Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

CHÀO MỪNG 2009

KỶ NIỆM SÁU MƯƠI NĂM QUỐC GIA VIỆT NAM

Bài 2: THỎA ƯỚC HẠ LONG (05-06-1948)

 

Trần Gia Phụng

 

1.-   BIẾN CHUYỂN CHÍNH TRỊ

 

Trong khi chiến tranh tiếp diễn, Pháp nhận ra rằng phía Việt Minh (VM) tiêu diệt những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc, gây chia rẽ trầm trọng giữa những khuynh hướng chính trị Việt Nam.  Vì vậy Pháp tìm một giải pháp chính trị mới để giải quyết chiến tranh Đông Dương.

 

Tại Nam Kỳ:  Bác sĩ Lê Văn Hoạch từ chức thủ tướng chính phủ “Nam Kỳ tự trị” ngày 29-9-1947.  Hội đồng Nam Kỳ uỷ cho thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân, vừa từ Pháp về, lập chính phủ mới.  Nguyễn Văn Xuân đã từng được Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm bộ trưởng không bộ nào (quốc vụ khanh) trong chính phủ ngày 2-9-1945, nhưng ông không nhận chức.  Nguyễn Văn Xuân không lập chính phủ “Nam Kỳ tự trị”, mà công bố thành lập Chính phủ Lâm thời Nam Kỳ ngày 8-10-1947 như sau:

 

Thủ tướng

Nguyễn Văn Xuân

Phó thủ tướng

Trần Văn Hữu

Bộ trưởng Tư pháp

Nguyễn Khắc Vệ

Công chánh

Nguyễn Văn Tỵ

Canh nông

Trần Thiện Vàng

Thông tin

Nguyễn Phú Khai

Thứ trưởng Thông tin

Trần Văn Ân (Chính Đạo, tr. 66)

 

 

 

Tại Pháp:  Chính phủ Paul Ramadier của đảng Xã Hội bị lật đổ ngày 19-11-1947.  Ngày 24-11, quốc hội Pháp bầu Robert Schuman, thuộc đảng M.R.P. (Mouvement Républicain Populaire= Phong trào Cộng hòa Nhân dân) trung hữu và thân De Gaulle, lên lập chính phủ.  Trong nội các nầy, viên bộ trưởng Hải ngoại (tức bộ Thuộc địa cũ) cũng là một nhân vật của M.R.P., ông Paul Coste-Floret.  Với chính phủ mới, mọi người trông đợi một chính sách mới của Pháp về Việt Nam.

 

Cựu hoàng Bảo Đại gặp Bollaert:  Vào cuối năm 1947, theo lời mời của Cao Uỷ Đông Dương là Émile Bollaert, cựu hoàng Bảo Đại cùng hoàng thân Vĩnh Cẩn (ông Hoàng Tùng Đệ) từ Hồng Kông đến gặp Bollaert ngày 6-12-1947 trên chiến hạm Duguay Trouin, thả neo trong vịnh Bắc Việt.  Hai bên gặp nhau tại đây để tránh tai mắt của báo chí. 

 

Trong lần gặp mặt sơ khởi nầy, sau hai ngày thảo luận, cựu hoàng Bảo Đại chỉ chấp nhận ký vào bản thông cáo chung, theo đó nước Pháp hứa sẽ công nhận Việt Nam độc lập sau những cuộc thương thuyết chánh thức giữa hai bên.  Sau đây là nội dung thông cáo chung ngày 6-12-1947, được dịch sang tiếng Việt:

 

“Một bên là Hoàng đế Bảo Đại, đại diện nước Việt Nam.

Một bên là Cao ủy Bollaert, đại diện Chính phủ Pháp tại Đông  Dương.

Đã thỏa thuận như sau:

Nước Pháp sẽ nhận cho Việt Nam độc lập sau những cuộc thương thuyết chánh thức giữa hai bên.

Việt Nam hứa sẽ ưu tiên dùng những chuyên viên Pháp trong công cuộc kiến thiết.

Một hiệp ước chính thức sẽ được thương thuyết và ký kết giữa các đại  biểu hai nước.”

 

Cao ủy Pháp tại Đông  Dương                            Hoàng đế Bảo Đại.

Ký tên: Bollaert, đóng dấu.                        Ký tên: Vĩnh Thụy (1)

 

Ngoài thông cáo chung, cựu hoàng không chịu ký vào tài liệu thứ hai ấn định lịch trình và những vấn đề sẽ bàn đến, vì ông tự cho rằng lúc đó ông chẳng đại diện cho ai cả và cũng chưa ai uỷ nhiệm ông thực hiện việc nầy.  Tuy nhiên do yêu cầu của Bollaert rằng đây chỉ la bản ghi nhớ nội dung, Bảo Đại chỉ ký tắt mà thôi. (Bảo Đại, sđd. tt. 295-297.)

 

Theo một tài liệu khác, những điểm căn bản trong cuộc thảo luận nầy như sau:  Pháp sẽ công bố rõ ràng rằng sẽ không tiếp tục thương thuyết với Hồ Chí Minh.  Bảo Đại đồng ý đứng ra thành lập một chính phủ độc lập, gồm cả ba miền Bắc, Trung, Nam trong Liên Hiệp Pháp; Pháp sẽ đặc trách về ngoại giao nhưng sẽ sử dụng viên chức Việt Nam.  Việt Nam sẽ có quân đội riêng, nhưng quân đội nầy sẽ tham gia bảo vệ toàn khối Liên Hiệp Pháp.  Pháp Việt sẽ thiết lập nền thuế quan chung, truyền thông, và vận tải. (Chính Đạo, sđd. tr. 70.)

 

Khi Bollaert về Paris trình bày giải pháp Bảo Đại, chính phủ Pháp ra tuyên bố ngày 23-12-1947 rằng cao uỷ Bollaert được toàn quyền thương thuyết để tái lập hòa bình ở Đông Dương, và dứt khoát không nói chuyện với Hồ Chí Minh. (Chính Đạo, sđd. tt. 71-72) 

 

Về phía Bảo Đại, cựu hoàng mời ông Nguyễn Văn Xuân, thủ tướng chính phủ Lâm thời Nam Kỳ, ông Trần Văn Lý, chủ tịch Hội Đồng An Dân Huế, và ông Ngô Đình Diệm cùng nhau hội họp trong ba ngày tại Hồng Kông bắt đầu từ 19-12-1947.  Sau khi lấy ý kiến chung, cựu hoàng Bảo Đại lên đường ngày 24-12-1947 qua Genève thương thuyết. (Bảo Đại, sđd. tt. 297-299.)

 

2.-   CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI VẬN ĐỘNG

 

Từ Hồng Kông, ngày 24-12-1947, cựu hoàng Bảo Đại đến Genève để gặp cao ủy Bollaert từ ngày 7-1 đến 12-1-1948.  Cựu hoàng đòi hỏi phải chính danh, xác định rõ vị trí của ông thì mới có thể thương thuyết. 

 

Bollaert cho rằng Bảo Đại không còn là hoàng đế Việt Nam, nhưng Bollaert sẽ mở một hội nghị gồm đại biểu ba kỳ, và hội nghị nầy sẽ trao quyền cho cựu hoàng sứ mạng điều đình với Pháp.  Năm lần họp liên tiếp không đem lại kết quả nào ngoài lời kêu gọi của Bollaert yêu cầu gặp lại cựu hoàng tại vịnh Hạ Long vào giữa tháng 2 sắp đến, nhưng cựu hoàng Bảo Đại không chấp nhận. (Bảo Đại, tt. 299-303.) 

 

Sau cuộc họp tại Genève, cựu hoàng Bảo Đại đến Cannes, miền nam nước Pháp, thăm gia đình.  Thủ tướng Pháp, ông Schuman mời cưụ hoàng đến Paris ngày 5-2-1948.  Trong buổi tiệc do Schuman khoản đãi, trả lời những thắc mắc của thủ tướng Pháp về thái độ của mình, cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố rằng khi ông tới Hạ Long gặp Bollaert lần vừa qua, là để nghe trình bày về chủ trương của nước Pháp, chứ ông không có tư cách đại diện cho ai để ký kết điều gì.  Nhân buổi tiệc đó, cựu hoàng đòi hỏi Pháp phải thừa nhận nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam mới có thể vãn hồi hòa bình. (Chính Đạo, sđd. tr. 77.  Bảo Đại, sđd. tt. 304-308.)

 

Về lại Hồng Kông vào giữa tháng 3-1948, cựu hoàng Bảo Đại tiếp tục gặp gỡ thêm nhiều chính khách trong nước.  Vào ngày 26-3, cựu hoàng thông báo cho các đoàn thể chính trị, đồng ý thành lập một chính phủ Trung ương Lâm thời để thảo luận với Pháp một tạm ước và thống nhất đất nước.

 

Ngày 30-4, cựu hoàng gặp Nguyễn Văn Xuân và gởi thông điệp cho tất cả các tổ chức chính trị ngày 15-5 chấp thuận giao cho ông Xuân lập chính phủ lâm thời.  Nguyễn Văn Xuân là thiếu tướng trong quân đội Pháp, và từng là bộ trưởng không bộ nào (quốc vụ khanh) của chính phủ Hồ Chí Minh ngày 2-9-1945.                            

 

3.   CHÍNH PHỦ TRUNG ƯƠNG LÂM THỜI QUỐC GIA VIỆT NAM

 

Từ 20-5-1948, đại diện các giới cầm quyền Việt Nam tại ba miền trong vùng Pháp kiểm soát, đại diện các đảng phái, các đoàn thể chính trị, tham dự hội nghị từ ngày 20-5-1948 tại Sài Gòn, đã bầu thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng chính phủ trung ương lâm thời.  Ngày 1-6-1948, với sự đồng ý của cựu hoàng Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân chính thức công bố danh sách Hội đồng chính phủ Trung ương Lâm thời, thành phần như sau:

 

Chủ tịch Hội đồng, kiêm tổng trưởng Quốc Phòng

Nguyễn Văn Xuân

Quốc vụ khanh, Phó chủ tịch, tổng trấn Nam Việt

Trần Văn Hữu

Quốc vụ khanh, tổng trấn Trung Việt

Phan Văn Giáo

Quốc vụ khanh, tổng trần Bắc Việt

Nghiêm Xuân Thiện

Quốc vụ khanh, tùng Bộ Quốc phòng

Trần Quang Vinh

Tổng trưởng Lễ nghi, Quốc gia Giáo dục

Nguyễn Khoa Toàn

Tổng trưởng Nội vụ

Nguyễn Hữu Trí (không nhận)

Tổng trưởng Tư pháp

Nguyễn Khắc Vệ

Tổng trưởng Tài chánh Kinh tế Quốc gia

Nguyễn Trung Vinh

Tổng trưởng Công chánh và Kế hoạch

Nguyễn Văn Tỵ

Tổng trưởng Thông tin, Báo chí và Tuyên truyền

Phan Huy Đán

Tổng trưởng Canh nông

Trần Thiện Vàng

Thứ trưởng tùng Dinh chủ tịch

Đinh Xuân Quảng

Thứ trưởng tùng Bộ Quốc gia Giáo dục

Hà Xuân Tế

Thứ trưởng Nội vụ (bổ nhiệm 9-6)

Đỗ Quang Giai

Thứ trưởng Lao Động (bổ nhiệm 9-6)

Ngô Quốc Còn

Thứ trưởng Nội an (bổ nhiệm 28-6)

Lê Công Bộ (2)

 

 

Vì Nguyễn Hữu Trí không nhận bộ Nội vụ nên Nguyễn Văn Xuân kiêm nhiệm.  Sau đó Nguyễn Hữu Trí được cử làm Đại diện Việt Nam tại Paris ngày 25-9-1948.  Các cơ chế hạ tầng của chính phủ Nguyễn Văn Xuân được hoàn thiện dần dần tiếp theo về sau. 

 

Hôm sau, 2-6-1948, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ban hành “Pháp quy lâm thời” (Statut provisoire) của nước Việt Nam, theo đó quốc kỳ nền vàng, ba sọc đỏ ở giữa,(3) quốc ca là bài “Tiếng gọi sinh viên”, sau đổi thành “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước, nước Việt Nam được chia thành ba phần Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt; mỗi phần do một tổng trấn đứng đầu.

 

4.-   THỎA ƯỚC HẠ LONG (5-6-1948)

 

Theo lời đề nghị của cao uỷ Émile Bollaert, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cùng đại diện ba miền là Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Hữu Chí (Bắc Việt), Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Đinh Xuân Quảng, (Trung Việt), và Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch (Nam Việt) đến vịnh Hạ Long hội họp. 

 

Dưới sự chứng kiến của cựu hoàng Bảo Đại, hai bên Việt-Pháp ký thỏa ước Hạ Long, dưới hình thức một bản “Tuyên bố chung” ngày 5-6-1948 trên chiến hạm Duguay-Trouin, thả neo trong vịnh Hạ Long, nguyên văn bản dịch như dưới đây:

 

          Trước mặt Hoàng đế Bảo Đại,

 

Ông Émile Bollaert, Cố vấn Chính phủ Cộng hòa Pháp quốc, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, nhân danh Chính phủ Cộng hòa Pháp quốc, một bên,

         

:

 

Ông Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam, có sự dự kiến của quý ông Nghiêm Xuân Thiện và Đặng Hữu Chí, Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn và Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Hữu và Lê Văn Hoạch, đại diện lần lượt cho miền Bắc Việt Nam, miền Trung Việt Nam và miền Nam Việt Nam, một bên,

 

          đã lập bản tuyên bố chung như sau:

 

1.   Nước Pháp long trọng công  nhận nền độc lập của Việt Nam, được tự do thực hiện nền thống nhất của mình.  Về phía Việt Nam, nước Việt Nam tuyên bố sự sáp nhập vào Liên Hiệp Pháp dưới danh nghĩa một quốc gia liên kết với nước Pháp.  Nền độc lập của Việt Nam không có một giới hạn nào khác, ngoài giới hạn, mà Liên Hiệp Pháp dành cho mình.

2.   Nước Việt Nam cam kết tôn trọng mọi quyền hạn và  quyền lợi của các tư nhân Pháp, cam kết bảo đảm các căn bản dân chủ, và dành ưu tiên sử dụng các nhà chuyên môn, cố vấn Pháp trong mọi nhu cầu tổ chức nội bộ và khuếch trương kinh tế của mình.

3.   Sau khi thành lập Chính phủ Lâm thời, các đại diện của Việt Nam sẽ thỏa thuận với các đại diện của Cộng Hòa Pháp quốc, những sự thỏa thuận hợp lý về các vấn đề  ngoại giao,  kinh tế, tài chánh và chuyên môn.

 

Làm thành hai bản chính ở vịnh Hạ Long, ngày năm tháng sáu năm một nghìn chín trăm bốn mươi tám. (Bảo Đại, tt. 317-318.)

 

Sau thỏa ước Hạ Long, cựu hoàng Bảo Đại qua Bangkok (Vọng Các, thủ đô Thái Lan) rồi đi Pháp.  Đương nhiên Hồ Chí Minh phản ứng ngay.  Ngày 7-6-1948, tại Thái Nguyên, Hồ Chí Minh tuyên bố phản đối “bọn bù nhìn” ký kết hiệp ước với bất cứ nước ngoài nào.(4)

 

Ngược lại, việc ký kết thỏa ước Hạ Long đem lại nhiều thuận lợi cho chính phủ Trung ương Lâm thời do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng và cả Pháp nữa, trong đó quan trọng nhất là vụ Lê Văn Viễn về quy thuận.

 

Lê Văn Viễn, thường được gọi là Bảy Viễn,  một nhân vật lúc trẻ xuất thân từ giới “hảo hán giang hồ” ở Nam Kỳ, đã lên đường kháng chiến chống Pháp năm 1946, chỉ huy chi đội 7 là chi đội Bình Xuyên, đóng ở Rừng Sát.  Lúc đó, VM mời Bảy Viễn về Đồng Tháp Mười phong chức Khu trưởng khu 7.  Bảy Viễn dự đoán có thể đây là một kế hoạch giải tán Bình Xuyên, và bắt giữ cá nhân ông, nên Bảy Viễn đem lực lượng Bình Xuyên về thành phố, quy thuận với chính phủ Trung ương Lâm thời, và được phong làm đại tá tạm thời kể từ ngày 1-8-1948. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 48.) (Còn tiếp)

 

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 01-01-2009)

 

CHÚ THÍCH

 

1.     Nguyễn Khắc Ngữ, Bảo Đại, các đảng phái Quốc gia, và sự thành lập chính quyền Quốc gia, Tủ sách Nghiên cứu Sử Địa, Montréal, 1991, tt. 21-22.

2.     Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, 1945-1964, Sài Gòn: 1965, California: Nxb Xuân Thu tái bản, không đề năm, sđd. tt. 44-45. (Viết tắt: Đoàn Thêm, tr.)

3.     Cờ hình chữ nhật, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài, nền vàng giống như cờ của Trần Trọng Kim, nhưng thay vì quẻ ly, nay đổi lại ba sọc đỏ bằng nhau chạy dài theo chiều ngang của lá cờ.  Ba sọc nầy tượng trưng cho sự thống nhất ba miền lãnh thổ Bắc, Trung, và Nam phần của đất nước, trên nền vàng tượng trưng căn bản của quốc gia.

4.     Hồ Chí Minh toàn tập [tập] 5, 1947-1949, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc Gia, 2000, tr. 907.

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org