Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

GII THIỆU SÁCH VIỆT SỬ ĐẠI CƯƠNG TẬP 6

CỦA TRẦN GIA PHỤNG

(Trích: Nhật báo Sài Gòn Nhỏ, California, số 1052, ngày Thứ Tư, 28-3-2012.)

 

Vào giữa tháng 3-2012, nhà xuất bản Non Nước Toronto mới phát hành sách Việt sử đại cương tập 6 do ông Trần Gia Phụng biên soạn.  Trần Gia Phụng là một tác giả khá quen thuộc hiện nay ở hải ngoại, cả báo chí lẫn nghiên cứu lịch sử.  Ông đã xuất bản 20 đầu sách ở hải ngoại về nghiên cứu sử, trong đó quan trọng nhất là bộ VSĐC gồm nhiều tập mà Nxb. Non Nước Toronto vừa mới phát hành tập 6. 

 

Theo “Lời nói đầu” trong VSĐC tập 6, tác giả dự  tính VSĐC tập 6 viết về giai đoạn 1954-1975 là tập chót trong bộ thông sử Việt Nam của ông, nhưng khi viết về giai đoạn nầy, ông thấy quá nhiều sự kiện cần phải ghi lại, nên ông chia thành hai tập:  Tập 6 với tiểu đề “Hai miền Nam bắc”, viết về những diễn biến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của hai miền Nam và Bắc Việt Nam.  Ông sẽ tiếp tục soạn VSĐC tập 7 cũng về giai đoạn 1954-1975, riêng về chiến tranh miền Bắc xâm lăng miền Nam. 

 

Cũng theo lời nói đầu trong VSĐC tập 6, sau khi ông xuất bảnVSĐC tập 5 từ 1945 đến 1954 thì có một số thân hữu khuyên ông nên ngừng viết ở đây và đừng viết tập 6, vì lịch sử giai đoạn 1954-1975 lẫn lộn những sự kiện chính trị, tôn giáo và chiến tranh.  Những quan điểm chính trị và tôn giáo của mỗi người hầu như là định kiến bất di dịch.  Giai đoạn nầy còn quá mới mẻ, nhiều người trong cuộc hay những người liên hệ đến giai đoạn nầy còn sống.  Có một số người bảo thủ lập trường tôn giáo và chính trị cũ, nên  nhìn lại quá khứ từ vị trí của mình và sẽ phản ứng mạnh mẽ trước mọi vấn đề trái ý, nên dầu viết thế nào, soạn giả cũng sẽ rất dễ bị người đứng phe nầy hay người đứng phe kia, hoặc đứng góc nầy hay đứng góc kia chỉ trích. 

 

Đó là chưa kể đây là một bộ sử phổ thông chứ không phải là bộ sử nghiên cứu chuyên đề, nên VSĐC cần phải cân bằng nhiều sự kiện trong một quyển sách.  Có một số người biết quá nhiều về một vấn đề nào đó, có thể sẽ cho là tác giả viết thiếu sót.  Hơn nữa, tài liệu về giai đoạn nầy xuất phát từ nhiều phía đối nghịch nhau, nên sử dụng tài liệu nầy có thể bị tài liệu khác phủ nhận, nên cũng dễ bị chỉ trích.

 

Tuy nhiên, Trần Gia Phụng nghĩ khác.  Ông nói trong “Lời nói đầu” rằng nếu chúng ta không viết, thì không lẽ để sân trống cho người ngoại quốc viết theo quan điểm của họ, hoặc để cho cán bộ cộng sản ở trong nước tự do vẽ rồng vẽ rắn theo chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam?   Vì vậy, Trần Gia Phụng cố gắng tiếp tục biên soạn bộ VSĐC cho đến năm 1975, dầu ông biết rằng thế nào ông cũng sẽ dễ bị chỉ trích.  Ông tự nhận chắc chắn ông còn nhiều thiếu sót và ông sẵn sàng xin lắng nghe dư luận để sửa đổi. 

 

Đúng là lịch sử các thế kỷ trước nguội lạnh quá rồi, người ta đọc lại một cách thản nhiên, ít ràng buộc.  Còn chuyện đời nay thì còn nóng hổi, nhiều người vừa trải qua.  Chẳng những vừa từng trải, mà còn từng liên hệ và từng đứng về một phía, trong một tổ chức, hay một đảng nào đó trước đây, hiện vẫn còn sống, nhìn dòng thời sự theo chủ quan của mình, mỗi người một suy nghĩ, mỗi người một tâm tình và nhất là mỗi người một định kiến.  Nếu trái ý, người ta sẽ dễ đả kích tác giả.  Cho nên phải nói rằng biên soạn bộ sử về giai đoạn 1954-1975 khá nhiều rủi ro, mà Trần Gia Phụng cố gắng thực hiện cho được, đúng là một thái độ tích cực, lạc quan, và cũng có phần liều lĩnh, mạo hiểm.

 

Nội dung VSĐC tập 6 của Trần Gia Phụng gồm 17 chương:  11 chương về Miền Nam và 6 chương về Miền Bắc.  Cũng theo “Lời nói đầu” của soạn giả, sở dĩ các chương Miền Nam nhiều hơn Miền Bắc, vì Miền Nam tự do, diễn biến chính trị phức tạp hơn Miền Bắc.  Miền Bắc độc tài, nên chỉ vài năm là đảng Lao Động tức đảng CS tóm gọn miền Bắc, ổn định nhanh chóng tình hình miền Bắc và siết chặt sự cai trị dưới bàn tay sắt của cộng sản.

 

Ngoài 17 chương trên đây, VSĐC tập 6 còn bao gồm 3 bản hiến pháp của cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam, cùng đầy đủ các hiến ước, hiến chương, của các chế độ ở miền Nam khi lên cầm quyền.  Việc tập hợp các văn bản pháp quy nầy rất ích lợi cho những nhà nghiên cứu sau nầy về các chế độ chính trị ở Việt Nam, nhất là những nhà nghiên cứu về pháp chế sử Việt Nam...

 

Đặc biệt, tác giả Trần Gia Phụng còn mô tả khá đầy đủ tổ chức xã hội dân sự ở cả hai miền đất nước.  Tuy ngắn gọn, nhưng tác giả cho biết nhiều chi tiết sinh hoạt xã hội, tôn giáo, hội đoàn, đảng phái chính trị, các nghiệp đoàn lao động ở trong Nam cũng như ngoài Bắc mà ít người viết đến trước đây.  Ngày trước, khi nói đến sinh hoạt văn hóa, người ta chỉ đề cập đến các văn sĩ, thi sĩ và các tác phẩm của họ, chứ không bao giờ nhắc đến những nhạc sĩ, ca kịch sĩ, nghệ sĩ cải lương vì quan niệm xưa cho rằng “xướng ca vô loại”.  Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ thời đại như họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, danh tài cải lương được Trần Gia Phụng ghi lại đầy đủ trong một bộ thông sử Việt Nam.   

 

Ngoài ra, sách của Trần Gia Phụng phụ thêm rất nhiều chú thích giá trị.  Nhiều khi chú  thích dài không kém bài viết.  Có những chú thích tuy tầm thường nhưng thú vị.  Những chú thích nầy giúp người đọc mở rộng hiểu biết chung quanh những diễn biến lịch sử.  Tác giả còn lập bảng danh mục các nhân vật rất đầy đủ.  Bảng danh mục giúp người đọc truy tìm nhanh chóng những nhân vật liên hệ đến các sự kiện trong giai đoạn từ 1954 đến 1975.  Bảng danh mục rất công phu với khoảng hơn một ngàn nhân vật lịch sử có thể xem là một loại từ điển danh nhân nho nhỏ, mà người đọc có thể tìm xem hoạt động của họ trong hoàn cảnh lịch sử vừa qua.    

 

Tuy nhiên, giai đoạn 1954-1975 còn quá mới mẻ, tài liệu lịch sử thật mênh mông, và có nhiều tài liệu từ nhiều phía khác nhau chưa được công bố, nên như soạn giả đã viết, chắc chắn sách của ông không khỏi thiếu sót.   Ông xin sẵn sàng lắng nghe dư luận, sửa đổi và bổ túc những sai sót để xây dựng một bộ sử hữu ích cho các thế hệ trẻ ở hải ngoại. 

 

Có hai điểm đáng nói về cách trình bày trong sách:  Mỗi chương sách đều có một dàn bài cân đối rõ ràng cho mỗi chương.  Có lẽ đây là kết quả những năm dạy trung học của tác giả vì dàn bài rõ ràng là một cách làm cho người đọc dễ nhớ nội dung.  Ngoài ra sách có rất ít lỗi chính tả hay lỗi đánh máy và sách có nhiều hình ảnh minh họa.   

 

Dầu sao, ở hải ngoại, từ sau năm 1975 cho đến nay, tuy có nhiều nghiên cứu, nhiều sách báo, nhưng chỉ viết về một số chủ đề, chứ chưa ai bỏ công viết một cách liên tục thành một bộ thông sử tổng quát, trình bày lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến ngày nay. 

 

Trong hoàn cảnh đó, từ sau năm 1975, Việt sử đại cương của Trần Gia Phụng là bộ thông sử duy nhất ở hải ngoại (và cả ở trong nước) viết từ thời lập quốc đến năm 1975, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mọi người, thật đúng chỗ.  Cho đến nay, VSĐC ra được 6 tập, tổng cộng khoảng 3,000 trang.  Nếu cọng thêm tập 7 (có thể giống các sách trước, nghĩa là khoảng 500 trang nữa) sẽ xuất bản, thì bộ VSĐC lên đến khoảng 3,500 trang.  Đây là một công trình cá nhân dài hơi không mấy ai dễ làm được. Cho nên, chưa có cái tuyệt đối, thì tạm xài cái tương đối vậy.

 

Chúng tôi xin giới thiệu với độc giả, Việt sử Đại cương tập 6 là một bộ sử cần thiết cho mọi gia đình, nhằm giúp con em tìm hiểu về lịch sử nước nhà.  Đây là một bộ sử căn bản để từ đó những độc giả trẻ tuổi có thể tiến sâu vào lịch sử Việt Nam.  Sách dày 544 trang, ấn phí 25 đồng, đã có bán ở các hiệu sách, hay liên lạc với tác giả qua e-mail: trangiaphung2011@yahoo.com.

 

NGUYỄN ĐỨC

(California)

(Nguồn: Nhật báo Sài Gòn Nhỏ, California, số 1052, ngày Thứ Tư, 28-3-2012)

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org