Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

ĐÊM THƠ NHẠC:

TÍNH LÃNG MẠN VÀ TÌNH YÊU NƯỚC

 

    Theo kiểu nói của dân gian: người lãng mạn là người có nhiều cuộc phiêu lưu ái tình, nhiều ngọt bùi cay đắng trên tình trường. Tuy nhiên, trong cội nguồn của chữ nghĩa, hai chữ lãng mạn có nội dung phong phú hơn nhiều. Lãng là ngọn sóng, mạn là hông thuyền. Bức tranh ngọn sóng đánh vào hông thuyền là sự diễn ý rằng: sóng đánh vào hông thuyền, sóng đánh bất tận, đánh nhiều điểm khác nhau, nhiều cường độ khác nhau…Giao thoa giữa lãng và mạn, giữa sóng và hông thuyền chẳng khác nào giao thoa tình cảm dạt dào và uyển chuyển giữa người với người và giữa người với vạn vật.

    Thọat sinh ra, con người yêu Mẹ, yêu Cha; lớn dần, yêu anh-chị-em, yêu gia đình, yêu xóm làng, yêu thầy, yêu bạn, yêu người khác phái, yêu thân phận Con Người, yêu bờ lau, khóm trúc, yêu chiều thu hiu hắt, yêu sáng xuân rực rỡ… Yêu thương là trao tặng, là phục vụ, là không mong chờ một đền đáp. Tất cả hình thái tình cảm đa dạng kia gọi chung là lãng mạn. Lên tới tinh hoa của lãng mạn, lãng mạn được nhân rộng ra, được cất cánh bay cao để nở rộ thành tình yêu Tổ Quốc, tình yêu Loài Người. Nói rõ hơn, lãng mạn là xuất phát điểm tâm lý của tình yêu nước, tình nhân loại. Bài viết này có nội dung giới hạn trong sự luận bàn về mối liên hệ biện chứng giữa tính lãng mạn và tình yêu nước.

    Các trình bày vừa kể cho thấy: không nhiều thì ít mọi người đều mang căn gốc lãng mạng trong sinh hoạt tình cảm. Mặt khác, môi trường xã hội, tập quán gia đình, những chìm nổi trong đời sống riêng tư,  sự cách biệt về trình độ văn hóa là  các yếu tố làm cho mức độ lãng mạn của người này khác với kẻ kia. Lòng yêu nước biến thiên theo tính lãng mạn. Lòng yêu nước sẽ nghèo nàn nếu tính lãng mạn bị nhìn cục bộ, bị hiểu lầm và miệt thị. Muốn phát triển lòng yêu nước, việc làm tiên khởi là con người phải thay đổi nhận thức về tính lãng mạn, phải thấy rõ mối liên hệ cơ cấu giữa lãng mạn và yêu nước, phải tạo điều kiện cho dòng đời lãng mạn được hướng thượng và thăng hoa. Đó là lý do giải thích tai sao ngày văn hóa Phan Châu Trinh 2010, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh/Đà Nẵng tổ chức Đêm Thơ Nhạc với chủ đề “Tính Lãng Mạn và Tình Yêu Nước” .

    Bây giờ, hãy nói về lòng yêu nước và hiện tình của Quê-Hương-Việt-Nam. Như mọi người đã biết, những năm gần đây, Việt Nam ngày càng bị áp lực nặng nề của các loại ngoại xâm: ngoại xâm trên nhiều trận địa khác nhau từ Bắc Kinh, ngoại xâm kinh-tế-tài-chánh từ các thế lực tư bản quốc tế. Nội lực dân tộc là vũ khí hàng đầu giúp quốc gia chặn đứng họa ngoại xâm. Lòng yêu nước là xương sống của nội lực dân tộc. Nhóm chữ “lòng yêu nước” gợi nhớ thuật ngữ “Dân Khí” của nhà tư tưởng Phan Châu Trinh. Dân khí là khí phách làm dân, nhất là làm dân trong tình huống đất nước bị xâm lăng. Khí phách làm dân kia chẳng là gì khác hơn là hành động dùng chính nhiệt huyết TIÊN RỒNG để viết lên lãnh thổ Việt Nam, viết lên trời Việt Nam, biển-đảo Việt Nam lời nguyền quyết tâm bảo vệ non sông! Như vậy yêu nước đồng nghĩa với dân khí. Học hiểu và phát huy lòng yêu nước chính là biến Tư Tưởng Dân Khí  của nhà ái quốc Phan Châu Trinh thành hành động sống cụ thể của Con-Người-Việt-Nam.

Tóm lại, bài diễn từ dành cho ngày văn hóa Phan Châu Trinh 2010 nhằm ba mục tiêu:

    Một là trình bày mối tương quan cơ cấu giữa tính lãng mạn và tình yêu nước.

    Hai là chứng minh tình yêu nước đồng nghĩa với tư tưởng dân khí của nhà ái quốc Phan Châu Trinh. Bài thơ “Đập Đá Côn Lôn” của tác giả Phan Tây Hồ là một vòng hoa Dân Khí điển hình.

    Ba là tha thiết kêu goi mọi người Việt Nam hãy biến tư tưởng dân khí thành hành động cụ thể cứu nước. Nhạc phẩm “ Đường Chúng Ta Đi” của nhạc sĩ cựu HS/PCT Nhật Ngân đã vẽ ra con đường nào là đường cứu nước.

    Kính chúc quý quan khách, quý Hiệu Trưởng, quý giáo chức, quý bạn cựu học sinh Phan Châu Trinh/Đà Nẵng một đêm thơ nhạc:

      Thân ái trong tình thầy trò, nghĩa bằng hữu.

      Thiết tha trong những suy tưởng về triển vọng đoàn kết chống Bắc xâm của Dân Tộc Việt Nam .

      Trân trong kính chào tất cả quý vị.

 

Đỗ Thái Nhiên

( Hội Trưởng HAHCHSPCTDN)

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org