Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

CHÀO MỪNG 2009

KỶ NIỆM SÁU MƯƠI NĂM QUỐC GIA VIỆT NAM

Bài 3: HIỆP ĐỊNH ÉLYSÉE (8-3-1949)

 

Trần Gia Phụng

 

 

1.   NHỮNG BIẾN CHUYỂN CHÍNH TRỊ

 

Trong khi quốc hội Pháp chưa chuẩn y thỏa ước Hạ Long (5-6-1948), thì chính phủ Robert Schuman xin từ chức ngày 24-7-1948.  Chính phủ mới, do André Marie nhậm chức ngày 26-7.  Ra trước quốc hội ngày 19-8, Marie tuyên bố ủng hộ thỏa ước Hạ Long.  Dầu vậy quốc hội Pháp vẫn chưa chịu phê chuẩn thỏa ước nầy.  Cầm quyền hơn một tháng, nội các Marie sụp đổ ngày 28-8-1948.  Robert Schuman trở lại làm thủ tướng ngày 31-8, nhưng được hơn mười ngày, lại phải từ chức, và Henri Queuille thuộc khuynh hướng xã hội cấp tiến, lên thay ngày 12-9-1948.  [Queuille cầm quyền đến ngày 27-10-1949.]

 

Sự thay đổi chính phủ liên tục bắt nguồn từ những tranh chấp giữa các đảng phái, làm cho tình hình chính trị nước Pháp giao động mạnh.  Riêng về vấn đề Đông Dương, đảng Cộng Sản Pháp đòi chính phủ Pháp phải nói chuyện với Hồ Chí Minh chứ không phải Bảo Đại.  Đảng R.P.F. (Rassemblement du peuple français do De Gaulle thành lập ngày 8-4-1947) thì dứt khoát không muốn tách Nam Kỳ ra khỏi nước Pháp.  Như thế, tại Pháp bất cứ ai lên làm thủ tướng đều lúng túng giữa các lập trường khác biệt lớn lao trên đây của các phe phái chính trị, khi muốn giải quyết vấn đề Đông Dương.

 

Về phía cựu hoàng Bảo Đại, ông đòi độc lập phải đi đôi với việc thống nhất lãnh thổ ba miền đất nước.  Cựu hoàng cương quyết giữ vững lập trường cho đến khi quốc hội Pháp phê chuẩn thỏa ước Hạ Long mới chịu về Việt Nam.  Trong thời gian nầy, cựu hoàng bị bệnh gan phải đến Paris điều trị.  Viên cao uỷ Pháp tại Đông Dương, Émile Bollaert, quá sốt ruột, nên đến tận khách sạn, nơi cựu hoàng đang trú ngụ ngày 17-10-1948, nhờ tiếp viên khách sạn xin gặp.  Bảo Đại không muốn tiếp, viện cớ bị đau để từ chối.  Bollaert liền đi thẳng lên phòng Bảo Đại, gõ cửa và xin vào nói chuyện, nhưng cũng không thuyết phục được cựu hoàng.  Giải quyết không được bài toán Đông Dương, Bollaert không xin tái nhiệm chức cao uỷ Đông Dương.  Ngày 21-10, chính phủ Pháp cử Léon Pignon sang thay.(Bảo Đại, sđd, tt. 328-335)

 

Léon Pignon từng làm cố vấn cho đô đốc Thierry d'Argenlieu, cao uỷ Pháp đầu tiên tại Đông Dương sau 1945.  D'Argenlieu trước đây đã đưa ra chủ trương trở lại với giải pháp quân chủ.  Pignon là người soạn bản dự thảo Modus Vivendi (Tạm ước 14-9-1946 tại Paris).  Trước khi qua Việt Nam, Pignon tìm gặp cựu hoàng Bảo Đại để có thể đạt một thỏa thuận tổng quát, và mời cựu hoàng về nước.  Cựu hoàng từ chối, đồng thời yêu cầu Pháp thực sự trả độc lập và thống nhất lãnh thổ. 1  Tới Sài Gòn, Léon Pignon họp báo ngày 24-11-1948 và tuyên bố: “Giải pháp cho bài toán Việt Nam sẽ dựa trên tinh thần thỏa  ước Hạ Long.(Chính Đạo, sđd. tr. 109.)

 

Trong lúc các chính giới ở Paris cũng như Sài Gòn tìm kiếm một lối thoát chính trị, thì một yếu tố mới xuất hiện.  Tình hình Trung Hoa biến chuyển một cách bất lợi cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng.  Phe cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo càng ngày càng thắng thế.  Tướng cộng sản là Lâm Bưu mở cuộc tổng phản công và chiếm Bắc Kinh ngày 1-2-1949.  Trước đó, Tưởng Giới Thạch từ chức tổng thống Trung Hoa Dân Quốc ngày 21-1-1949, rồi di tản qua Đài Loan ngày hôm sau.  Lý Tôn Nhơn lên tạm quyền chức vụ nầy. 

 

Tại Hoa Kỳ, Harry Truman tái đắc cử tổng thống ngày 2-11-1948, nhiệm kỳ 1949-1953.  Trước sự thành công của cộng sản Trung Hoa, Hoa Kỳ tỏ ra quan ngại đến tình hình Đông Dương.  Do đó, tuy trước kia không ủng hộ Bảo Đại, nhưng ngày 17-1-1949 bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gởi công điện cho đại sứ Pháp tại Washington DC, khuyến cáo Pháp nên đi đến một thỏa thuận với Bảo Đại hay bất cứ một nhóm “quốc gia chân chính” nào khác. 

 

Báo Le Monde (Paris) số ngày 3-2-1949 tiết lộ rằng bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu thủ tướng Pháp “giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách thiết lập một chính phủ quốc gia; và Bảo Đại có vẻ đủ khả năng chận đứng sự xâm nhập của chủ thuyết cộng sản vào Đông Dương.(Chính Đạo,  sđd. tr. 116.) 

 

2.   HIỆP ĐỊNH ÉLYSÉE (8-3-1949)

 

Do những thay đổi ở Trung Hoa và nhất là do sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, cuộc thảo luận giữa chính phủ Pháp và Bảo Đại được khai thông nhanh chóng. 

 

Ngày 12-2-1949, một Hội đồng hỗn hợp Pháp Việt được thành lập.  Về phía Pháp có Herzog (trưởng đoàn), Marolles, De Pereya, De Raymond, Risterruci, thiếu tá Ploix, và sau thêm năm chuyên viên tài chánh, kinh tế, kế hoạch, văn hóa, quân sự.  Về phía Việt Nam có Bửu Lộc (trưởng đoàn), Nguyễn Đắc Khê, Phan Huy Đán, Phạm Văn Bính, Trương Công Cừu, Nguyễn Quốc Định, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Mạnh Đôn, và Trần Văn Hữu (đại diện cho Nguyễn Văn Xuân).  Hội đồng hỗn hợp làm việc đến ngày 28-2-1949 thì kết thúc. 

 

Sau khi lãnh đạo hai phía xem xét lại các kết quả, ngày 8-3-1949, cựu hoàng Bảo Đại đến điện Élysée, nơi đặt văn phòng tổng thống Pháp ở thủ đô Paris, ký kết hiệp định với tổng thống Pháp là Vincent Auriol  Vì vậy hiệp định nầy thường được gọi là hiệp định Élysée, gồm có ba văn kiện:

 

1)   Văn thư của tổng thống Cộng Hòa Pháp, Chủ tịch Liên Hiệp Pháp,(1) gởi hoàng đế Bảo Đại, nói về các vấn đề thống nhất, ngoại giao, nội chính, tư pháp, văn hóa, quân sự, kinh tế, tài chánh của nước Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. 

2)  Văn thư của hoàng đế Bảo Đại gởi tổng thống Cộng Hòa Pháp, Chủ tịch Liên Hiệp Pháp, xác nhận đã tiếp nhận và đồng ý về nội dung của văn thư trên.

3)  Văn thư của tổng thống Cộng Hòa Pháp gởi hoàng đế Bảo Đại bổ túc thêm, theo lời yêu cầu của Bảo Đại, các điểm liên hệ đến vấn đề thống nhất của Việt Nam và vấn đề ngoại giao, nhất là việc trao đổi đại sứ.

 

Trong cả ba văn kiện trên, người Pháp gọi quốc hiệu Việt Nam như dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim.  Người Pháp gọi cựu hoàng Bảo Đại là hoàng đế, thật sự chỉ có tính cách tượng trưng.

 

Người Pháp cần một giải pháp chính trị để giải quyết tình hình Việt Nam.  Pháp buộc lòng phải ký hiệp định Élysée, nhưng không lẽ tổng thống Pháp kiêm chủ tịch Liên Hiệp Pháp, lại ký kết văn bản với một người không có chức vụ tương xứng?  Do đó, Pháp mới trở lại danh xưng “hoàng đế”, để giữ thế cân đối chính trị giữa hai bên trước mặt quốc tế. 

 

Với hiệp định Élysée, chính phủ Pháp chính thức giải kết hiệp ước bảo hộ 1884.  Hiệp ước bảo hộ năm 1884 hết sức bất bình đẳng, đã được ký kết ngày 6-6-1884, dưới triều vua Kiến Phúc (trị vì 1883-1884).  Tuy nhiên, hiệp ước 1884 chỉ đề cập đến vùng lãnh thổ từ tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc, tức là Trung và Bắc Kỳ mà thôi.  Còn Nam Kỳ là đất đã được nhượng đứt cho Pháp từ năm 1874, dưới triều vua Tự Đức (trị vì 1848-1883), nên vẫn còn được xem là lãnh thổ của Pháp.  Cuộc thương thuyết về Nam Kỳ tiếp tục thêm một thời gian, để đưa đến việc tái thống nhất hoàn toàn đất nước Việt Nam

 

Về hiệp định Élysée, có hai điểm cần chú ý:  Thứ nhất, khi hai nước ký kết hiệp ước với nhau, thông thường là đại sứ hoặc ngoại trưởng đại diện hai nước ký kết hiệp ước.  Đàng nầy,  đích thân tổng thống Pháp đứng ra ký kết.  Lúc đó, ông Vincent Auriol ký kết hiệp định với hai tư cách pháp nhân: vừa là tổng thống Pháp, vừa là chủ tịch Liên Hiệp Pháp.

 

Thứ hai, sau khi hiệp định Élysée được ký kết, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, mà trở thành một nước độc lập trong Liên Hiệp Pháp (LHP).  Một chế độ mới được thành lập.  Đó là chế độ Quốc Gia Việt Nam.  Lúc đó, quân đội Pháp hiện diện ở Việt Nam không phải với tư cách quân đội Pháp, mà với tư cách là quân đội Liên Hiệp Pháp, giúp bảo vệ độc lập của Quốc Gia Việt Nam, một quốc gia thành viên trong LHP.

 

3.   PHẢN ĐỐI CỦA CỘNG SẢN VÀ THỰC DÂN

 

Phản đối mạnh mẽ trước việc ký kết hiệp định Élysée giữa Vincent Auriol và Bảo Đại, Hồ Chí Minh trả lời như sau trong cuộc phỏng vấn ngày 3-4-1949 của Dân Quốc Nhật Báo [một báo của Trung Hoa lúc đó]: “...Đó chỉ là một tờ giấy lộn.  Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai...Vĩnh Thụy cam tâm bán nước, đó là sự thực...(2)   

 

Hồ Chí Minh kết án Bảo Đại bán nước khi ký hiệp định Élysée.  Nhớ lại điều 1 thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946 giữa Hồ Chí Minh và Sainteny, nói rằng Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre) trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp.  Hiệp định Élysée cũng thừa nhận Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp.  Tuy nhiên, theo điều 2 của thỏa ước Sơ bộ, Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật, nghĩa là Hồ Chí Minh chính thức đồng ý việc Pháp trở lại Việt Nam.  Trong khi đó, qua hiệp định Élysée, Bảo Đại tranh đấu để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước.  Hồ Chí Minh còn ký Tạm ước (14-9-1946) để nhượng bộ Pháp.  Vậy việc ký kết các hiệp ước với Pháp giữa hai người, Hồ Chí Minh và Bảo Đại, ai là kẻ thực sự bán nước?

 

Hiệp định Élysée bị các dân biểu cộng sản Pháp và các dân biểu thuộc đảng De Gaulle phản đối.  Các dân biểu cộng sản lập đi lập lại một điệp khúc duy nhất là chỉ muốn chính phủ Pháp thương lượng với Hồ Chí Minh.  Các dân biểu thuộc đảng De Gaulle muốn giữ thuộc địa Nam Việt  lại cho nước Pháp và không bằng lòng về sự thống nhất Việt Nam.  Các dân biểu nầy viện dẫn một điều luật trong Hiến pháp ngày 27-10-1946 của nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp, theo đó “không một ai có thể phạm vào sự sứt mẻ của lãnh thổ được.(Bảo Đại, sđd. tr. 344.)  

 

Ngược lại, cựu hoàng Bảo Đại cương quyết đòi hỏi Pháp phải trả Nam Việt.  Dầu hiệp định Élysée đã được ký kết, nhưng Pháp chưa trả Nam Việt về lại cho Việt Nam, thì cựu hoàng cũng chưa chịu lên đường về nước. (Còn tiếp)

 

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 01-01-2009)

 

CHÚ THÍCH

 

1.     Liên Hiệp Pháp (Union française):  Được thành lập theo Hiến pháp ngày 27-10-1946 của Đệ tứ Cộng hòa Pháp, mô phỏng theo tổ chức Liên Hiệp Anh (British Commonwealth) để thay thế hệ thống đế quốc Pháp.  Liên Hiệp Pháp gồm nước Pháp, các thuộc địa cũ, các nước bảo hộ của Pháp. Liên Hiệp Pháp chấm dứt năm 1958.

2.     Hồ Chí Minh toàn tập [tập] 5, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, 1050.

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org