Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

                                    HAI NGƯỜI BẠN

                              Nguyên Quý Đại

                       

Chúng tôi sinh trưởng tại Hội An, kỷ niệm thời thơ ấu thường rủ nhau rong chơi khắp phố phường, có thể thuộc lòng từng con đường, ngõ hẻm,dọc theo bờ tường là những cánh hoa đủ màu khoe sắc thắm thơ mộng cheo leo, lóng lánh dưới ánh sáng ban mai còn đọng những giọt sương. Trong những đêm trăng sáng trên những mái ngói âm dương rêu phong ấp ủ dịu dàng. Hội An thành phố cổ, hơn 400 năm trầm mặc bên dòng sông Hoài xanh biếc.

 

Cuối thế kỷ thứ 16 Hội An đã trở thành trung tâm thương mãi lớn nhất  xứ Đàng Trong. Giáo sĩ Buzomi (1576-1639) năm 1615 đến Hội An và nhiều Giáo sĩ Thiên chúa giáo tới truyền đạo, liên quan tới việc sáng chế ra chữ Quốc Ngữ như Giáo sĩ người Bồ Đào Nha Francesco de Pina (1585-1625), cha Đắc Lộ dòng Tên Alexandre de Rhode(1591-1660). Ông đến truyền giáo ở Đàng Trong năm 1625 thời Chúa Nguyễn Phúc Ánh (1563-1635) và Đàng Ngoài năm 1625 thời chúa Trịnh Tráng (1577-1657). Thời gian Alexandre de Rhode giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các cha thừa sai dòng Tên truyền đạo từ Nam ra Bắc.…Dù Hội An tiếp xúc với văn minh thế giới (Pháp, Hòa Lan, Ý, Bồ Đào Nha, Nhật ..) nhưng Hội An có rất nhiều Chùa, cũng như đình làng cổ kính, và chỉ có một nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, một Hội Thánh tin Lành và  Thánh Thất Cao Đài.

 

  Đường phố vắng xe, nên chúng tôi không sợ tai nạn, hai bên đường hàng phượng vĩ đỏ rực với tiếng ve sầu, thỉnh thoảng nghe tiếng rao bán cà rem, chè đậu ván, còn có tiếng rao lạ tai “ai ngầu mạc nạm không“ của chú Ba người Hoa bán thịt heo quay...Sáng tinh sương mặt trời chưa thức giấc đã nghe tiếng gõ trên sông Hoài của những người đánh cá, tiếng rao bán bánh mì, đậu hũ, rau sống, hến luộc ăn với bánh tráng nướng.. Sinh hoạt của thành phố không ồn ào, thời chiến tranh quân đội Đồng Minh đóng xa thành phố, thỉnh thoảng vài xe Jeep của sĩ quan Đại Hàn, người Mỹ làm việc dân chính dạy tiếng Anh.. và một số bác sĩ, y tá người Đức làm việc tại bệnh viện Hội An.

 

 Lịch sử vang bóng một thời của Hội An đi vào qúa khứ, nơi đây là thành phố buồn yên lặng, không có rạp Ciné, không Hotel, chỉ có những quán ăn nhỏ Cao lầu, mì Quảng, bún, cơm..Dân số không đông, giọng nói cũng nhẹ nhàng hơn các nơi khác của Quảng Nam, thành phố nhỏ nên người ta thường nói „thượng Chùa Cầu hạ Âm Bổn“ ý nói sự hạn hẹp của một khu vực,  hòa đồng cuộc sống, việc gì xảy ra bà con ai cũng biết, cặp tình nhân yêu nhau cả thành phố đều biết, nên đã yêu nhau thì thường tới việc hôn nhân. Từ thế kỷ 20  Đà Nẵng lớn nhất của miền Trung phát triển trên mọi bình diện như: văn hoá, thương mãi, ngoại giao…

 

Hội An bị lãng quên theo thời gian! Nhưng có một điều Hội An chính là hình bóng ghi sâu vào ký ức, một quá khứ sinh động trong đời sống tinh thần hài hoà của người dân Quảng Nam, dù ngày nay tôi sống cuộc đời viễn xứ nhưng kỷ niệm của tuổi thơ bao giờ cũng đẹp. Sau 30/4/75 tôi và Hải vừa tròn 8 tuổi, chúng tôi phải rời Hội An trong hoàn cảnh khác nhau

 

Đầu tháng ba năm 1975 cuộc chiến các tỉnh miền trung khốc liệt, các quận của Quảng Nam đều di tản về Đà Nẵng: Tam Kỳ, vĩnh Điện bị bộ đội CS chiếm có cả xe T54 hộ tống..Hội An còn yên tĩnh, nhưng bị cô lập không thể đi Đà Nẵng bằng đường bộ!  Gia đình Hải ở khu gia binh, Ba của Hải chỉ huy chiến đấu ở tuyến đầu nên gia đình không thể bỏ đi. Gia đình tôi chạy xuống cửa Đại, mướn ghe đánh cá đưa ra tàu Hải Quân lênh đênh trên biển, làn sóng người dùng đủ các phương tiện ra tàu Hải quân để hy vọng vào Sài Gòn, khi nghe tin TT Thiệu ra lệnh bỏ Đà Nẵng ngày 29.3.1975 di tản chiến thuật. Cảnh di tản thật đau thương, Người chết, bị thương vô kể, vì bị đạn pháo kích của bộ đội CS. Máu người đổ ra đã đổi màu cát trắng của biển thành đỏ sậm tang thương!....

 

Đến Sài Gòn, gia đình tôi ở tạm với gia đình người họ hàng, dù không được thỏa mái, nhưng tạm ổn định vui mừng gia đình thoát nạn CS. Niềm vui chưa trọn vẹn thì Sài Gòn cùng chung số phận. Sau khi TT Dương Văn Minh kêu gọi Quân đội VNCH ngưng chiến đấu…Những thay đổi của Sài Gòn và miền Nam chúng ta đã trải qua dưới chế độ CS. Tưởng không nên nhắc lại những đau thương 34 năm chưa dể lãng quên. Gia đình tôi không về lại Hội An, vì nghe tin Cư xá công chức sau chùa Viên Giác, ba mẹ tôi mua đã bị cán bộ CS chiếm không còn tổ ấm để trở về, Ở Sài gòn thì không có tờ khai gia đình «hộ khẩu » lương thực mua theo tem phiếu. May mắn ba tôi không phải bị tập trung cải tạo, vì làm giáo chức, được hoãn dịch gia cảnh không  động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức như những đồng nghiệp khác bị tập trung cải tạo…Ba mẹ tôi không được phép tiếp tục dạy học, nên gia đình tôi đến ngã ba Ông Đồn mua vườn lập nghiệp. Cuộc đời tuổi thơ của chúng tôi thay đổi 180 độ, thật vất vả thiếu ăn, thiếu bút vở để đi học. Ở trường học sinh phải tập lao động, đi thu lượm rác để chính phủ bán làm con tàu Thống nhất   vv…

 

Ba mẹ tôi quyết định phải vượt biển tìm tự do. Ghe ra khơi nhiều ngày thiếu lương thực, nước uống..may mắn được tàu Cap Anamur vớt trước cơn bão lớn có thể nhận chìm ghe chúng tôi xuống lòng đại dương. Nên nhớ mãi con tàu «the ship, which we never forgot ». Chúng tôi tạm vào trại ở Singapur và sau đó định cư tại Bayern. Mỗi gia đình bắt đầu làm lại cuộc đời mới. Gia đinh tôi, sau khi học xong tiếng Đức, Ba mẹ tôi lớn tuổi dù tốt nghiệp Đại học VIệt Nam, ở Đức bằng Việt Nam không được công nhận như ở Mỹ, nên phải đi làm, cuối tuần học thêm một ngành làm gương cho các con và  xây dựng sự nghiệp. Lúc nào ba mẹ chúng tôi cũng nhắc nhở các con phải học cho có điạ vị như người bản xứ, để chứng minh chúng ta đến Đức hội nhập tốt. Nhưng các con đừng quên ngoài bằng cấp đạt được, các con cần phải học làm NGƯỜI tốt, phải tự thắng mình, khiêm tốn bao giờ cũng được mến chuộng, hoà nhã với mọi người, có cuộc sống yên vui là nhờ ở tâm thiện không gây thù kết oán. Tính tốt nơi con người rất hiếm, trái lại  tính hư tật xấu nhiều: kiêu căng, oán giận, tham tiền, háo danh… đem cái tôi đáng ghét của mình để khoe khoang, sẽ thất bại ngay trong cuộc sống dù bất cứ ở đâu trên trái đất nầy…

 

Chúng tôi nhận nước Đức làm quê hương thứ 2, sống phải hội nhập, hướng thượng, thăng hoa, để tự hào là nguồn gốc dòng giống Lạc Hồng, có lịch sử kiêu hùng chống ngoại xâm phương Bắc giữ vững bờ cõi từ Ải Nam Quan tới tận mũi Cà Mau. Thế hệ trẻ Việt Nam thành công ở các trường Trung và Đại học, làm cho những người ngọai quốc khác phải kính nể truyền thống giáo dục của gia đình người Việt Nam. Người Đức cũng có thiện cảm hơn đối với người Việt Nam: „Tỷ số học sinh gốc Việt  lấy bằng tú tài cao hơn tỷ số học sinh Đức. Nếu so với nhóm dân gốc Ý hay Thổ thì tỷ lệ cao gấp 5 lần“ theo tờ Die Zeit số 5, ngày 22.1.2009. Hơn 80.000 người là thuyền nhân, tường nhân đã có đời sống tốt đẹp, con cái siêng năng, học giỏi có những thành tích lẫy lừng. Nhưng trong tập hợp xã hội chắc chắn không tránh được trường hợp «con sâu làm rầu nồi canh»

 

Gần 30 năm nơi xứ người, chúng ta có nhiều kỷ niệm vui buồn, Tôi vẫn nhớ đến Hải, người bạn thời thơ ấu, mỗi người một phương trời, không liên lạc được. Cuối năm qua bỗng dưng tôi nhận mail qua địa chỉ một tờ báo, tòa soạn chuyển với lời nhắn: «hy vọng tìm lại bạn xưa, nếu có sự trùng hợp tên thì xin bỏ qua“.

 

-Nhớ về quê hương thời thơ ấu, dưới mái trường xưa con đường ngập lá vàng rơi , nhớ chúng mình một thời rong chơi.. Cuộc đời đổi thay chúng ta mỗi người mỗi ngã  đối với Sơn đời sống thế nào? Còn đối với tôi quê hương là những ngày khổ cực, tuổi thơ đã mất tự bao giờ!. Sau 30.4.1975, gia đình tôi bị đuổi ra khỏi khu gia binh, thân phụ bị bắt tập trung cải tạo ở Tiên Lãnh. Gia đình phải rời Hội An đi vùng kinh tế mới, từng đoàn người nối đuôi nhau, tay bồng vai gánh …hơn một ngày đi bộ, cuối cùng đến khu đất hoang vắng và điêu tàn của quận Quế Sơn, không một cây cao, không một bóng mát, chỉ toàn là cỏ tranh với mấy bụi chà là… Thanh niên ở các vùng như Hương An, Bà Rén đều buộc lên đây để khai hoang, xăm tìm mìn, bom đạn còn sót lại, giúp đỡ cho bà con làm ruộng vườn cho kịp thời vụ. Ban ngày thì từng đoàn thanh niên chia nhau ra các cánh đồng để vỡ ruộng, tối  trăng vừa nhô lên khỏi ngọn tre, họ phải họp hội, phê bình học tập chính trị tới nửa đêm... Tôi là chứng nhân của lịch sử ghi nhận lại những hành vi trả thù đê tiện của cán bộ, du kích, tên xã đội trưởng, bắt anh cựu lính nghĩa quân, leo lên bụi tre để chặt tre chẻ lạt, cây tre chưa rớt xuống đất, nhưng nó nắm ngọn tre giật mạnh, làm nửa cây tre bật ra đâm vào bụng anh kia, máu chảy quá nhiều, rồi nó vác cái thang đi chỗ khác, miệng nó bảo: „mầy nhảy xuống đi, mày không dám nhảy sao mày dám đi lính cho ngụy?“ Tôi thấy tội nghiệp cho anh ta nên đi lấy cây tre có nhiều mắt dựng lên để cho anh kia bò xuống …đó chỉ là một trong số nhiều hành động trả thù ở đây tôi tận mắt chứng kiến. Cán bộ CS đức ít mà hưởng nhiều quyền lợi, tài  trí kém mà địa vị cao, công nhỏ nhưng bổng lộc lớn, đó là cái lý của kẻ chiến thắng. Kiến thức kém, thiếu học, nên thời đó cuối tuần tôi phải dạy bình dân học vụ cho họ. Đối với những người đã hy sinh trong cuộc chiến là „liệt sĩ“ nhà nước buộc nhân dân đóng tiền xây đài tưởng niệm, tìm hài cốt để lập nghiã trang…nghiã trang được làm, có mộ bia nhưng không có hài cốt phiá dưới. Những người hy sinh cho lý tưởng CS, rồi bị phản bội hài cốt bỏ quên..  nên việc cán bộ lấy tiền của người nghèo không có gì mới lạ ở Việt Nam

Trong những năm 75&76 vào những ngày giáp hạt (là những ngày cuối vụ mùa, khi lúa trong nhà thì hết, lúa ngoài đồng thì chưa chín kịp, những ngày này trong gia đình tôi không còn gạo để ăn. Cả nhà phải ăn khoai lang để trừ bữa. Lúc bây giờ tôi và các bạn học cứ mỗi tuần phải ở lại trường một buổi để lao động, những ngày đó tôi thường đem theo vài củ khoai lang để ăn trưa. Nhưng sợ xấu hổ với bạn bè, nên đành ăn lén ở dọc đường. Gia người bạn học, hiểu được hoàn cảnh như vậy nên cứ mỗi lần ở lại trường lao động, Gia thường chia cho tôi nửa cục cơm nguội ăn với muối mè mặn chát…

 

Mùa hè năm 1980, ruộng đất bị quốc doanh cho Hợp Tác Xã nông nghiệp, chỉ còn lại miếng đất vườn thổ cư, để chăn nuôi gà vịt. HTX nông nghiệp nông dân làm ruộng mổi ngày chỉ được tính bằng điểm, rồi cuối vụ mùa, qui ra thành lúa. Đời sống nông thôn ở Quảng Nam nói chung, và ở quê tôi nói riêng, lúc ấy đều thiếu ăn trầm trọng, Đi đâu ai cũng kêu ca „lúa“ với „điểm“ (lúa chứa đầy kho ông chủ nhiệm, dân thì đói khát , kẻ đi xin).  Năm ấy lại hạn hán mất mùa nên bà con nông dân đều vất vả khốn cùng. Ngoài đồng thì ruộng khô cỏ cháy, trong nhà thì người ta ngồi khoanh tay nhìn ra nhũng bụi chuối quanh vườn đang chết dần, chết mòn qua những đợt nắng nóng kéo dài. Cả xóm đều trông vào một cái giếng đầu làng, tất cả đều khô cạn, cứ gà gáy đầu canh thì nghe tiếng khua thùng loạt xoạt của những người đi gánh nước trong đêm. Gia đình tôi sống phụ thuộc vào nghề chằm nón lá. Mấy chị em xúm nhau chằm nón, để má tôi đem lên nguồn đổi lúa, bắp đem về ăn qua ngày, Còn những người không đi đâu như Thím Do ( chồng thím và ba tôi đều bị tập trung ở Tiên Lãnh) Thím và tôi cùng nhau lên núi phá rừng vở đất trồng khoai. Cứ sáng sớm là hai người đã có mặt ở trên núi để đào gốc cây lật đá, chiều thì gánh rể, gốc cây đem về làm củi. Ngày nào cũng vậy, để quên đi nỗi mệt nhọc thím thường kể lại thời học Phan Châu Trinh mơ mộng cuộc đời thăng tiến, không ngờ đổi đời trở thành một nông dân chân lấm tay bùn, phải nuôi các con còn nhỏ dại thiếu ăn. Nếu ngày xưa „Bác“ đi theo con đường  của cụ Phan Châu Trinh dành lại độc lập thì thím cháu không đến nỗi khổ như vậy..   khỏang hơn hai tháng sau mới có được miếng đất trống để trồng khoai lang. Hai đứa con của thím Do bây giờ còn nhỏ, con Tiên con Vân theo mẹ để khiêng gốc cây đem về, nhưng chiếc dóng thì dài hai đứa thì thấp nên củi cứ đổ lên đổ xuống trên đường, trông tụi nó thật tội nghiệp. Bây giờ hồi tưởng lại những hình ảnh đó, tôi không dám nghĩ là mình có thể làm được những việc nặng nhọc như vậy. Có thể nhờ trôi luyện trong khổ đau, nghèo khó của thời cuộc nên sang Mỹ các con thím D. đều học hành thành tài. Thu Hương con út thím ra trường tiến sĩ tâm lý học vào hạng giỏi.

 Thời đó đời sống gia đình túng thiếu nhưng phải dành dụm tiền đi thăm nuôi, ở trại tù Tiên Lãnh đi đường bộ, phải băng rừng lội suối và phải qua một cái dốc, gọi là dốc Lung, nếu độc giả có thân nhân ở tù TL  khó có thể quên cái dốc nầy nó cao vời vợi. Khi đi lên dốc tôi phải mướn người gánh đồ đi qua, nhưng vì dốc cao quá nên tôi đi theo không kịp. Người ta gánh đồ đi mất luôn, nên khi vào trại thăm Ba tôi chỉ có vỏn vẹn một bình đông nước lạnh! Lúc đó Ba tôi cho một cái ca làm bằng vỏ quả đạn, nhớ lại ngày đi thăm tù ở Tiên Lãnh, tôi  giữ nó làm kỷ niệm cho tới bây giờ. Cựu tù nhân thưở nào ở Tiên Lãnh nhìn lại kỷ vật, khó có thể quên được những tháng ngày nghiệt ngã, và nhớ lại những bạn tù đã bỏ mình nơi núi rừng xa vắng, trong đó có bác sĩ Lương quá tuyệt vọng uống thuốc tự tử, những sĩ quan xuất thân từ mái trường Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp  luôn thể hiện tinh thần bất khuất…..

Với truyền thống từ xưa „Quảng Nam hay cãi ..“ bởi vậy đàn ông Quảng Nam tinh thần cứng rắn, nhiệt tình thích hoạt động đấu tranh, chống lại bất công xã hội.. Nhưng đàn bà thì tình yêu không nở rộ tưng bừng, nhưng sâu lắng luôn thể hiện tấm lòng chung thủy, cần cù nhẫn nhục. Chồng đi tù, nhưng vợ ở nhà đảm đang lo cho các con, dành dụm tiềm đi thăm chồng không quản ngại nắng sương. Tôi xin phép vinh danh Mẹ và đàn bà của Quảng Nam mãi mãi trong lòng người ngưỡng mộ vô biên.