Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

TRẦN HOAN TRINH

 

             MỘT ĐỜI THẦY ĐẤT QUẢNG

 

                        -Viết nhân  Kỷ Niệm 60 năm thành lập trường Phan Châu Trinh

 

          hoan_trinh_2Cầm Sự vụ lệnh bổ nhiệm trong tay , tôi leo lên chuyến tàu hỏa tốc hành SàiGòn-Huế đến trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng nhân việc . Một đêm tháng 9 năm 1958 . Mưa gió suốt cuộc hành trình . Miền Trung đang có bão . Chiếc tàu chạy ỳ à ỳ ạch qua những cánh đồng bao la nước , qua những cánh rừng ướt đẫm mưa , qua những con sông nước tràn lan lấp lóang bờ . Xa xa bên dưới , biển động ầm ầm   , sóng vỗ trắng xóa . Đến Quang Ngãi vào tối mịt ngày hôm sau , tàu  không thể chạy tiếp nữa . Nhiều đoạn đường sắt đã chìm hẳn trong nước . . Tôi bỏ tàu , leo lên một chiếc  xe hàng đầy ứ khách đi tiếp . Chiếc xe phủ bạt kín mít , lăn đi trong mưa , trong đêm tối om . Tôi ngồi khuất  ̣t góc sâu trong xe , chỉ nghe tiếng mưa  rơi ào ạt và  tiếng người phụ xe thỉnh thoảng gọi tên những địa danh xe sắp đến . Xe vào bến  Đà nẵng giữa khuya . Bến xe vắng ngắt , lác đác  vài quán ăn còn mở cửa , đèn mờ leo lét .Bến xe ĐN lúc đó còn nằm trên đường Hùng Vương , cạnh Chợ Cồn , vị trí bây giờ là Siêu Thị BIG C . Xách chiếc vali  trên tay , tôi đặt bước chân đầu tiên của mình xuống thành phố Đà Nẵng . Thành phố này hoàn toàn xa lạ với tôi , tôi chưa hề đến đây lần nào , và cũng chẳng có thân thích , bà con nào ở đây cả . Đường sá vắng hiu , buồn tênh ,  mặt đường ướt át ,đầy xác lá và cành cây gãy , sau cơn bão . Tôi  ngơ ngác nhìn quanh  nơi mình sẽ sống , nơi mình chập chững những bước đầu tiên vào đời . Xa lạ . Bỡ ngỡ . Thích thú .                Lúc bấy giờ , được bổ nhiệm về Đà Nẵng xem như bị đi đày . Đà Nẵng lúc đó còn nhỏ , nhỏ lắm , nhỏ hơn Huế ,  Nha Trang  nhiều .Tôi vẫn đinh ninh trong lòng : thôi cứ dạy ở đây vài năm , sẽ tìm cách đổi về Huế ,quê hương của mình , hay Sài Gòn , nơi mình mới khăn gói ra đi . Thế mà tôi đã ở đây cả cuộc đời ! Thế mà tôi đã dạy riêng tại PCT 40 năm đăng đẳng !  Âu là nghiệp dĩ ! Những năm tháng ngày tàn bóng xế , lạc lõng xa lạ giữa thành phố này , bị lãng quên giữa thành phố này ,  những sớm , rất sớm , một mình đếm từng bước lang thang trên con đường bờ sông Bạch Đằng hay trên con đường dọc bãi biển Thanh Bình , để đi bộ tập thể dục , nhưng dụng ý chính là tìm chút thoải mái , thanh thoát cho tâm hồn , đã  nhiều lần  tôi tự hỏi mình : quyết định của tôi để cả một cuộc đời ở Đà Nẵng này là Đúng hay Sai ! ? Làm thầy một đời ở Đất Quảng này của tôi như vậy tựu trung là thành công hay thất bại ? ! Để rồi hồn bâng khuâng , buồn vô hạn !       

 

Thời gian học Trung học, tôi đã nuôi  mộng sau này theo nghề dạy , nhưng theo một hướng khác . Thế mà dòng đời đưa đẩy , tôi lại vào nghiệp dạy theo một hướng khác , chính qui luôn !Thuở ấy , đậu xong Tú Tài 2 , muốn học lên nữa thì phải vào tận Sài Gòn thôi . Các trường Đại học khác ( Huế , Đà Lạt , ……) mãi đến sau năm 1958 mới được thành lập . Thuở tiểu học , tôi học tại trường THẾ DẠ .Thuở trung học , tôi học Đệ nhất cấp tại trường PELLERIN , Huế . Năm Đệ Tam ( lớp 10 ), tôi học tại trường Tư Thục NGUYỄN DU , Huế , mới thành lập, tọa lạc trên đường Hàng Đường , cạnh chân cầu Đông Ba . Tôi học Đệ Nhị , Đệ Nhất ( lớp 11 ,12)  tại trưởng KHẢI ĐỊNH .Lúc bấy giờ trường Khải Định còn học chung với trường con gái  Đồng Khánh , dãy lầu phía bên phải , vì cơ sở trường còn  bị Pháp chiếm làm trại lính . Đến   cuối năm Đệ Nhất ,trường Khải Định mới được Pháp trao trả cho VN , chúng tôi khiên bàn , khiên ghế ,  khiên bảng đen , bục giảng , ……về học tại trường  của mình . Cũng cuối năm đó , trường được đổi tên là Quốc Học Ngô Đình Diệm (từ năm sau chỉ gọi là Quốc Học Huế  ) . Tôi học  lớp Đệ Nhất B3 . Thầy dạy Toán của tôi năm này  thầy N. V. H. , vị thầy thần tượng của tôi lúc đó . Thầy làm Hiệu      ĐỆ NHẤT –KHẢI ĐỊNH HUẾ        Trưởng nên chỉ dạy một mình lớp tôi  thôi .Nhìn chữ ký lả lướt của thầy , dưới triện son đỏ chói của trường , dưới hàng chữ Hiệu Trưởng , Giáo Sư Cử Nhân Giáo Khoa  , là tôi mê tít ! . Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi về thầy : chiều hôm đó , thầy có 3 giờ Toán liên tiếp tại lớp tôi. Chắc bận việc gì đó , đầu giờ thầy vào lớp và ra một đề toán bắt chúng tôi giải trên giấy , cuối giờ nộp , rồi bỏ đi đâu mất ! Ngồi nắn óc bóp trán làm mãi không ra ,mặc dù chung tôi đã tụ năm tụ bảy cùng ngồi làm chung để suy nghĩ cach giải . Cuối giờ , thầy vào lớp , chúng tôi phản ảnh lại , chịu không ai giải được cả , thầy cầm đề tóan lên xem một hồi , rồi bật cười ha hả , giơ cả răng cả lợi : bây ngu quá , đề tau ra thiếu mà cũng làm  , ha ha ! Mất toi 3 giờ toán lại còn bị mắng là ngu ,nhưng cũng đành chịu ! Giữa năm học , thầy không còn dạy Toán cho lớp tôi nữa . Thầy quay qua hoạt động chính trị và chuyển hoàn toàn lên Đại Học . Lòng tôi vẫn ao ước sau này học hành sao cho ra trường giống thầy : đỗ Cử nhân Giáo khoa Toán rồi về Huế dạy ! Do đó , đỗ xong Tú Tài 2 , theo rũ rê của người bạn thân, tôi bay vào Sài Gòn , ghi tên ngay vào học tại Faculté de Sciences ( Đại học Khoa học ) , mặc dù trong túi chỉ có vài chục đồng ! Người bạn tôi bảo phải vào sớm , đến dự thính các lớp đang học để nghe tiếng Pháp cho quen  ( lúc đó trường còn dạy bằng tiếng Pháp ) , vào năm học chính thức mới theo kịp để ghi bài  . Anh bảo đảm vào đó sẽ giới thiệu chỗ dạy kèm dạy thêm , đủ chi phí để ăn học . Loay hoay tìm kiếm chỗ dạy thêm chẳng ai nhận ,chắc là thấy tôi còn bé con quá ! Tiền sắp cạn , đang lúng túng không biết làm sao ! Một hôm đi ngang qua trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn ( Normale Supérieure de Pédagogie ), thấy thông báo tuyển sinh , tôi ghi tên dự thi , định bụng học thêm tại đây để lấy học bỗng . Học bỗng của trường Sư phạm này khá lớn , gần bằng lương của một công chức bậc trung hồi ấy  ! Trúng tuyển , mừng rơn ! Thế là giải quyết được vấn đề khó khăn nhất ! Vào thời gian này , miền Nam có 3 hệ sư phạm : Sư phạm Cấp tốc , mỗi tỉnh có 1 trường, đào tạo giáo viên dạy  tiểu học ( cấp I) . Quốc Gia Sư Phạm , vài ba tỉnh mới có một trường ,  đào tạo giáo sư ra dạy Đệ nhất cấp  ( cấp 2) , ,Cao Đẳng Sư phạm chỉ có 1 trường tại Sài gòn , đào tạo giáo sư dạy Đệ I cấp và Đệ  2 cấp ( cấp 2 , 3) .  Cao Đẳng Sư phạm  là hệ Sư phạm cao nhất tại miền Nam lúc bấy giờ , Đại Học Sư Phạm mãi đến năm 1958 mới được thành lập .Trường  này , theo lời người thầy dạy môn Phương Pháp Sư Phạm của tôi ,cũng là  Phó Giám Đốc của trường ,  thầy Phan Thế  Roanh , và theo các người  bạn lớn tuổi trong ngành  ,  do chính phủ thuộc địa Pháp thành lập để đào tạo giáo sư trung học cho ba miền Việt Nam ,Lào , Cambuchia . Trước trường đặt tại Hà Nội , đến 1954 , thực thi Hiệp Định Genève , trường được dời vào Sài Gòn ,  đặt tại ngã tư Cộng Hòa –Thành Thái ( bây giờ là Nguyễn văn Cừ-An Dương Vương ) , cạnh trường Pétrus Ký , cạnh trường Đại Học Khoa học .  Môn học   còn dạy bằng tiếng Pháp , trừ 2 môn Tâm Lý Sư phạm và Phương Pháp Sư Phạm. Thầy cô dạy  tại đây , cũng là Thầy cô dạy ở Đại Học Khoa Học . Vì vậy , sinh viên học tại đây phần lớn đều có ghi danh học thêm  ở Đại Học Khoa Học , rất tiện lợi . Sinh viên  ra trường chỉ đủ để bổ nhiệm cho các trường lớn trong nước mà thôi : Gia Long , Pétrus Ký , Chu Văn An , Trưng Vương , Hồ Ngọc Cẫn , Nguyễn Du , Võ Trường Toản , ….ở Sài Gòn , Quốc Học , Đồng Khánh ở Huế , Võ Tánh ở  Nha Trang , Trần Hưng Đạo , Bùi thị Xuân ở Đà Lạt , ……Năm 1958 , sinh viên mới được bổ nhiệm đến các tỉnh thành khác : Đà Nẵng , Qui Nhơn , Hội An , Quảng Trị , …..Phần lớn chỉ 1 , 2 năm sau là được đề cử đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc , Thanh Tra , Hiệu Trưởng , Giám Học các trường cả .Mấy năm đầu đến ĐN , tôi vừa dạy vừa tiếp tục việc học của mình một thời gian . Tôi được trường  PCT giao phụ trách giảng dạy ngay các lớp Đệ Nhị Cấp , nhưng chỉ hưởng lương của một giáo sư THĐIC , mãi cho đến 5 năm sau , 1963 , mới thực thụ là Giáo Sư THĐ2C.

                                                                                                             

1-MỘT THỜI PHAN CHÂU TRINH

 

papa 4Tôi  đến trình diện nhận việc tại trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng ngay  sáng hôm sau đêm đến ĐN  . Cơ ngơi của trường PCT  còn rất nhỏ , nằm lọt thỏm giữa một giải  đất rộng bao la .. Sân trường còn trải cát, chỗ cao chỗ thấp, bao quanh bằng một hàng kẽm gai quân đội thấp lè tè, đứng bên ngoài có thể nhìn thấy hết mọi sinh hoạt bên trong .Cây cối trên sân chính chỉ có mấy hàng dương liễu, hàng phượng mới trồng, lơ thơ, ẻo lả trước gió. Năm sau, các hàng cây này được nhổ bỏ đi, trường  trồng các cây sao, cây xà cừ thay vào, bây giờ  lên cao vút.S. Số thầy cô đếm được trên đầu ngón tay , phần đông không qua một khoá sư  phạm nào . Cac thầy dạy đủ môn, đủ lớp. Năm học này dạy Văn , năm học  sau lại được phân công dạy Toán , dạy Lý . Các môn Sử , Địa , Công Dân , Vạn vật , …. thì xem như phân phối lung tung , làm sao cho quý thầy cô đủ số giờ bắt buộc mà Bộ qui định . Một số thầy cô được mời từ các công chức thuộc  các Ty , các Sở đóng trong địa bàn thành phố .Các vị này khi rãnh rỗi thì dạy , khi bận công tác thì nghỉ , trường phải bố trí bất cứ ai  vào dạy thay . Cái tuyệt diệu của các thầy cô hồi đó là thầy cô nào cũng giỏi , rất vững vàng  ,dạy môn gì cũng đạt cả . Vì số thầy cô còn ít , nên tình thân mật giữa nhau đậm đà thân thiết vô cùng .Ngoài giờ dạy tại lớp , các sinh hoạt khác : thể thao , văn nghệ , báo chí , xã hội , …..đều được tất cả hăng hái tham gia , nhiệt tình, vui vẻ .Các lần đóng trại xa, các lần trình diễn văn nghệ đón Xuân , bế giảng năm học, những Lễ phát Thưởng cuối năm , …. đều để lại trong lòng thầy trò  những hình ảnh đẹp , không bao giờ quên được . Sau này tôi vẫn nghĩ lại: chưa có thời gian nào tôi được sống giữa đồng nghiệp, giữa học sinh một cách thân tình, vô tư và trong sáng như vậy.

 

Tôi lớn lên cùng ngôi trường PCT, tôi chứng kiến bao nhiêu thay đổi. Trước năm học 1958 , trường  chỉ mới có 8 phòng học , mặt tiền quay ra đường Lê Lợi . Hè 1958 trường xây thêm  8 phòng học gồm 4 trệt 4 lầu  , vuông góc với dãy trường cũ , nằm song song với đường Thống Nhất ( nay là Lê Duẫn )  .Năm 1960 xây thêm 4 phòng tiếp nối vào dãy giữa . Năm 1962 thêm 10 phòng cho dãy lầu bên phải .Năm 1967, thầy Thái Doãn Ngà ,giáo sư Toán  trường Quốc Học Huế , được Bộ Giáo Dục cử vào đảm nhiệm chức vụ Giám Học rồi  Hiệu Trưởng .Đây là một vị Hiệu Trưởng tháo vát , năng nổ , có công nhiều trong việc xây dựng trường .Trường được đúc móng dựng trụ lên lầu, xây thêm Thư viện, phòng Thí nghiệm, Hội trường  , Văn phòng…..Sân trường được đỗ đá tráng nhựa, cổng trường được xây mới bề thế uy nghi . Trường càng ngày càng mở mang lớn, đón tiếp nhiều thầy cô giáo  giỏi, bằng cấp cao về giảng dạy. Học sinh càng ngày càng đông , học giỏi , năng động , lớp này ra trường , lớp khác vào  , liên tu bất tận .                      Năm 1975 , đất nước Bắc Nam thống nhất  . Tôi được bố trí dạy lại ngay tại PCT và dạy mãi cho đến ngày nghỉ hưu  ( 1998). Do đó  , tôi trở thành người thầy có thâm niên dạy liên tục tại trường PCT lâu nhất từ trước đến nay : 40 năm  ! Chắc sau này chẳng có ai theo kịp !

           

2 / NGƯỜI THẦY  LIÊN TRƯỜNG                                                                      Miền đất Quảng Nam Đà nẵng là miền Địa linh Nhân kiệt, là đất Ngũ Phụng Tề Phi, nơi sản sinh bao nhiêu danh nhân, anh hùng hào kiệt .Tôi diễm phúc được dạy tại miền đất  này không phải chỉ tại trường công lập Phan châu Trinh  mà tại hầu như tất cả các trường Bán Công , Tư Thục trong thành phố  : Bán Công ĐN  , Sao Mai , Bồ Đề , Phan Thanh Giản , Nguyễn công Trứ , Thánh Tâm , Anh Sáng , Nguyễn Hiền , Tây Hồ ,Thành Nhân , Báp Tít , Vinh Sơn , Diên Hồng , Hồng Đức , ….Có trường tôi dạy nhiều năm , có trường chỉ dạy vài ba tháng hay 1 học kỳ thì nghỉ .                                                         Năm 1958-1959 , Đà Nẵng chỉ có 2 trường  có Đệ Nhị cấp (chưa hòan chỉnh) : PCT và  Bán Công ĐN . Qua niên khóa 1959-1960 , các trường tư khác mới bắt đầu phát triển Đệ nhị cấp . Các trường Bán Công , Tư thục này  thường mời tôi dạy TOÁN mỗi năm 1 hoặc 2 lớp , thường là 1 lớp Đệ Nhị B   , 1 lớp Đệ Nhất A . Học sinh các lớp Đệ Nhị B    rất đông , bao nhiêu học sinh ở Đà Nẵng , Hội An , Tam Kỳ , Hoà Vang , Điện Bàn , Duy Xuyên , Đại Lộc , Thăng Bình , Quế Sơn , ….nếu không vào được PCT thì đều học tại các trường tư đó cả . Vì vậy , thuở ấy , học sinh nào có học Đệ Nhị , đã đỗ Tú Tài I phần lớn đều có “ gặp “ tôi , không ở các lớp chính thức thì gặp ở các lớp cua . Một điều thú vị là nhiều gia đình có cha , mẹ và  4, 5 anh chị em , đều là “môn đệ ruột” của tôi cả . Những anh chị sau này đến thăm hay nhắc lại , xem như một kỷ niệm hiếm có  .

 

Mới chân ướt chân ráo đến ĐN , khi trình Sự Vụ Lệnh với Thầy Hiệu Trưởng PCT , tôi được thầy mời dạy  tại trường Bán công ĐN ( 1958-1959 ) và trao ngay thời khóa biểu cho tôi .. Trong các năm học đầu  , trường Bán Công được đặt dưới sự quản lý của trường PCT , Hiệu trưởng PCT kiêm nhiệm luôn chức vụ Hiệu Trưởng trường Bán Công . Trường Bán Công Đà nẵng được thân hào nhân sĩ trong thành phố vận động thành lấp năm 1957 , để con em mình có chỗ theo học , khỏi phải khăn gói ra Huế , vào Sài Gòn ,Nha trang ,vừa tốn kém , vừa bất tiện . Trường chỉ có Đệ 2 Cấp (lúc này PCT chưa có mở lớp Đ2C) .Niên khóa đầu tiên trường chỉ có 1 lớp Đệ Tam A B , học tạm tại 1 phòng học mượn của PCT . Đến niên khoá 1958-1959 trường được tỉnh  xây   cho một cơ sở gồm 4 phòng học , toạ lạc trên một khoảng đất rộng mênh mông  , nằm giữa hai con đường Nguyễn Hoàng ( Hải Phòng) và Quang Trung , chéo một chút với  Thánh Thất Cao Đài ĐN ( bây giờ là Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng ) . Khuôn viên   này hồi đó còn cây cỏ um tùm , ao hồ xen kẻ , mưa tạt gió lùa  .. Những ngày mưa , đứng dạy , nghe văng vẳng tiếng ểnh ương , ếch nhái vọng vào , thê lương áo não chi lạ . Các thầy cô trong thời gian này , ngoài một số là thầy cô PCT , trường còn mời thêm một số là công chức đang công tác tại Đà nẵng đến giảng dạy : luật sư Sanh ,luật sư Trường , kỹ sư Tiễn , bác sĩ Can ,nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn ,thầy Phan công Hân , v.v ………… Học sinh trường rất to con lớn xác , phần lớn là con cháu của các gia đình có máu mặt trong thành phố ,có vài em đã có vợ con đàng hoàng ,  tuy nhiên hiếu học và yêu quý gần gũi với thầy cô vô cùng . Thầy Hiệu trưởng bận công tác tại trường PCT, nên mọi việc điều hành trường đều giao cho cụ ĐOÀN VĂN KHÁNH , mục sư Tin Lành ,chức vụ Tổng Giám Thị ,  phụ trách  . Tôi vẫn nhớ dáng cao lớn bệ vệ hồng hào của cụ KHÁNH  , luôn có mặt tại trường rất sớm , đi  trên chiếc xe Mobylete Pháp cũ kỹ , để coi sóc giữ gìn trật tự cho trường . Nghiêm trang , bao dung , vui vẻ ,  hiền hòa với tất cả mọi người , tận tụy với nhiệm vụ . Văn phòng   bác BỬU DIÊU ( PCT) lo việc kế toán , bác  xã KÝ lo việc hồ sơ , có bác cai Nhẫn , mặt luôn đỏ au vì đế , lo việc bảo vệ ! Tôi còn nhớ tên rất nhiều em học sinh Bán Công giai đoạn này: Đặng công Phu , Trần đình Ba , Võ văn Khởi , Nguyễn hửu Xuận , Huỳnh công Khanh , Nguyễn cù Mông , Minh Nguyệt , Huyền Tâm , Bích Ngọc ,Trần thị Dung , Mộng Điệp , Kim Thoa , Kim Yến , Tuyết Giao , Kim Ngọc , Hương Bửu , Vũ Anh Nghi ,  Kim Quỳ , Trần thị Lý , Mỹ Lợi  , Nguyễn thị Thoại ,  ………..

tr SAO MAI: Đến năm 1963 , tỉnh lấy khuôn viên này để xây bệnh viện Đa khoa ĐN , trường Bán Công  được dời đến học tại địa điểm mới trên đường Lê Thánh Tôn ,  cơ sở của  trường tư thục Nguyễn công Trứ vừa bị giải thể . Lúc này trường mới có cả Đệ 1 cấp , Đệ 2 cấp .Thầy TRỊNH THỂ ,  một thầy giáo thanh liêm , mẫu mực ,uy tín của thành phố , được mời giữ chức vụ Hiệu Trưởng. Tôi nhớ dáng thầy cao ốm  , luôn luôn mặc y phục  trắng toát , vẻ mặt nghiêm nghị nhưng cởi mở vô cùng  . Năm 1973 , trường được công lập hóa và đổi tên là trường DIÊN HỒNG , thầy Nguyễn Ngọc Thanh ( PCT ) được giao nhiệm vụ Hiệu Trưởng ..       Tôi dạy tại trường Bán công ĐN từ 1958 cho đến 1972 thì  nghỉ ,vì  phải đảm nhiệm chức vụ Giám Học tại Phan Châu Trinh  , công tác bận rộn lu bù . Một kỷ niệm đậm nét trong tôi : số tiền đầu tiên tôi tự  kiếm được để chi tiêu cho mình là tiền lương dạy tại trường Bán Công đó  .

Tôi đến dạy tại trường   thục SAO MAI từ niên khóa 1959-1960 , năm trường mở Đệ  2 cấp . Niên khóa này tôi nhớ lúc đầu Hiệu Trưởng trường là Linh Mục LÊ VĂN ẤN , chừng  vài  tháng sau, linh mục LÊ VĂN ẤN được Tòa Thánh phong làm TỔNG GIÁM MỤC địa phận Đà Nẵng nên linh mục VŨ NHƯ HÙYNH phụ trách chức vụ Hiệu trưởng thay thế , cho mãi đến 1975 .

Tôi nhớ lớp Đệ Nhị B đầu tiên của trường Sao Mai rất đông , sĩ số hơn cả 100 , có những học sinh rất giỏi , không thua kém gì trường công lập : Trương thị Huệ  , Hoàng thị Phụng ,  Sơn ,  Trinh , Chênh , Thành , Xuân ,……..Lớp  được trường bố trí học tại phòng rộng nhất ở lầu 3 , có những cột trụ chống đỡ to bằng người ôm , nhìn ra con sông Hàn bao la bát ngát , gió  thổi  hây hây  mát rượi . Nhìn chéo một chút là Cổ Viện Chàm , âm u , huyền bí .. Xa xa bên trái là dãy núi Sơn Chà quanh năm mây trắng phủ đầy đỉnh  núi , bên phải là cầu De Lattre cheo leo vắt ngang sông , mờ mờ sóng nước .Giảng bài xong,sau khi ra bài tập cho học sinh soạn,tôi thường đến đứng bên cửa sổ lặng ngắm các tàu bè qua lại , ngắm khói sóng lãng đãng trên sông, thả hồn bay bỗng vu vơ bờ này bến nọ . Lắm bài thơ ý thơ của tôi được hình thành lúc đó. Trường Sao Mai là trường tôi dạy lâu nhất  sau PCT ,  mãi đến cuối tháng 3 .1975 mới nghỉ , khi trường được giao cho chính quyền mới tiếp quản  .

 

tr PHAN THANH GIAN            Tôi dạy tại trường Bồ Đề từ năm học 1959 -1960 , khi trường mở Đệ Nhị cấp và cơ sở dời về  đường Quang Trung ( bây giờ là trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ ) .. Đến  khi bị gọi nhập ngũ , tôi  mới nghỉ  dạy . Trình diện tại trại Nhập Ngũ số I , khám sức khỏe , rồi được Bộ Giáo Dục can thiệp cho học Quân Sự 9 tuần  về , định dạy lại nhưng sau xin thôi luôn . Tôi nhớ lớp Đệ Nhị B đầu tiên của trường Bồ Đề học ở phòng lớn nhất thuộc  tầng 2 , nhìn ra cổng trường , có các tường chắn xây bằng gạch tổ ong , gió thổi lùa qua  mát đến lạnh người , mỗi lần giảng bài phải hét thật to , kẻo tiếng nói bị gió thổi và tiếng xe chạy ngòai đường làm loãng đi . . Tôi nhớ lớp này cuối năm học có một vở Kịch rất hay : Trưng Trắc Trưng Nhị . Cô nữ sinh đóng vai Trưng Trắc đẹp mê hồn và ngâm thơ rất hay ..Vở kịch gây xúc động nhiều trong lòng học sinh lúc ấy . Tôi nhớ Hiệu Trưởng của trường là một vị Đại Đức ,  hiền từ  và rất đẹp trai : Đại Đức THÍCH MINH TUẤN.                                                              Trường tư thục PHAN THANH GIẢN là một trường có uy tín lớn  . Tôi vẫn tiếc  mình dạy ở trường này thời gian ít quá  , khoảng 3 tháng . Tôi nhớ năm học 1960-1961 ( hay 1959-1960 ? ), đảm nhiệm chức vụ giám học trường là anh TRƯƠNG HỒNG MINH , bạn thân của tôi hồi học KHẢI ĐỊNH -Huế . Anh bị gọi động viên , mời  tôi đến  dạy thay anh . Khi anh được hoãn dịch  trở về , tôi trả lớp cho anh , mặc dầu  anh yêu cầu  tôi

tiếp tục   . Thuở đó tôi dạy  tại nhiều trường nên bị kẹt Thời  khóa biểu  .Vả lại thuở trẻ tôi cũng ham chơi nữa .

            Tôi dạy tại Trường THÁNH TÂM  cũng được 5,6 niên khóa trước 1975 , do anh VĨNH LINH nhường lại  . Tôi được giao phụ trách môn Tóan tại lớp 12 . Tôi nhớ lớp học bao giờ cũng chỉ có 6 , 7 chị Nữ Tu , đạo đức , hiền từ , lễ phép , chăm chỉ rất mực  , lớp học luôn luôn  im lặng như tờ . Đến cuối tháng 3-1975 tôi mới nghỉ dạy tại đây .               Tôi dạy tại trường ÁNH SÁNG từ năm 1973 đến 1975 , một lớp 12 A , thưở chị NGUYỄN THỊ THANH làm Hiệu Trưởng và anh NGUYỄN CHÂU HÓA làm Giám Học

tr BLAISE PASCAL            Tôi dạy tại trường NGUYỄN HIỀN , hậu thân của BLAISE PASCAL niên học 1974-1975 . Năm đó , anh ĐẶNG NGỌC TUẤN ( trước là Giám Học PCT )mới từ Huế được cử vào phụ trách Giám học tại đây .Anh mời tôi đến dạy với tư cách giáo sư dạy giờ , TOÁN lớp 12 A. Tôi nhớ lớp chỉ  có khỏang 10 nữ sinh , em nào cũng hiền lành , thông minh , đẹp đẽ  , đài các . Hằng Nga , Kim Anh , Lan ,Lộc , Ngọc,  ………Lớp học nằm ở 1 phòng học riêng biệt , cheo leo ở lầu  2 dãy nhà mới , nhìn ra đường Quang Trung , con đường được học sinh hồi đó gọi là Đường Tình Sử .

            Tôi có dạy 1 thời gian tại trường THÀNH NHÂN của anh HỒ DUY TRINH , trường VINH SƠN của Linh Mục TRINH , trường Tây Hồ , Trung Tâm Báp Tít ,…..

            Tôi cũng có vào dạy tại trường TRẦN CAO VÂN , Tam kỳ , trên giấy tờ khỏang 3 tháng , nhưng trên thực tế khỏang 2 tuần . Tuy thời gian dạy tại đây không là bao, nhưng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp  với ngôi trường lắm nhân tài này .

            Năm tôi nghỉ hưu ,1998 , thành phố Đà Nẵng   được phép mở Tư Thục lại. Tôi được 2 trường Tư Thục mới mời dến dạy : trường Tư Thục DIÊN HỒNG và trường Tư thục HỒNG ĐỨC  . Dạy tại 2 trường này 4 năm thì tôi xin nghỉ hẳn , vào Sài Gòn lang thang  ……

           3. MỘT TRỜI KỶ NIỆM

            Trong suốt thời gian làm nghề thầy giáo , tôi chỉ miên man với chuyện dạy dỗ . Say sưa dạy . Miệt mài dạy . Đem tất cả tâm hồn mình đặt vào việc dạy , việc lên lớp .Lứa học trò này ra đi , lứa trẻ khác vào trường , lại đem lại  những say sưa mới , những thương yêu mới, những ngọt ngào mới . Không hề suy nghĩ tính toan gì khác . Một số bạn đồng nghiệp của tôi  xem trường lớp, xem việc dạy chỉ là nghề tay trái , công việc chính của họ  ở các lĩnh vực khác : chính trị ,buôn bán , kinh doanh , xây dựng , thầu khóan …..Tôi  thì không có một ham muốn nào khác ngòai việc dạy dỗ , gần gũi với học sinh  của mình . Không bon chen , không chạy vạy xuôi ngược . Dạy dỗ nhiệt tình . Có lẽ   tôi bất tài , nhu nhược , không dám dấn thân ! Đời sống chỉ bình thường thế thôi . Giàu cũng không giàu . Nghèo cũng không nghèo tí nào ! Tôi luôn luôn bằng lòng với những gì mình có , và cả những gì mình không thể có ! Hạnh phúc vô cùng là người bạn đời cuả  tôi cũng bắng  lòng như vậy , sống vô tư như vậy , không chấp nhất , không nề hà , không đòi hỏi  gì cả !

            Trong suốt 40 năm ở trường PCT , trong gần 50 năm làm thầy ở Đất Quảng , kiểm lại rất mừng thấy mình chưa phạm một điều gì sai trái lớn lao cả, chưa hề có hành động nào làm cắn rứt lương tâm ! Dạy dỗ hết lòng, luôn tận tâm tận lực. Không hạ mình , không  luồn cúi , không bợ đỡ , không bán rẻ lương tâm .Vui với cái vui của học trò, buồn với cái buồn của học trò. Luôn luôn xem nhà trường, lớp học là một cõi đi về của mình .Mặc dù nhiều lúc bị lãnh đạo đối xử bất công, chèn ép, nhưng  vẫn xem đó là cái giá phải trả , là tai nạn nghề nghiệp thôi! Một điều mà tôi vốn tâm nguyện phải giữ gìn là ông thầy luôn luôn phải công bằng với học sinh của mình , học trò giỏi , học trò yếu , học trò ngoan , học trò hư đều phải đối xử như nhau , không thiên vị , không ức hiếp ! Chuyện thi cử trúng tuyển vào lớp đầu cấp , vào đại học , những năm đầu sau 75 làm tôi nhiều khi bức xúc vô cùng !  Nhiều khi  chán nản định bỏ quách nghề dạy , tung hê tất cả , vào Sài Gòn tìm một công việc khác để sinh sống , nhưng cứ bước chân vào lớp học , nhìn nụ cười ngây thơ của học sinh mình ,nhìn những đôi mắt tha thiết chân tình ,  lại say sưa giảng dạy , giọng giảng bài lại sang sảng nhiệt tình ,lại đặt hết hồn mình , lòng mình vào bài dạy  , lại thành tâm thành trí đem sức mình cống hiến cho tuổi trẻ , cho học trò , quên hết mọi chuyện !

            Học sinh đã đem đến cho tôi cả một trời kỷ niệm đáng nhớ  ! Vui cũng có . Buồn  cũng có . Kỷ niệm nào cũng trân quý , kỷ niệm nào tôi cũng đều ôm ấp nâng niu cả ! Tôi kể ra đây vài kỷ niệm  ! Cho vui thôi !

1/Một chuyện tình học trò :                                                                                               Bước vào lớp học , bỏ cặp sách trên bàn , tôi vẫy tay ra dấu  cho học sinh ngồi xuống . Mắt bỗng bất chợt thấy , ở bàn đầu , em X.  nãy giờ cứ ngồi yên , không hề đứng dậy . Tôi định gọi em  khiển trách , nhưng nhìn vẻ mặt bơ phờ  ngơ ngác của em , tôi lại thôi . Suốt thời gian giảng bài , tôi chú ý thấy X.. khi thì vẹo người qua trái , khi đổ người qua phải , khi thì nằm úp mặt xuống vở . Em không hề ghi bài , cây viết tuy nằm trên tay nhưng nắp viết chưa hề được mở . Thấy tôi nhìn , Y. ngồi cạnh đưa tay hích X. , nhưng X. vẫn làm lơ . Mắt như lạc thần , tâm trí như để tận đâu đâu . Khi kết thúc bài giảng , tôi xoa hai tay vào với nhau để chùi bớt phấn , nỗi tức bực từ nãy giờ  cố kềm lại bỗng nở òa ra :

            -X. , đem vở ghi bài lên đây  !

Gọi lần một , lần hai , lần ba , X. vẫn như không nghe , lại còn nằm úp mặt nhòai  ra trên bàn , như giận , như lẫy ! .

Tôi đập bàn cái bốp , hét :

            -Đem vở học lên đây ! Mau lên ! Nghe không ? Đồ bướng !

X. chỉ nhích người đứng dậy một chút , nhưng rồi lại ngồi phịch xuống ngay . Em trưởng lớp , ngồi ở cuối phòng , đứng dậy đến bên X. , tay đẩy nhẹ X rồi lấy vở đem lên trình tôi . Tôi giật lấy cuốn vở , xé tọac  làm hai , vứt cái phựt ra ngòai cưa sổ .

            - Bộ nó không có chân không có tay sao mà em phải đem lên nộp thế ! ? Đi học chứ đâu phải đi làm bà hòang bà hậu đâu mà đỏng đa đỏng đảnh thế ?

Tôi tức bực ngóay hai con số 0 to tướng vào sổ điểm , rồi vùng vằng  bỏ ra khỏi lớp , đi đến phòng Hội Đồng Giáo sư  cạnh đó . Rót nước uống từng ngụm nóng nhỏ , tôi thấy cơn giận vẫn chưa nguôi ngoai . Nhìn ra cửa sổ phòng Hội Đồng , tôi thấy em trưởng lớp đang đi nhặt từng trang vở một của X . tôi đã xé , gom lại , vuốt thẳng , rồi sắp xếp ngay ngắn  , với một vẻ cam tâm chịu đựng . Tự nhiên thấy lòng mình lắng xuống ,một chút gì như hổ thẹn , như ăn năn thỏang đến . Tôi chợt thấy mình  còn thua xa học sinh của mình ! Sao nóng nảy thế ? Sao hồ đồ thế ? Sao mất bình tĩnh thế ! Không ra vẻ ông thầy gì cả  ! Thế mà cũng vênh vênh đi dạy ! Vị Tổng Giám Thị nghe lớp  ồn ào , rồi thấy tôi bỏ lớp đi ra , từ phòng mình đi vội lên , tay cầm cái roi mây vẩy vẩy . Anh hỏi tôi :

            -Chuyện gì vậy ? Đứa nào vậy ?

            -Không có gì .

Tôi trả lời rồi cúi đầu lặng lẻ đi về lớp dạy .

Cuối giờ dạy , em Y. , ngồi cạnh X. , lên nói khẻ vào tai tôi :

            -Bạn X. “bị “cái đó thầy ơi , nên không thể đứng lên đem vở  cho thầy được!        Tôi ngượng ngùng quá cho sự thiếu hiểu biết , thiếu nhạy cảm của mình quá . Từ lần đó , bao giờ muốn rầy la học sinh , tôi đều cố gắng kềm chế mình tối đa .

            Gần 10 năm sau , gặp lại học sinh cũ của lớp đó , các em cho biết em trưởng lớp  và X. bây giờ là vợ chồng của nhau và đã có một mặt con .Chúng còn châm biếm thêm :

            -Nhờ thầy  2 đứa yêu nhau đó , thầy ơi !

 

2/Một mùa xuân đặc biệt trong đời

            Vận mệnh đời sống của tôi , nhiều lần do học trò tạo ra . Học trò đã có mặt đúng khi đúng lúc, làm thay đổi cuộc đời của tôi . Nếu không gặp được học trò những lần như vậy, chắc chắn đời tôi đã rẽ qua một ngả khác . Không biết là xấu hơn hay tốt hơn .

            Năm ấy, 30 Tết tôi về thăm nhà ở Huế , ở Vỹ dạ. Định bụng ở lại ăn Tết với cha mẹ ngày mồng một, đến mồng hai mới vào lại Đà nẵng với vợ con. Đêm giao thừa đó ngủ chẳng được , pháo đâu thiên hạ đốt quá chừng. Cả tiếng súng nữa, liên tu bất tận  .Thao thức đến sáng. Ba tôi dậy sớm loay hoay chộn rộn sửa soạn về làng nội Dương Nỗ thăm mộ .Tôi vùng dậy, lang thang một mình lên phố khi trời còn chưa  hửng sáng. Qua Đập Đá . Qua cầu Trường Tiền còn mờ hơi sương, ghé quán cà phê XƯỚNG cạnh chân cầu, gần tiệm xe An Lợi .Ong tài xế quen, anh Minh, chạy chuyến đầu Xuân mở hàng, vui vẻ bảo : vào Đà Nẵng đi thầy, chiều ra lại với em ! Không lưỡng lự, hai tay không leo lên xe, tính tôi  hay lãng tử vặt như thế . Tình cờ ngồi cạnh Th. , một học sinh tôi  mới dạy cách đây 2 năm, đang học tại Đại học Huế. Thưa thầy . Xe chạy bon bon trong một sớm mùa xuân đẹp. Mọi nhà mọi người còn đang yên ngủ. Đến cầu Lăng cô, lính gác  chận lại, buộc quay về . Đang đánh nhau to trên đèo Hải vân, nhiều cầu đã bị mìn giựt sập, nhiều đoạn đường đang có giao tranh. Mọi người theo xe quay về Huế  hết .  Th. rủ : thầy và em đi bộ vào thầy, trở lại làm chi. Nhận lời liền không chút đắn đo . Hai thầy trò đi nép vào thành núi, tiến dần lên cao, nhiều lúc phải nằm mọp xuống các tảng đá ven núi, Mỹ đang pháo kích tưng bừng, đạn kêu chíu chíu trên đầu. Đi rồi dừng, dừng rồi đi. Càng lên cao ,sương càng đậm, hơi lạnh tê buốt xương .Một buổi sáng mùa xuân đặc biệt của đời ! Đến trưa, bụng đói, các hàng quán thường ngày ven các vách núi đều đóng cửa nghỉ đón xuân cả .Th.  lấy mấy cái bánh in mang theo trong người, hai thầy trò đứng dựa vào vách núi chia nhau ăn , vừa nhai vừa tâm sự. Lần đầu tiên đi bộ qua đèo Hải vân, tưởng là gần, thế mà đi từ mửng sáng đến tối mịt mới đến chân đèo bên kia . Qua đỉnh đèo, thấy xác lính du kích , lính quốc gia sắp nằm 2 hàng . Các lô cốt ngày thường kiên cố là thế, hồi khuya đã bị B40 cày tan nát . Đến bến xe Liên chiểu, hai thầy trò chia tay nhau, leo lên xe lam, ai về nhà nấy . Đó là cái Tết nhớ đời của tôi ! Nếu không nghe theo lời rủ của  Th . quay lại Huế thì tôi đi đong rồi ! Đêm mồng một Tết ấy, quê tôi  Vỹ Dạ tràn ngập quân  du kích , sau một thời gian chiếm đóng lâu dài phải rút đi, những trai tráng trong vùng đều bị dẫn đi cả. Biệt tích luôn. Sau này, trong một lần từ Huế vào thăm nhà, xe  Th. đi bị rớt xuống đèo, Th.  chết khi đang học năm 4 đại học, sắp ra trường . Lần đó , có cả Th., một cô học trò rất ngoan rất xinh học cùng lớp với  Th  , đi cùng chuyến xe với Th. , chết nữa . Nghe nói hai người đang yêu nhau , không biết phải không ! Sau này , mỗi lần đi qua đèo Hải Vân, tôi đều nhớ đến Th.

3/ Thưa Thầy Còn Nhớ Con Không.:

            Tôi xuống xe buýt từ đầu đường Nguyễn Tri Phương .Băng qua đường, đi lang thang dọc hè phố đường Trần quốc Toản ( nay là 3.2 ). Nhìn vào khuôn viên trường Quốc Gia Hành Chánh cũ, tự nhiên nhớ bạn bè chi lạ .Những đêm Sài Gòn trước đây tôi hay vào Ký Túc Xá ở đây để thăm bạn, những thằng bạn nuôi mộng ra trường sẽ làm to , ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ .Tỉnh trưởng , phó Tỉnh trưởng , Quận trưởng… Bây giờ tất cả chết chui chết dũi đâu cả rồi?! . Chỉ có tôi đang đi lang thang một mình ! Chiều thứ bảy người , xe đông đảo chi lạ . Dân Sài Gòn có cái quái  : khi nào cũng lăng xăng , vội vàng , tất bật , đi như không cần nhìn lui, chạy xe như bị ma đuổi . Tôi hoà mình vào dòng người xuôi ngược đó , không mục đích . Đến ngã tư Trần Quốc Toản-Lê Văn Duyệt , một người đàn bà từ  một quán bên đường đổ xô ra ,đâm sầm vào tôi . Tôi tròn mắt , định lên tiếng cự nự , nhưng ngừng kịp trước giọng hốt hoảng bàng hoàng của người đàn bà :

            -Thầy T. , phải thầy TĐT không  ?

Tôi chỉ kịp gật đầu xác nhận thì đã bị người đàn bà ôm chầm lấy , nức nở :                      -Thầy ơi ! Thầy có nhớ em không ? Em là X….. , trước học với thầy tại PCT , thầy vừa dạy Toán , vừa làm Giáo Sư Hướng Dẫn .Thầy ơi ! Bây giờ tóc thầy bạc phơ đến thế này sao ? Thầy còn dạy không? Học trò bây giờ thế nào ? Trường mình có gì thay đổi không ? Thầy Tr ., thầy Q. , cô L , cô Đ thế nào ? Thầy có hay gặp con L., con Y. , thằng B, thằng V. không ? Bọn nó có hay đến thăm thầy không ? Cây phượng bên góc sân còn không , cây xà cừ giữa sân có còn đó không ,…..…..Người đàn bà nói một thôi một hồi , như sợ ai cướp lời , như sợ không nói hết ý . Hai tay cứ nắm chặt tay tôi, đầu gục vào vai tôi , những giọt nước mắt chân thành nóng hổi làm đẩm ướt cả  áo . Mặc những người qua đường nhìn kinh ngạc , tò mò ,người học trò cứ thao thao bất tuyệt . Cảnh trường , cảnh lớp , thầy cô bạn bè của gần 40 năm trước được nhắc đến một cách thiết tha , sống động . Chiều đã tàn dần , thành phố đã vào đêm , đèn đường đèn các cửa hiệu đã bật sáng , nhưng hai thầy trò có biết gì đâu , cứ mãi say sưa với những kỷ niệm cũ của một thời thanh xuân xa lăn lắc  .Thật ra chỉ một mình người học trò nói , tôi chỉ lặng im nghe , im lặng nhìn , không dám động mạnh, sợ làm tan đi những mộng đẹp một thời của người học trò mà tôi chợt nhớ ngày xưa nỗi tiếng là đẹp. Bây giờ , da  sạm đen , tóc tai rối bời ,vẻ phong trần dày dạn trên khuôn mặt đã về chiều , nếu không được giới thiệu tôi đâu có nhận ra được . Đường sá đã thưa thớt xe cộ . Gió thổi rung những cây cổ thụ bên đường .làm những chiếc lá nhỏ rụng bay bay , rơi đầy trên tóc , trên vai hai thầy trò , rơi đầy huyền ảo trong đôi mắt  ngấn lệ. Chào ra về , đi một quảng xa ,tôi mới chợt nhớ quên chưa hỏi ngừời học trò bây giờ làm gì , ở đâu , đã có chồng con chưa….. Đêm ấy thao thức mãi chẳng ngủ được. Tiếng gọi Thầy ơi” như nức nở như ngậm ngùi vẫn còn thoang thoáng bên tai. Tôi vùng dậy, viết một mạch bài thơ : THƯA THẦY CÒN NHỚ CON KHÔNG ? Đọc đi đọc lại , lòng cứ bâng khuâng xao xuyến 

 

            …….Thưa thầy còn nhớ con không ?

 

Chiều hôm nay ở giữa phố đông

Có hai thầy trò ôm nhau mừng mừng tủi tủi

Tóc thầy trò cả hai đều bạc

Trong tao phùng chợt thấy thanh xuân

Giữa phố người qua kẻ lại chen chân

Em đưa tôi về ngôi trường mái ấm………                                                          

 

4/ Chuyện Một Người Học Trò Con Gái                                                                       Tôi không nhớ rõ đó là vào năm 1976 hay 1977  . Đứng dạy trong lớp ,  phòng học thuộc tầng trệt nhìn ra đường Lê Lợi , tôi hay thấy có một cô nữ sinh  lấp ló bên cổng , đi qua đi lại , ngập ngừng như muốn vào trường rồi lại thôi , rồi cúi đầu đi thẳng . . Dáng cao cao , ốm nhom ốm nhách , chiếc áo trắng đơn sơ  , xơ xác , luộm thuộm . Khuôn mặt xương xương , đôi mắt xa vắng , đôi tay đôi chân dài khẳng khiu , tóc kẹp thả dài sau lưng . Rồi một hôm ,cô gái như bạo dạn hẳn lên , đi nhanh vào cánh cổng nhỏ luôn luôn được mở rộng của trường . Đứng vin tay vào cây xà cừ này một chút , lại đến tựa vào cây xà cừ khác . Có lần tôi thấy cô gục mặt vào tượng cụ Phan , thầm thì  gì đó . Lang thang lẩn thẩn  bậc thềm này , gốc cây nọ hoài như vậy . Như một bóng ma , như  luyến lưu , như bịn rịn . Từ bục giảng , tôi bước vội ra hành lang . Tôi đã nhận ra  học trò cũ của mình ngày nào : Nguyễn thị X. A ,học rất giỏi , rất hiền từ , rất lễ phép , rất chịu khó và hay đau ốm  . Thấy  tôi ra đứng bên hành lang , cô học trò ngẩng lẽn nhìn ,rồi hấp tấp cúi mặt , hình như muốn chạy tới , nhưng hình như cũng muốn chạy lui . Bỗng cô hấp tấp chen mình ra khỏi cổng , thất thểu đi thẳng . Sáng hôm sau , tôi vẫn dạy ở lớp đó . Mãi say sưa với bài giảng của mình , bỗng nghe tiếng “ lóc cóc “ gõ cửa . Tôi nhìn ra : cô học trò cũ đứng bên cửa lớp từ lúc nào , đang nhìn tôi trìu mến . Vẫn chiếc áo trắng gầy mong manh , xơ xác , khuôn mặt bơ phờ , nước da xanh tái , vẫn lọn tóc buộc kẹp  thả dài sau lưng mảnh khảnh . . Cô học trò cúi đầu chào tôi : Em chào thầy . Thầy mạnh khỏe không ? Tôi chưa có phản ứng gì cả thì cô học trò đã xông vào lớp , ôm lấy đôi vai tôi , rồi quay về phía học trò , dõng dạc : “Thầy cũ của Chị đây. Thầy dạy chị năm Đệ Nhị B , cách đây 10 năm rồi đó . Các em có phúc lắm mới được học thầy hôm nay( Xin được ghi nguyên văn câu nói của cô học trò ) . Nói chưa xong , cô học trò đã nghẹn ngào nức nở . Hai hàng nước mắt chảy tràn lan , ướt nhoè 2 gò má nhô cao , xương xẩu . Tôi cầm đôi tay cô học trò cũ , bóp chặc  như an ủi , như chia sẻ , cảm thông . Tôi thấy người cô học trò cứ run  lên , nghẹn ngào , xúc động . Tôi cầm tay cô dẫn dần ra phía hành lang , không muốn để cô xúc động quá trớn trước mặt những học trò mới . Tôi hỏi :

- Bây giờ em làm gì ? Học Đại học ngành nào ? Đã tốt nghiệp chưa ?

Không nói gì cả , cô học trò chỉ nhìn tôi , lắc đầu .

            -Em tưởng thầy đi đâu rồi , thế mà thầy vẫn ở đây . Thầy gắng giữ gìn sức khoẻ thầy nghe .

            Đưa tay gạt vội 2 dòng nước mắt  lần nữa  đang lăn tròn trên má , cô học trò cúi đầu chào tôi , bước vội xuống tầng cấp , ngang qua  sân trường , băng mình ra khỏi cổng . Tôi định  gọi lại , nhưng chợt nghĩ  : thôi để xúc động của người học trò qua đi . Gặp lần sau sẽ hay. Vào lại bên bục giảng , tâm hồn tôi cứ phiêu bạt đâu đâu , không làm sao tập trung lại được với bài giảng . Tôi ra cho lớp một bài toán nhỏ , bảo ngồi soạn , rồi miên man suy nghĩ . Tôi nhớ cô  học trò này  trước làm trưởng lớp , lớp phần nhiều là nữ sinh, tôi còn nhớ họ tên nhiều em lớp này :Đoàn thị Đ. , Lê thị Th. S. , Trịnh thị Q.,  Ngô thị Ph. H., Trần thị Th., Nguyễn thị H., Lê thị C. L. , Lâm thị V. , Hồ thị T.H. , Nguyễn thị M.N. , Phạm thị Y. , ……. X.  học giỏi lắm , giỏi lắm , mấy lần tôi đã phê điểm Toán 20 ,  giao làm “ sơ mi “ những Kỳ thi Lục Cá Nguyệt , đã một lần cuối năm được trường trao “Phần thưởng của Tổng Thống “ . Con nhà gia giáo , sống rất bình dị , đạm bạc . Sức khoẻ yếu . Tôi chợt nhớ cách đây mấy năm , một người học trò đến thăm có báo với tôi : NTX bỏ học rồi , hình như học quá nên thành điên , bây giờ cả ngày chỉ đi lang thang thơ thẩn….Tôi nhớ lòng định nhờ chở đi tìm thăm  X nhưng bận bịu  lung tung rồi thôi . Bây giờ tình cờ gặp X đó , bao nhiêu hình ảnh cũ hiện về  , ngậm ngùi , thao thức …..

            Kể từ hôm đó , tôi cứ mong ngóng X một lần trở lại thăm trường như hôm nào , nhưng không bao giờ X trở lại nữa . X đi biệt , hiện ra một thoáng rồi như tan biến mù tăm . Thời gian sau , tôi được tin X chết rồi , chết trong một nhà thương điên nhỏ tại Nha Trang (?) .

            Hình ảnh X với hai hàng nước mắt dầm dề , cầm tay tôi , đứng trước lớp , giới thiệu : “thầy của Chị đây “,vẫn còn mãi mãi trước mắt tôi,trong hồn tôi !

 

            5/Một lần nóng tính

            Tôi đến dạy đây năm 21 tuồi, cái tuổi chưa đủ chửng chạc để làm một ông thầy của các lớp Đệ nhị cấp, học giỏi, năng động, đầy tài trí , thông minh.Tôi cũng biết mình còn quá trẻ để làm thầy, vì vậy thuở mới đi dạy, nhiều khi làm mặt nghiêm, ra vẻ quan trọng, làm bộ làm tịch để chứng tỏ vai thế của mình , để che lấp những non nớt của mình trước mắt đám học trò luôn luôn rình rập để phê phán. Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn coi trọng đám học sinh của mình, luôn luôn muốn hoà đồng với các em, muốn cùng các em chia sẻ vui buồn của cuộc sống .Học sinh giỏi, học sinh kém, học sinh ngoan, học sinh bướng bỉnh , tất cả tôi đều thương yêu như nhau, đều có hình ảnh bình đẳng trong lòng tôi . Kinh nghiệm cho tôi biết là những em hoang nghịch, những em cá biệt lại là những học sinh có tình cảm đong đầy nhất , là những học sinh  nhớ thầy cô của mình một cách dai dẳng  nhất .Có nhiều em để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Thưở trai trẻ tôi  cũng có những chướng tính kỳ quặc, hồ đồ, bất công, tôi  không hiểu sao các em lại chịu đựng được,không lần phản ứng .Có lần, không kềm chế được sự nóng nảy của mình ,tôi  đã bạt tai một em học sinh nghịch ngợm, em Ph. , lấy phấn ném lên người bạn đang làm bài trên bảng, có tôi  đứng cạnh .Cái bạt tai hình như quá mạnh, tôi  thấy Ph. lặng đi, choáng váng .Niềm hối hận chợt tràn ngập trong lòng ! Tôi lẳng lặng ra hành lang đứng cho tâm hồn yên tỉnh trở lại .Thú thật tôi muốn quay vào lớp để ôm Ph. trong tay, để xin lỗi Ph. Nỗi tự ái níu chân lại đó thôi .Đêm về, tôi  cứ lo nghĩ không biết Ph. thế nào, có ảnh hưởng đến sức khoẻ gì không, có học hành được không, hết choáng váng chưa ? Các ngày kế đó, mặc dù không có giờ dạy, tôi cũng đi ngang lớp, nhìn thoáng qua chỗ Ph. ngồi, thấy Ph. đang đùa giỡn nói cười với bạn bè tôi mới yên tâm .

            6/Mê Thi Đại Học

            Một lần tôi dạy tại một lớp 12 nổi tiếng học yếu. Chiều ấy , tôi giảng phương pháp tìm giao điểm của hai đồ thị. Thí dụ 1, thí dụ 2, rồi thí dụ 3. Nói khô cả cổ nhưng vẫn thấy học sinh mình không nắm được vấn đề bao nhiêu  cả. Đang bực mình, nhìn xuống cuối lớp, thấy Tr. , một học sinh nhác nhất lớp, kém nhất lớp, đang say sưa đọc gì đó dấu dưới hộc bàn , đôi mắt sáng long lanh, miệng  cười chúm chím thích thú . Tôi vứt phấn , lặng lẻ đi xuống đứng bên Tr. Cả lớp bỗng im lặng, 50 cặp mắt nhìn theo, hồi hộp. Tr. đang đọc “ Hướng Dẫn  Dự Thi Đại Học “ ! Tôi bỗng nỗi đoá lên, giật lấy cuốn sách ,  định la hét, định mắng mỏ, định đay nghiến : “ Tướng em đậu Tốt nghiệp đã được chưa mà mơ chuyện thi Đại học ? Học như mèo cào chó cắn mà cũng mong Đại học !Không biết xấu ! Không biết thẹn ! Đồ ngu như bò ! .May sao tôi kìm lại được ! Lời chưa thoát ra khỏi miệng đã tan biến .Nhìn hai má Tr.  ửng hồng lên, nhìn vẻ thẹn thẹn, chịu đựng của cô học trò nhỏ lòng tôi  bỗng dưng se lại .Tại sao mình lại cấm học sinh của mình mơ ước ? Đậu vào Đại học bây giờ là niềm mơ ước của tất cả tuổi trẻ, của tất cả ai đang ngồi học tại trường phổ thông .Ước mơ đó là niềm hạnh phúc, là đam mê, là khát khao, là hoài vọng tột cùng. Hãy để các em mơ ước.Đâu phải ước mơ nào cũng thực hiện được cả đâu? Nhưng mơ ước nào lại không đẹp ! Lòng tôi  bỗng dưng dịu lại , tự dưng thấy ân hận như mình đã phạm một lỗi lầm gì đó. Kinh nghiệm nóng tính lần này làm thầy luôn giữ mình điềm tĩnh .

 

            Kỷ niệm về một đời dạy học tại Đất Quảng của tôi  còn nhiều , nhiều lắm . Nhưng thôi !

 

 

4/BỎ TRƯỜNG MÀ ĐI

Ngày  nghỉ hưu , một chiều buồn , tôi lang thang đến thăm trường PCT .Ngồi trên chiếc ghế dài học sinh kê cạnh Phòng Hội Đồng Giáo Sư , nhìn sân trường nhạt nắng , nhìn hàng cây rụng lá , nghe thoảng thoảng tiếng giảng bài từ các phòng học kề bên ,bỗng thấy cả một đời làm thầy của mình tại đất Quảng thoáng qua trước mặt như một giấc mộng , giấc mộng xa vời  ! Một giấc mộng đẹp nhưng buồn hiu hắt ! Tôi đã sáng tác một mạch bài thơ BỎ TRƯỜNG MÀ ĐI , ngậm ngùi , tha thiết:

 

BỎ TRƯỜNG MÀ ĐI

             

Ta đến khi tóc xanh
Ta về khi tóc bạc
Này , mai trên trường xưa
Có một người thiếu mặt !

Ta đến hồn như trăng
Ta về lòng như suối
Cây sao già trên sân
Ngươi thua ta một tuổi !

Bước đi trên hành lang
Bước đi trong lớp học
Cọng lại bằng con đường
Nối vòng quanh trái đất


Ta đã nói triệu lời
Ta đã viết triệu câu
Bóng hình ta khắp nơi
Từng góc tường đóng bụi !

Ta lặng lẽ âm thầm
Bốn mươi năm cửa lớp
Còn gì cho ta đây
Những ngày dài cỏ mục ?

Tiễn ta về hôm nay
Hàng cây xanh cúi mặt
Gốc phượng hồng ngẩn ngơ
Học trò thì đâu mất !

Ơi tượng đồng lặng câm
Người có buồn khi mất
Một hình bóng thiết thân

Vẫn bên người son sắt!

Ơi phấn trắng bảng đen
Thôi cũng đành vĩnh biệt
Rồi năm tháng cuối đời
Chắc nhớ ngươi tha thiết !

Mai có ai khóc ta
Khi về thăm trường cũ
Cứ nhìn mây lưng trời
Lắng tai nghe gió thổi

Ta đến khi tóc xanh
Ta về tóc đã bạc !
Đóa hồng nào cho ta
Sao đóa hồng tím ngắt!

                        TRẦN HOAN TRINH

 

 (trích  Hồi ký: Một Đời Thầy Một Đời Thơ )

 

TRẦN HOAN TRINH

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org