Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

 

NÓI CHUYỆN DÊ

                                                                                   

Nguồn gốc của Dê

 

dao - KopieDê sống hoang dã 50.000 năm trước tại: Á Châu, Âu Châu và Phi Châu trên đồi núi nên gọi là wild goat/ Wildziegen. Dê có thân hình dài từ 1,2 đến 1,6m, đuôi dài 15-20 cm, cao từ 0,7 m đến 1m, trọng lượng tùy theo dê đực hay dê cái nặng từ 25 kilô  đến 100 kilô. Khoảng 8000 -10.000 trước CN thì loài người bắt dê về thuần hóa thành gia súc như: gà, chó, heo, ngựa, trâu, bò.

 

Dê có tên khoa học Caprinae thuộc loại động vật có vú (Mammalia), bộ móng chân (Artiodactyla), loại nhai lại (Ruminantia) có sừng rổng (Bovidae). Dê có 8 răng cửa hàm dưới, không có răng hàm trên. Dê nuôi có hơn 100 giống khác nhau. Các loại Steinbock/Sơn dương Gaemse/ Linh dương. Schneeziege sinh sống ở Rocky Mountains trên cao 4000m ở Hoa Kỳ;  Iberissche Steinbocke vùng Bán đảo Tây Ban Nha; Schraubenziege dê rừng ở Pakistan, Himalaya…

 

AngoraLoại dê Angoraziege lông dài, mỗi con hàng năm cắt lông được 3-5 kilo dùng làm len, thảm, chăn mền. Thủ đô Ankara tên cổ Angora, len Angora (phát xuất từ Angora gốc Thổ Nhỉ Kỳ/Turkey). Vùng Kaschmir thung lũng giữa dãy Himalaya và Pir Panjal, có loại dê Kaschmirziege lông dài đủ màu sắc, hằng năm mỗi con cung cấp từ 150 und 200 Gramm len, vải (cashmere) để sản xuất áo len, khăn quàng cổ phẩm chất tốt. Loại dê nầy phần lớn được nuôi ở Trung Hoa và Mongolei. Hơn 200 năm trước được nhập về Âu Châu Schottland, năm 1970 Úc, Tân Tây Lan (Neuseeland) thành lập những nông trại nuôi dê Kaschmirziegen, năm 1989 Hoa Kỳ cũng nhập loại dê nầy nuôi để lấy lông.

Ngày nay người ta lai giống các loại dê to con. Để đáp ứng với thị trường tiêu thụ thịt dê, Hoa Kỳ nhập giống dê South African Boer goat từ Nam Phi, dê Boer goat cho phối giống với dê địa phương Spanish goat để tạo ra những dòng dê có năng suất thịt nhiều hơn. Texas đứng đầu về số dê nuôi (51%), kế đến là Tennessee. Tại Đức các nông trại nuôi dê nhiều nhất ở các tiểu bang Baden-Württemberg và Bayern các giống dê Pfauenziege, Edelziege, Burenziege, theo thống kê về mùa đông mỗi ngày dê ở trong chuồng ăn 3 kilô thực phẩm và uống 7 lít nước. Hằng năm dê cung cấp từ 800-1200 lít sữa tuỳ theo giống. Người Đức ít thích ăn thịt dê nên trong siêu thị không bán thịt dê. Ở Munich có khu chợ Viktualienmarkt gần Marienplatz bán thịt rừng và thỉnh thoảng có thịt dê, cừu.

 

Tập tính

 

kascmir zigeDê cái và dê đực đều có râu, phần lớn dê đực có sừng, dê cái thì không. Sừng dê có nhiều hình dáng cong ngược về phía sau, thẳng đứng, uốn cong hình trôn ốc.... Dê rừng sừng dài cong cả mét, so với dê nuôi sừng nhỏ và yếu hơn, hoặc không có sừng, tai dài hay ngắn hơn tùy giống. Riêng màu sắc và lông dài ngắn thay đổi tùy theo từng vùng về thời tiết địa lý khác nhau, những loài dê sống ở vùng nóng thì lông ngắn và thưa, còn dê sống ở vùng lạnh thì lông dài và rậm hơn, có loại lông dài mịn như lông cừu..

 

Dê thuộc loại súc vật nhai lại như trâu, bò, cừu... Bộ máy tiêu hóa của dê được cấu tạo để có thể tiêu hóa được đủ loại thức ăn khác nhau, dê ăn cỏ cây, các chồi non  vỏ cây đủ loại, không kén ăn nhưng thích thay đổi món, ăn thóc, ngô, sắn, khoai lang, đậu , bí đỏ, chuối,.. Khi ăn dê dùng lưỡi để vơ lấy đồ ăn (giống như chó, mèo...), dê không nhai kỹ mà chỉ nhai sơ qua rồi nuốt nhanh. Dê cái từ 6-8 tháng tuổi là đến tuổi động dục. Thời gian dê mang thai khoảng 140 ngày đến 150 ngày, thường đẻ 2 hay 3 con, tiếng Anh gọi dê đực Buck hay billy Goat, dê cái là Doe và dê con là Kid nên con nít hay chạy nhảy như dê con cũng gọi từ Kid, dê con trong sở thú cũng thích ăn bánh kẹo.

 

Các nông trại người ta nuôi dê bằng hạt bo bo (oats), rơm, trái cây carot, rau lá.. Dê đều thích leo trèo có thể nhảy từ mỏm đá nầy sang chỗ khác cao xa hơn. Dê có thể nhịn nước lâu ngày trong sa mạc, có sức chịu đựng mưa nắng, tuyết phủ...

Dê đực có sức mạnh về sinh lý, thừa sức phục vụ cho một đàn dê cái, 100 dê cái chỉ cần 4 dê đực. Buổi sáng nào cũng vậy, khi các nàng dê muốn ra khỏi chuồng chàng dê đực đứng gác ở cổng, “xử” từng em một, nhanh chóng, đều đặn và thường xuyên. Cả ngày, chàng dê ta chỉ có mỗi việc là ngong ngóng xem em nào có biểu hiện thèm, là sáp vô tấn công liền. Hàng ngày dê đực đều làm tình cỡ trên dưới trăm lần, nhưng vẫn khoẻ chạy nhảy! dê đực có mùi hôi để quyến rũ phái tính? có người cho rằng mùi hôi phát ra từ dưới sừng?

 

Dê trong sinh hoạt xã hội

 

Trong Thập Nhị Ðịa Chi 12 con Giáp, dê đứng hàng thứ 8. Tính theo tháng (tháng Giêng tính từ Dần), tháng Sáu thuộc tháng Mùi và trong ngày giờ Mùi từ 13 –15 giờ. Chuyện về dê nhiều ý nghiã khá đa dạng, sinh động, hấp dẫn và đầy ngụ ý. Từ xưa người ta hay dùng dê để tế lễ. Dê là một trong ba thứ lễ (Tam sinh) vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thần thánh như heo và bò.

 

Theo thánh kinh cựu ước, Thiên Chúa muốn thử lòng trung thành của Tổ phụ Abraham "cha của nhiều dân tộc", Thiên Chúa phán rằng: „hãy bắt đứa con duy nhất ngươi yêu dấu, là Isaac và đi đến xứ Moriah, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu..." theo cựu ước sách Sáng thế ký 22: 2. Để tỏ lòng vâng phục, Abraham dâng con trai mình Isaac làm sinh tế tại xứ Moriah, ông đưa con lên núi trói Isaac rồi đặt trên bàn thờ...thì trên trời cao Thiên Chúa phán „hãy ngừng giết con„ Thiên Chúa cảm nhận được tấm lòng thành của ông nên sai sứ thần hướng dẫn ông đến một nơi khác có một con dê đang mắc sừng trong bụi rậm, ông Abraham bắt con dê đó làm lễ dâng lên Thiên Chúa. Do đó trong dân gian mới có câu “Dê tế Thần/ scapegoat“.

 

d1Theo Ðại Nam thực lục Chính Biên. Triều đại vua Minh Mạng (1791-†1840), mùa đông năm Minh Mạng (1836) thứ 17, nhà vua sai mua 220 dê đực và 100 dê cái, chọn 20 con dê đực giao Tể sinh làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải. Minh Mạng (1840) thứ 21, cho dân chúng miền Trung các dê giống để nuôi, ai nuôi nhiều thì có thưởng. 

 

Trong thần thoại Hy lạp, La mã ghi lại Zeus-Jupiter chúa tể các vị thần, lúc sinh ra bú sữa dê pha với mật ong.  Khi tế thần người ta phải dâng dê, bò thui đốt, tế thần Hecmet cũng phải có mật ong, bánh ngọt, heo và dê con. Vào thời cổ ở La Mã, trong lễ hội Lupercalia được cử hành vào đầu tháng Giêng các thầy tế lễ dâng cúng một con dê cầu cho mưa thuận gió hòa.

 

Theo sách Tấn thư, Tấn Vũ Đế (thời Chiến quốc) sống xa hoa, có rất nhiều cung tần mỹ nữ. Đêm đêm nhà vua thường dùng xe có dê kéo trong hậu cung, cho dê kéo đi đâu thì đi. Các phi tần biết vậy, thường lấy lá dâu rắc trước cửa phòng mình. Dê thích ăn lá dâu sẽ ngừng xe lại và người cung phi ấy sẽ may mắn được gặp gỡ với “mặt rồng” và đựơc Tấn Vũ Đế ân sủng.

 

Chúng ta thường nghe nói dê là dương; Ðàn ông nhiều vợ hoặc hay tán tỉnh thì bị gọi là có "thói dê"? hay “dê cụ/ randy old goat “. Ai có chòm râu cằm rậm hơi cong thì gọi là „râu dê/goatie” Thanh Việt hài hước trên sân khấu có giọng “cười dê“, hay tánh “be he“ nói chuyện không thật, trên trời dưới biển. Trong y học có từ “Satyriasis“ chỉ thể lực về sinh lý danh từ "ba lăm" (35) tức là dê xồm, “đã dê con chị lại bồng con em..” ..

 

Phượng hoàng đậu nhánh sa kê

Ông thần vật mấy thằng dê cho rồi

                                                             

Nếu xét con dê có đời sống hiền lành như các gia súc khác, lúc làm thịt bị hành hạ đánh cho ra mồ hôi, để thịt không có mùi hôi, những cái gì xấu thì bị gán ghép cho dê thật là tội nghiệp. Qua ca dao tục ngữ nói về dê rất hấp dẫn và thâm thúy.

 

 "Máu dê" thể hiện khả năng sinh dục mạnh mẽ; các cô nói anh ấy “dê quá“. Người Mỹ cũng nói: Let go you randy old goat! To get someboy’s goat. Bán bò tậu ruộng mua dê về cày, là mỉa mai sinh hoạt hằng ngày, không biết tính . 

Cà kê dê ngỗng ám chỉ người ăn không ngồi rồi, kể lể tản mạn, dài dòng, huyên thuyên những chuyện lặt vặt, vớ vẩn.

Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng, chứng tỏ nuôi dê không tốn kém, không cần chuồng trại, các vùng núi chỉ cần thả dê sống trên núi đồi không tốn thực phẩm

Máu bò cũng như tiết dê, dù hai thứ tiết khác nhau người ta ăn tiết canh dê không ai ăn tiết canh bò, câu trên ám chỉ con người không rõ ràng trong các vần đề.

Treo đầu dê bán thịt chó, chỉ người nói một nơi, làm một nẻo, ba xạo và làm không ăn khớp nhau.

Dương chất hổ bì, chất là chất dê, da là da hổ. Dùng bề ngoài loè loẹt, giả dối để lừa bịp che đậy thực chất xấu xa bên trong.

Bịt mắt bắt dê, trò chơi dân gian trong đó có một người bịt mắt, đuổi theo một con dê, hoặc đuổi bắt một hay nhiều người giả làm dê kêu be be. Nghĩa bóng là làm một việc khó, có thể đạt được kết qủa.

 

Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi

Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân!

 

Trẻ em nhà quê khi chơi trò dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn:              

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời

Lạy Cậu lạy Mợ

Cho Cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ngồi xệp xuống đây

 

Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm, sinh cuối đời hậu Lê không rõ năm sinh. Sau khi Tổng Cóc từ trần, nữ sĩ lập quán bán nước để mưu sinh và giao thiệp với các bạn văn nhân thi sĩ . Một hôm bọn trẻ dẫn nhau đến yêu cầu Xuân Hương cho tựa bài thơ, bà đọc bốn câu thơ:

 

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ

Ong non ngưá nọc châm hoa rữa

Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

 

Trong điển cố văn học đã có từ “dương xa” là xe dê các đời vua chúa dùng đi lại trong cung phi mỹ nữ, trong việc đưa đón ái ân. Trong tập Cung Óan Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-†1789) cũng có câu: 

 

Phải duyên hương lửa cùng nhau

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

 

Nguyễn Ðình chiểu (1822-†1888) nhà thơ yêu nước chống thực dân Tây. Trong bài Văn Tế Nghiã sĩ Cần Giuộc, đã gởi phần tâm sự và lời chê trách người cộng tác với thực dân, làm tay sai dày xéo dân tộc khổ đau vì nô lệ:

 

Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.

Mùi tinh chiên vấy đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.

 

Chê trách nhân vật Bùi Kiệm trong tuyện Lục Vân Tiên

 

Còn người Bùi Kiệm máu dê

Ngồi chai bể mặt như sề thịt trâu

Hớn Minh, Tử Trực vào tâu

Xin đưa quốc trạng kíp chầu vinh qui

Một người Bùi Kiệm chẳng đi

Trong người hổ thẹn cũng vì máu dê

                       

Theo sử sách ghi chép, dưới thời nữ Hoàng Ðế Cixi (1835-†1908) gọi là Từ Hi Thái Hậu/Tz’u-hsi, ngay từ rằm tháng hai năm Kỷ Hợi (1873), mỗi tỉnh của Trung Hoa tiến cử 10 đầu bếp giỏi nhất của mình về kinh, soạn thảo thực đơn. Sau gần hai tháng chuẩn bị, các đầu bếp thống nhất một thực đơn gồm 140 món. Trong đó có 7 món đặc biệt “Sơn dương trùng” là một trong bảy món ăn đặc sản độc đáo...Thịt dê thường đuợc tiêu thụ ở các nước Ấn Ðộ và Trung Hoa. Món ăn đặc biệt nhất là Curry dê hoặc dê xào lăn. Ngọc Dương là dái dê và Dương Thận là thận dê cũng là món thuốc trị về yếu sinh lý (?). Người ta nấu cháo ăn hoặc d2ngâm rượu với thuốc Bắc và Nhân Sâm. Nguời Tàu có bào chế một vị thuốc gọi là "Dâm Dương Hoắc" để cường dương bổ thận... Y học hiện đại cũng chế được từ dê nhiều loại thuốc đặc chủng chữa trị những bệnh về thần kinh, tim, máu, dạ dày, xương, cơ... Đáng chú ý và phổ biến nhất là thuốc chích ngừa bệnh dại Semple. Loại vaccine này hiện được hơn 60 nước sử dụng. Ở Việt Nam, từ năm 1952, dùng dê thử nghiệm điều chế vaccine Semple có tác dụng phòng chống chữa trị bệnh dại là bệnh do virus dại (rabies virus) gây nên. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú, tỉ lệ mắc bệnh tăng cao vào mùa nắng như bị chó dại cắn…..

 

Thời danh sư như Hải Thượng Lãn Ông biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác(黎有晫) (1720 – †1791). tinh thông y học, văn chương, là danh nhân Việt Nam thế kỷ XVIII được nhiều người kính trọng. Đời nhà Lê ông còn lưu truyền cho hậu thế quyển sách y học gọi Tắt là Lãn Ông Y Tập, viết từ 1782, khi ChúaTrịnh Sâm Chúa Trịnh thứ 8) triệu ông ra Thăng Long làm việc.

Tuệ Tĩnh thiền sư 慧靜禪師, (1330-? †) được phong là ông tổ ngành dược Việt Nam và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền Việt Nam. là người đầu tiên dạy nghề thuốc vào đời nhà Ðinh và nhà Tiền Lê, ông truyền lại tập sách Y Học tên là NAM DƯỢC, ghi chép những điều nghiên cứu và cách thức trị liệu bằng thuốc Nam. Và sau này đời nhà Nguyễn cùng có nhiều danh y tiếp tục nghiên cứu việc xử dụng các bộ phận của dê dùng làm thuốc trị bệnh, với y học dân tộc cổ truyền hiện có trên 20 bài thuốc dùng thịt dê làm đầu vị. Có thể nấu riêng thịt dê, hoặc nấu cùng xuyên khung, hoặc với một vài vị thuốc thực vật khác. Ví dụ: thịt dê hầm cùng gừng, đương quy, hoàng kỳ ăn vào chữa hiệu quả những bệnh như: lao lực, ra mồ hôi trộm, chân tay bải hoải, làm cho khoẻ mạnh thể xác và phấn chấn tinh thần. Dân Bắc Phi và Á Rạp rất thích món méchoui tức là dê hoặc cừu nguyên con được lụi qua thanh sắt và đem quay nướng trên lửa.

 

wer-staerker-ziege-ein-esel-11711Nhiều người nhậu thích thịt dê ngon, tuy nhiên mùi thịt dê rất hôi mà làm cho hết hôi là cả một nghệ thuật. Các sách dạy về gia chánh viết có nhiều phương pháp: rửa thịt dê bằng nước gừng, nước sả, lấy một tí giấm, hoặc vắt hai trái chanh vào tô thịt dê, chế vô một ít dầu ăn, trộn đều và đem cất trong tủ lạnh trong vài giờ mùi dê sẽ bớt đi, có thể dùng quế để khử bớt mùi dê, hay bóp thịt dê với rượu trắng có trộn gừng bằm nhuyễn. Sau đó xả lại bằng nước lạnh, có người thì cho dê uống rượu rồi treo nó lên cây đánh cho nó kêu la đổ mồ hôi cho bay hết mùi hôi, việc hành hạ súc vật các nước văn minh cấm. Người Ấn Độ thì lấy thịt dê nấu curry, người Tàu ăn cầu kỳ hơn như món thịt dê tiềm thuốc bắc, ngọc dương chưng với nhân sâm, đại táo, thục địa, long nhãn... Người Việt Nam thì chế biến như chiên, nướng, ăn tái, nấu lẩu, xào lăn, chạo dê, thịt dê hấp hoa sen, thịt dê hầm hạt sen, chả dê... các món ăn cần uống thêm rượu ngọc dương hay rượu tiết dê. Nhiều người ưa thích

 

Tái dê chấm với tương bần

Ăn vào nó cứ tần mần (bần bần) như dê

Đêm về vợ lại tỉ tê

Tối mai ta lại tái dê tương bần[i][1]

 

Hay:

 

Tái dê chấm với tương gừng

Ăn vào cứ thấy phừng phừng như dê

 

Các món ăn từ dê, đặc biệt tinh hoàn dê hay ngẩu pín dê (bộ phận sinh dục của dê đực) ăn sẽ cường dương, bổ thận. Đến ngày nay chưa ai chứng minh trên cơ sở khoa học. Cho rằng "ăn gì bổ ấy" cũng chỉ là sự suy luận của giới bình dân, vì chưa có nghiên cứu hoặc tài liệu khoa học nào chứng minh được tính trợ dương của thịt dê. Trong khi các nhà thuốc tây bán thuốc Viagra cho người bị bệnh yếu sinh lý „liệt dương“ gia tăng.

anhdao 

Sữa dê có vị ngọt tính âm tác dụng bổ hư, bồi dưỡng cơ thể . Người ta vắt sữa dê vào lúc trời sáng, khi dê con chưa ngủ dậy, bế dê con sang chỗ khác vắt sữa dê mẹ. Các Siêu thị Ðức có bán sữa dê đắt hơn sữa bò, biến chế thơm ngon không có mùi hôi. Hoàng Đế Tutankhamun là vị vua tại vương triều thứ 18 của Ai cập cổ đại (ông cai trị vương triều từ 1341- 1323 trước công nguyên, trên 3000 năm cũng thích uống sữa dê. Phó mát (cheese) dê được sản xuầt nhiều tại Âu Châu. Sữa dê ngoài dinh dưỡng, còn là nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm. Thời nữ hoàng Cleopatra, Võ Hậu, Từ Hi ..thường tắm bằng sữa dê

 

Người nước Lỗ khi xưa phải mổ thịt dê đực làm lễ „Cốc sóc“. Về sau lễ ấy được bỏ đi nhưng người ta vẫn theo lệ mà nộp dê. Tử Cống (học trò Khổng Tử tên là Ðoan Mộc Tứ nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi) muốn bỏ hẳn lệ ấy đi, nhưng Khổng Tử (Kong Qui 551-479 tr.CN) bảo: “ Ngươi tiếc con dê còn ta thì tiếc cái lễ”. Ý muốn nói, triều vua bây giờ đã suy, bỏ mất lễ „Cốc sóc“ nhưng vẫn giữ tục nộp dê thì người ta vẫn nhớ đến lễ ấy và lễ Cốc sóc không mất hẳn. Câu chuyện này chứng tỏ dê có một vai trò quan trọng như thế nào trong văn hóa Trung Hoa. 

                       

Dầu đến việc làm đình làm thị

Cũng đến dê trảm thảo bồi cơ

Nhẫn đến ngày mang tướng xuất sư

Cũng lấy dê khấn cầu tổ đạo

Lễ Cốc sóc thánh nhân còn bảo

Tử Cống sao dê sống bỏ đi

                                      (lục súc tranh công)

Thi sĩ Bùi Giáng (1926-†1998) cảm nỗi lòng Tô Vũ, và chính ông cũng một thời chán đời về mua dê và chăn dê ở quê nhà, núi đồi Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, trong khoảng từ (1945 đến 1952)

 

Ðồi tăm tắp chạy về ôm chân núi

San sát đồi phủ phục quần núi xanh

Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối

Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh

Thôi từ nay tha hồ em mặc sức

Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe

Thôi từ nay tha hồ em mặc sức

Vang vang lên đồi núi giọng be be...

 

Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả

Ðeo vòng vào em nghển cổ cong xinh

Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá

Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên.

                         

Ông Tô Vũ, sứ giả nhà Hán thời (Hán Vũ Đế vua thứ 6 nhà Hán 140-87 tr.CN).   Vũ đi sứ sang Hung Nô. Triều đình Hung Nô có lời dụ hàng, Nhưng Tô Vũ giữ thể diện nhà Hán, giận dữ quát mắng, chúa Hung Nô là Thuyền Vũ sai quân áp tải ông đến giam vào hang sâu, với ý giết chết sứ thần nhà Hán. nhưng Tô Vũ không chết trong hang. Thuyền Vũ liền truyền lệnh đày ông lên phương bắc, vắng như sa mạc, tuyết phủ quanh năm. Ông phải chăn một đàn dê đực, với sắc chỉ của chúa Hung Nô: “Bao giờ trong đàn dê, dê đực đẻ con, sứ thần Tô Vũ  được trở về đất Hán”. Tháng ngày chăn dê Tô Vũ làm thơ  

 

Giống nai sao lại tiếng bê! hê!

Đứng lại mà coi vốn thiệt dê

Đực, cái cũng râu không biết hổ

Vợ chồng một mặt hết khen chê

                       

Hán Vũ Đế và cung đình nhà Hán biết tin sứ thần Tô Vũ  bị hại, đã nêu tấm gương trung nghĩa với đất nước và bị giam trong hang cho đến chết, nên vô cùng thương xót. Luôn nêu cao công trạng và gương trung nghĩa cho đời. (Thời gian trôi qua Hán và Hung Nô giảng hoà,Tô Vũ được tự do về nước).   

 

Dê ăn trái Cafe đầu tiên.

 

Vào thế kỷ thứ 9 ở làng Cafa bên Á Rập có người chăn dê, thấy dê ăn loại trái cây làm cho dê bị kích thích, anh hái loại trái cây đó đem về anh ăn thử, có vị đắng nhưng nướng thì có muì thơm, anh đặt tên là hạt Cafa hay còn gọi là Cafe. Mãi cho đến thế kỷ thứ 17 Cafa được mang sang Âu Châu, nhưng người ta sợ trái độc chưa dám sử dụng.  Ngày nọ vua Thụy Điển muốn thí nghiệm Cafa có độc tố không? ông sai lính nấu Cafa cho ba người tội phạm sắp tử hình uống thử nhưng họ vẫn khoẻ. Café từ đó bắt đầu phát triển khắp nơi

 

Những dược thảo mang tên Dê/Dương

 

*Cà Dái dê còn gọi cà tím tên khoa học / solanum melongena họ cà Solanaceae chưá chất violanin.

 

*Dương Ðề / Rumex wallichii họ rau Polygonaceae. trong rễ và lá chứa anthraglucosid.

 

*Dâm Dương Hoắc/ Herba epimedii, thuộc họ Hoàng liên gai Berberidaceae, có tính chất kích thích tình dục và được sử dụng làm thuốc.

 

*Cây Sừng Dê/ Semen Strophanthididivaricati còn gọi là dương giác nữu, dương giác ảo chưá các chất Glucosid.

 

*Dương Ðề Thảo/ Emilia Sonchifolra họ cúc Compositae

 

*Dương San Hô/ Euphorbia tithymaloides họ thầu dầu Euphorbiaceae

 

*Dương Xuân Sa/ Amomun Villosum họ gừng Gingberaceae chứa saponin.

 

*Dương Ðào/ Averrhoacarambola.

 

*Cỏ râu dê / Filipendula-ulmaria. Hoa cỏ râu dê phơi khô được dùng làm chất xông hương (potpourri) để trong nhà thờ, có mùi thơm ngọt ngào nồng nàn làm sảng khoái tinh thần được mọi người ưa chuộng.

 

 Các năm Mùi trong lịch sử chống giặc

 

Quý Mùi (503): Ngày 12/9/503 là ngày sinh của Lý Bôn (? - †548), tức Lý Bí, quê ở Long Hưng. Tháng 1- 542, Lý Bí kêu gọi dân chúng khởi nghĩa chồng công quân Lương. Thứ sử Tiên Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước. Tháng 2-544, Lý Bí xưng Lý Nam Đế. Niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Triều Tiền Lý khới nghiệp từ đấy.

 

 Tân Mùi (791): Năm 766, Phùng Hưng (761-†802) quê Sơn Tây cùng anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đường. Cuộc chiến đấu kéo dài 20 năm (766-789). Đến năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng cùng các tướng chiếm được thành Tống Bình (Hà Tây), được tôn hiệu là Bố Cái Đại Vương.

 

Kỷ Mùi (1019): Năm sinh của Lý Thường Kiệt (1019-†1105). Năm 1061, ông được cử vào trấn giữ vùng núi Thanh Nghệ hiểm trở. Năm 1077, quân Tống đem 10 vạn quân, 1 vạn ngựa chiến, cùng 20 vạn dân phu sang xâm lược nước ta. Quân giặc bị quân dân ta đánh chặn ngay từ cửa Ải Lạng Sơn. Ngày 18/1/1077, quân Tống tiến đến bờ bắc sông Cầu và bị chặn lại hơn 2 tháng. Đến đúng lúc giặc Tống bị dồn vào tính thế khốn quẫn tại sông Như Nguyệt (Bắc Ninh), Lý Thường Kiệt ra lệnh quân dân Ðại việt tấn công, giặc Tống thua rút quân về nước.

 

Đinh Mùi (1427): quân ta chém tướng Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn quân giặc. Tướng Vương Thông hết hy vọng vào viện binh đã xin đầu hàng. Ngày 10/12/1927, Lê Lợi (1385-†1433) và Nguyễn Trãi (1380-†1442) cho Vương Thông đến “Hội thề Đồng Quan” chúng xin hứa không bao giờ xâm lược Đại Việt nữa.

 

Năm Ất Mùi (1595): Sau khi đánh bại quân nhà Mạc, Trịnh Tùng (?-† 1623) khôi phục cố đô Thăng Long vào năm 1592. Năm Ất Mùi (1595), Trịnh Tùng bắt đầu tổ chức bộ mày cai trị theo quy mô của bậc đế Vương. Từ đấy bắt đầu thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh.

 

Kỷ Mùi (1859): Pháp đánh chiếm Gia Định, Trương Định (1820-†1864) tổ chức khởi nghĩa chống giặc ở Gò Công, Tân An, đựơc triều đình Huế giao chức lãnh binh.

 

Đinh Mùi (1907): Thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại phố Hàng Đào, do việc vận động của Phan Châu Trinh (1872-†1926) với các nhà Nho tiến bộ. Ông Lương Văn Can(1854-†1927) làm Hiệu trưởng, giám học là ông Nguyễn Quyền và một số nhà trí thức; học giả nổi tiếng

 

Ất Mùi (1955): Theo Hiệp định Geneve ký ngày 20/7/1954, quy định ngày 24/4/1955, quân đội Pháp rút khỏi Quảng Ninh, ngày 13/5/1955 rút khỏi Hải Phòng, cho đến ngày 16/5/1955. Các năm Mùi kế tiếp: Ðinh Mùi (1967); Tân Mùi (1991) Quý Mùi (2003) Ất Mùi (2015).

 

Hoa-mai-vang-ngay-tet-2014-23Lịch sử đổi thay qua những năm Mùi, noi gương dựng nước và giữ nước của tiền nhân để lại, dân tộc Việt Nam từng đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi đất nước giành lại độc lập, tự do. Ngày nay toàn dân phải có bổn phận giữ gìn bờ cõi, biển đảo của Việt Nam, không thể để cho tập đoàn CSVN bán nước vinh thân phì gia tự quyết định vận mệnh dân tộc.

 

Mỗi lần xuân về, chúng ta đón xuân trong niềm vui, nhưng không quên mùa Xuân với chiến thắng Đống Đa năm Kỷ dậu 1789, là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử, là mùa xuân đẹp nhất trong lòng dân tộc Viêt Nam.

 

Nguyễn Quý Đại  (hoamunich)

                                                                                                           

Tài Liệu Tham Khảo

Wildes Afrika (Bayerischer Rundfunk)

Tiere (Dorling Kinderley)

Universal Lexikon (Bassermann)

Welt Geschichte Convertgarten

Hình trên Internet

 

 

 

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org