉnh (sáu tỉnh Nam Kỳ), từ tỉnh Biên Hòa vào đến Cà Mau, trở thành thuộc địa của Pháp sau hòa ước ngày 15-3-1874.  Vì vậy, sau hòa ước năm 1874, về phương diện hành chánh, biên giới phía nam nước Việt Nam chỉ ngang tới tỉnh Bình Thuận.

 

Sau đó, Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam bằng hòa ước ngày 6-6-1884.  Hòa ước năm 1884 chỉ đề cập lãnh thổ Việt Nam từ Bình Thuận trở ra bắc mà thôi, còn sáu tỉnh Nam Kỳ vẫn là thuộc địa của Pháp theo hòa ước 1874. 

 

Năm 1945, sau khi đảo chánh lật đổ Pháp ở Đông Dương, Nhật Bản đồng ý trả miền Nam lại cho Việt Nam dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, và chính phủ nầy gọi là Nam Bộ.  Việc nầy chưa kịp thi hành, thì Hồ Chí Minh và VM nổi lên chiếm chính quyền, nhưng Hồ Chí Minh và VM không bảo vệ được miền Nam, khiến miền Nam lọt vào tay Pháp trở lại. 

 

Vì vậy, tuy hiệp định Élysée đã giải kết hòa ước năm 1884, nhưng vấn đề Nam Kỳ vẫn chưa được giải quyết.  Cựu hoàng Bảo Đại cương quyết tiếp tục thương thuyết để tái thống nhất đất nước, nghĩa là sáp nhập Nam Kỳ trở lại Việt Nam.  Lúc đó, vì nhu cầu cấp bách của tình hình, chính phủ Queuille phải tiến hành thủ tục hiến định, để giao hoàn Nam Việt cho Việt Nam. 

 

Trong Hiến pháp 1946 của nền Đệ tứ Cộng hoà Pháp, điều thứ 75 quy định rằng “một phần lãnh thổ của Cộng Hòa Pháp hoặc Liên Hiệp Pháp có thể biến đổi do luật của quốc hội sau khi đã tham khảo ý kiến với Hội nghị địa phương và Hội đồng Liên Hiệp Pháp.”  (Chính Đạo, sđd. tr. 123.)

 

Do đó, để thực hiện hiệp định Élysée, trao trả Nam Việt (tức Nam Kỳ, Nam Bộ) lại cho Việt Nam, quốc hội Pháp biểu quyết ngày 11-3-1949, chấp thuận thành lập “Hội đồng lãnh thổ Nam Việt” và được chính phủ Pháp ban hành thành luật ngày 14-3-1949, để Hội đồng nầy quyết định về tương lai Nam Việt. 

 

Hội đồng nầy được bầu ra ngày 10-4-1949 tại Nam Việt gồm 54 thành viên, trong đó có 14 người Pháp và 40 người Việt.  Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất, kết quả bỏ phiếu về việc sáp nhập Nam Việt vào Việt Nam là 25-25, nghĩa là kết quả cân bằng giữa hai khuynh hướng.  Hội đồng nầy phải bỏ phiếu lần thứ hai ngày 23-4-1949.  Kết quả là 45 phiếu thuận và 5 phiếu chống. (Bảo Đại, sđd. tr. 345.).

 

Nói cách khác, trong cuộc bỏ phiếu ngày 23-4-1949, Hội Đồng Lãnh Thổ Nam Việt đồng ý sáp nhập Nam Việt về với Việt Nam.

 

2.-   VIỆT NAM ĐỘC LẬP

 

Đạt được ước vọng thống nhất lãnh thổ, đem Nam Việt trở về với Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại lên đường về nước ngày 24-4-1948.  Các đại biểu Nam Việt đã bỏ phiếu tái sáp nhập Nam Việt vào Việt Nam, nhưng trong khi chờ đợi quyết định của quốc hội Pháp, Nam Việt chưa thực sự là đất Việt Nam, nên khi về đến Việt Nam ngày 28-4-1949, cựu hoàng Bảo Đại không ở lại Sài Gòn, mà lên thẳng Đà Lạt.  Trong sách Con rồng Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại viết rằng: “Tôi quyết định, vì lý do nhã nhặn, chưa nên vội vã đến Sài Gòn.” (Bảo Đại, sđd. tr. 351.)

 

Thật ra lúc đó, Pháp chưa chịu trả dinh toàn quyền Đông Dương (dinh Norodom tức dinh Độc Lập) ở Sài Gòn cho Việt Nam, và viên toàn quyền Pháp vẫn làm việc ở đó.  Pháp chỉ giao lại cho phía Việt Nam dinh thống đốc Nam Kỳ (tức dinh Gia Long vì nằm trên đường Gia Long trước năm 1975) ngày 23-5-1947, thời chính phủ Lê Văn Hoạch . 

 

Ai cũng biết dinh toàn quyền Đông Dương giữ một vai trò chính trị quan trọng hơn dinh thống đốc Nam Kỳ.  Do đó, vì thể diện quốc gia, cựu hoàng Bảo Đại, tuy do Pháp đưa về, nay là Quốc trưởng Việt Nam độc lập, không thể đặt văn phòng ở dinh Gia Long.  Cựu hoàng lên Đà Lạt, cư ngụ và làm việc ở biệt thự của gia đình bà Nam Phương, mà sau nầy dân chúng thường gọi là biệt điện Bảo Đại, dù biệt thự nầy nhỏ hơn và thiếu tiện nghi hơn.

 

Ngày 3-6-1949, quốc hội Pháp, chiếu theo kết quả cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Nam Việt ngày 23-4-1949, chấp thuận việc sáp nhập Nam Việt vào Việt Nam. Ngày 4-6-1949, tổng thống Pháp Vincent Auriol ban hành luật công nhận Việt Nam thống nhất, trong khi bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gởi điện chúc mừng Pháp về hiệp định Élysée.  Đây là lần đầu tiên Pháp thừa nhận Việt Nam chính thức tái thống nhất, sau khi Pháp bảo hộ Việt Nam từ năm 1884.

 

Cuộc trao đổi văn kiện về hiệp định Élysée diễn ra tại tòa đô sảnh Sài Gòn ngày 14-6-1949 giữa cựu hoàng Bảo Đại và cao uỷ Léon Pignon.  Trong lời hiệu triệu gởi quốc dân Việt Nam đọc trong buổi lễ nầy, cựu hoàng tuyên bố từ nay Việt Nam hoàn toàn độc lập, và cựu hoàng tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 55.)  Cờ Việt Nam (cờ vàng ba sọc đỏ) được kéo lên trước Tòa đô sảnh.  Riêng hiệp định Élysée, cho đến 2-2-1950 tức gần một năm sau ngày ký, quốc hội Pháp mới biểu quyết phê chuẩn.

 

Tuy nói rằng Pháp trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam, nhưng thật sự việc nầy diễn ra rất chậm chạp.  Các cơ quan cai trị hành chánh, tài chánh, quân sự vẫn còn thuộc quyền của Pháp trong thời gian chuyển tiếp.  Thực quyền của cựu hoàng Bảo Đại lúc nầy có thể rộng hơn khi ông làm vua trước năm 1945, nhưng mới chỉ trên giấy tờ, và vẫn giới hạn trong chính sách của người Pháp.  Bảo Đại không có một đảng phái mạnh của riêng ông, hoặc một đội ngũ nhân sự để làm tham mưu cho ông.  Những người cộng tác  chung quanh cựu hoàng đều do Pháp tuyển chọn.  Vì vậy, tất cả những hành động của cựu hoàng hoàn toàn bị Pháp theo dõi, kiểm soát.

 

Chế độ QGVN là một lối thoát cho những nhà hoạt động chính trị dân tộc và cho những người dân không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.  Từ đây, dân chúng bỏ vùng VM, hồi cư về thành phố để sinh sống dưới chế độ Quốc Gia càng ngày càng đông.

 

3.-   CHÍNH PHỦ BẢO ĐẠI VÀ CƠ CẤU HÀNH CHÁNH

 

Sau khi Hội Đồng Lãnh Thổ Nam Việt bỏ phiếu ngày 23-4-1949, đồng ý sáp nhập Nam Việt vào Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại lên đường về tới Việt Nam ngày 28-4-1949.  Ông thăm dò dư luận để tìm kiếm người thành lập nội các.  Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, nhưng ông Diệm từ chối, dù bộ trưởng Hải ngoại Pháp lúc đó là Coste-Floret đứng ra thuyết phục ông Diệm.  Ông Diệm nêu lý do sợ giáo dân đạo Ky-Tô bị VM trả thù.(Chính Đạo, sđd. tr. 168.) 

 

Đợi lâu quá chưa tìm được vị thủ tướng đáp ứng các yêu cầu từ nhiều phía (Pháp, đảng phái, giáo phái...), cựu hoàng Bảo Đại tự đứng ra lập chính phủ.  Ngày 20-6-1949, chính phủ Lâm thời của Nguyễn Văn Xuân tuyên bố giải tán.  Ngày 1-7-1949, Bảo Đại công bố nội các mới, với thành phần như sau:

 

Thủ tướng                                                      :  Bảo Đại, quốc trưởng

Phó thủ tướng kiêm Quốc phòng              :  Trung tướng Nguyễn Văn Xuân

Tổng trưởng Ngoại giao                              :  Nguyễn Phan Long

 -   Tư pháp                                                    :  Nguyễn Khắc Vệ

 -   Quốc Gia Kinh tế và Kế hoạch             :  Trần Văn Văn

Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm Nội vụ    :  Vũ Ngọc Trản

 -   Tài chánh                                                 :  Dương Tấn Tài

 -    Ngoại giao                                              :  Lê Thăng

 -    Quốc phòng                                            :  Trần Quang Vinh

 -    Thương mại và Kỹ nghệ                       :  Hoàng Cung

 -     Canh nông, Xã hội, Lao Động            :  Phan Khắc Sửu

 -     Công tác, Giao thông và Kiến thiết    :  Trần Văn Của

 -     Quốc gia Giáo dục                                :  Phan Huy Quát

 -     Thanh niên                                             :  Nguyễn Tôn Hoàn

 -     Y tế                                                          :  Nguyễn Hữu Phiếm

 -     Thông Tin                                               :  Trần Văn Tuyên

 Tổng thư ký Chính phủ                               :  Đặng Trinh Kỳ  (Đoàn Thêm, sđd. tr. 56.)

 


Quốc Trưởng Bảo Đại

 

Cùng ngày 1-7-1949, cựu hoàng Bảo Đại còn ban bố hai đạo dụ: 

 

1)  Đạo dụ số 1 tổ chức và việc điều hành các cơ quan công quyền Việt Nam khi chưa có hiến pháp.  Theo đạo dụ nầy, quốc trưởng giữ quyền lập pháp, ban bố các đạo dụ, và giữ quyền hành pháp của một quốc trưởng, trụ sở chính thức của phủ quốc trưởng dặt ở Sài Gòn.  Chính phủ do quốc trưởng bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước quốc trưởng.  Một Hội đồng Quốc gia Tư vấn gồm 45 nhân vật do quốc trưởng bổ nhiệm. 

 

2)  Đạo dụ số 2 chia Việt Nam thành ba phần: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt.  Mỗi phần có ngân sách riêng, có tư cách pháp nhân, do một thủ hiến cai trị, thủ hiến do quốc trưởng bổ nhiệm. Một quốc hội lập hiến tạm thời sẽ được triệu tập.

 

Đặc biệt, theo một chỉ thị của Văn phòng Bảo Đại, từ nay cựu hoàng Bảo Đại được gọi là Đức quốc trưởng.  Điều nầy cho thấy cựu hoàng đã nhận ra rằng trong tình hình mới, với khuynh hướng tiến đến dân chủ, danh xưng “hoàng đế” không còn thích hợp, nhất là với hoàn cảnh thực tế của ông lúc bấy giờ. 

 

Ngày 3-7-1949, các vị thủ hiến được quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm như sau:  Nguyễn Hữu Trí (Bắc Việt), Phan Văn Giáo (Trung Việt), và Trần Văn Hữu (Nam Việt). 

 

Sau khi cơ cấu hành chánh cao cấp tạm ổn, quốc trưởng Bảo Đại đi thăm Huế (12-7-1949) và Hà Nội (16-7-1949).  Tại Hà Nội, Hội đồng nội các họp phiên đầu tiên ngày 19-7-1949 tại biệt điện quốc trưởng, tức dinh toàn quyền cũ, do người Pháp bàn giao lại ngày 16-6-1949.

 

Những cơ quan chuyên môn của tân chính quyền bắt đầu đặt định các cơ sở căn bản cho công cuộc chuyển tiếp chính quyền từ tay người Pháp qua người Việt, như thiết lập Viện giám sát, ấn định cụ thể chức năng của các tổng bộ trưởng, cơ quan các ngành từ hành chánh, tư pháp, tài chánh, thuế khóa, tiếp tục giải quyết nạn đói ở ngoài Bắc, tổ chức nền giáo dục từ sơ học lên đến trung học.

 

Ngày 28-8-1949, chính phủ Quốc Gia Việt Nam ra thông cáo xác định lập trường chính trị của mình là sẽ chống cộng mạnh mẽ với sự giúp đỡ của chánh phủ Pháp.

 

Ngày 18-10-1949, quốc trưởng Bảo Đại ban hành sắc lệnh tổ chức ngành tư pháp và các tòa án Việt Nam, đồng thời ra sắc lệnh thành lập tối cao pháp viện.  Từ đây, việc xét xử do các quan tòa Việt Nam đảm trách, dựa vào luật pháp Việt Nam.

 

Riêng trong ngành giáo dục là ngành căn bản đào tạo nhân tài cho đất nước, bậc Cao đẳng tiểu học (Enseignement primaire supérieur) bị bãi bỏ, và tổ chức giáo dục được chia thành ba bậc: tiểu học, trung học và đại học.  Mỗi bậc đều có ban phổ thông và ban chuyên nghiệp.  Đại học và trung học thuộc bộ Giáo dục, còn tiểu học thuộc các phủ thủ hiến về hành chánh và thuộc bộ Giáo dục về chuyên môn. (SL 96/ GD ngày 29-12-1949).

 

Ngày 30-12-1949, quốc trưởng Bảo Đại và cao uỷ Léon Pignon ký các hiệp định tiến hành thực thi hiệp định Élysée (8-3-1949) tại tòa đô sảnh Sài Gòn.  Theo các hiệp định nầy, các công sở như tư pháp, cảnh sát, học chính được giao về chính phủ Việt Nam. Ngày hôm đó, cờ Việt Nam (nền vảng và ba sọc đỏ) do chính phủ Nguyễn Văn Xuân đưa ra ngày 2-6-1948, được chính thức kéo lên trước tòa đô sảnh Sài Gòn.

 

KẾT LUẬN

 

Từ khi vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao quyền lại cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) ngày 25-8-1945, thì chính phủ VNDCCH là chính phủ thừa kế hợp pháp duy nhất trên đất nước Việt Nam.  Tuy nhiên, chính phủ VNDCCH theo chủ nghĩa cộng sản, tiêu diệt những thành phần đối kháng, đẩy những người bất đồng chính kiến với VM vào thế bắt buộc phải tạm thời liên kết với Pháp để chống VM.  Từ đó đưa đến giải pháp Bảo Đại năm 1949.

 

Cựu hoàng Bảo Đại là người được đào tạo ở Paris (Pháp).  Trong hồi ký của mình, ông thú nhận ông là một “tên Tây con” (Bảo Đại, sđd. tr. 37), nhưng Bảo Đại không áp đặt văn hóa Pháp lên văn hóa dân tộc.  Khi được các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ, cựu hoàng Bảo Đại đã thương thuyết với Pháp và ký kết thỏa ước Hạ Long ngày 5-6-1948, rồi hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, đem độc lập cho Việt Nam.  Cựu hoàng Bảo Đại đã dựa vào hoàn cảnh chính trị, để đòi hỏi Pháp trả lại Nam Việt cho Việt Nam, tái thống nhất đất nước trên căn bản pháp lý vững vàng và ôn hòa. 

 

Trước kia Pháp xâm lăng Việt Nam, và buộc Việt Nam ký hiệp ước pháp lý: buộc Việt Nam nhượng đứt sáu tỉnh Nam Kỳ bằng hòa ước 1874, và buộc Việt Nam nhận sự bảo hộ của Pháp bằng hòa ước 1884.  Năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại cũng đã tiến hành hai giai đoạn pháp lý để đem độc lập lại cho Việt Nam và tái thống nhất đất nước.  Trước hế, hiệp định Élysée (9-3-1949) giải kết hòa ước 1884.  Tiếp đó, cuộc bỏ phiếu ngày 23-4-1949 của Hội Đồng Lãnh Thổ Nam Việt, đồng ý sáp nhập Nam Việt vào với Việt Nam.  Kết quả nầy được quốc hội Pháp chuẩn thuận ngày 3-6-1949, và tổng thống Pháp ban hành thành luật ngày 4-6-1949.  Nam Kỳ trở lại lãnh thổ Việt Nam.

 

Sự thành lập Quốc Gia Việt Nam sau hiệp định Élysée (8-3-1949) do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng là một biến cố hết sức trọng đại, cho thấy dân tộc Việt Nam trong khi chống ngoại xâm vẫn không chấp nhận chế độ độc tài cộng sản. 

 

Từ đây, trên đất nước Việt Nam, hiện diện hai chính phủ song hành là chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) do Hồ Chí Minh thành lập từ 1945 và chính phủ Quốc Gia Việt Nam (QGVN) do quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu. 

 

Hai chính phủ không phân biệt giới tuyến lãnh thổ rõ rệt.  Chính phủ nào cũng tự nhận là chủ nhân chính thống toàn bộ lãnh thổ đất nước.  Trong thực tế, chính phủ Hồ Chí Minh cai trị vùng nông thôn và rừng núi.  Chính phủ Quốc gia của quốc trưởng Bảo Đại, chống lại VM cộng sản, cai trị các thành phố và vùng phụ cận.

 

Sự hiện diện của chế độ QGVN làm chậm lại một thời gian sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản trên đất nước Việt Nam, đồng thời tạo môi trường phát triển tinh thần dân chủ nơi quần chúng Việt Nam.  Sau chế độ quân chủ và chế độ bảo hộ của thực dân Pháp, chế độ QGVN giữ vai trò chuyển tiếp, qua con đường dân chủ tự do, chứ Việt Nam không rơi thẳng ngay vào chế độ cộng sản. 

 

Trong hoàn cảnh chiến tranh, chế độ QGVN tuy không hoàn hảo, còn nhiều thiếu sót và hạn chế, nhưng bắt đầu ứng dụng những sinh hoạt dân chủ tự do căn bản theo kiểu Tây phương.   Ngoài ra, chế độ nầy đã giúp bảo lưu nền văn hóa dân tộc cổ truyền, bảo lưu những giá trị nhân bản của dân tộc.

 

Nhằm tự bảo vệ, các chính phủ QGVN phải liên kết với Pháp để chống cộng sản.  Từ một nước thực dân, xâm lăng, đem quân tái chiếm thuộc địa năm 1945, sau hiệp định Élysée và sự thành lập chế độ Quốc Gia, Pháp trở thành một nước đồng minh của QGVN trong công cuộc tranh đấu chống cộng sản.

 

Từ đây (1949), cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập theo khẩu hiệu của VM năm 1946 không còn ý nghĩa và giá trị, mà trở nên cuộc tranh chấp giữa hai chế độ đều của người Việt Nam theo hai chủ trương chính trị khác nhau.  Vì vậy chiến tranh Việt Nam bắt đầu chuyển hướng và mang một màu sắc mới.  Đó là khởi đầu chiến tranh ý thức hệ Quốc-Cộng ở Việt Nam.

 

Trong khi giúp chính phủ QGVN chống cộng, Pháp không thực tâm và quá chậm chạp trong việc trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, và vẫn còn muốn giữ quyền kiểm soát hoạt động của chính phủ QGVN.  Vì vậy, VM cộng sản tuyên truyền xuyên tạc rằng chính phủ QGVN là tay sai của thực dân Pháp, trong khi chính phủ QGVN phải vừa chống VM cộng sản, vừa tranh đấu với người bạn đồng minh mới là Pháp, vốn là kẻ xâm lăng trước đây, để giữ vững nền tự chủ của đất nước. 

 

Nói một cách khác, chính phủ QGVN luôn luôn bị kềm kẹp giữa hai thế lực cộng sản và tư bản.  Đây chính là khó khăn của những chính phủ QGVN và những nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc chân chính.

 

Riêng cựu hoàng Bảo Đại, trong thời gian làm quốc trưởng, ông thiếu hẳn một bộ tham mưu giúp sức, vì Pháp kiếm cách đặt người bao quanh Bảo Đại để theo dõi và giám sát Bảo Đại.  Hoạt động chính trị đơn chiếc, thiếu hợp tác và hỗ trợ, không đảng phái như Bảo Đại, rất khó thành công, nhất là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và phức tạp của Việt Nam giữa các thế lực quốc tế. 

 

Cựu hoàng Bảo Đại nhiều lần bị bôi xấu, từ VM cộng sản đến Pháp, Hoa Kỳ và cả chế độ Ngô Đình Diệm sau năm 1954.  Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông ảnh hưởng tốt hay xấu cho tương lai đất nước, mới là sự phán xét công bình của lịch sử.  Cho đến nay, mọi người thấy rõ, những hoạt động của cựu hoàng Bảo Đại nếu không làm lợi cho Việt Nam, thì cũng hoàn toàn không làm hại Việt Nam.  Bảo Đại chưa ký kết một văn kiện nào để nhượng bộ Pháp ở Việt Nam. 

 

Cuối cùng, Quốc Gia Việt Nam chính là tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa. Do sự thành lập của Quốc Gia Việt Nam, mới có Việt Nam Cộng Hòa và 21 năm tự do, dân chủ từ năm 1954 đến 1975 ở miền Nam vĩ tuyến 17.

 

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 01-01-2009)

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org