Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

ĐIẾU VĂN KÍNH DÂNG HƯƠNG LINH BẠN TRẦN NHẬT NGÂN

 

Nhân danh Hội AHCHS/PCT/DN và nhân danh các bạn học cùng lớp với Nhạc Sĩ Trần Nhật Ngân niên khóa 1956-1963 tại trường Trung Học PCT/ĐN, chúng tôi kính dâng lên hương linh của Nhật Ngân lời ai điếu sau đây:

Anh Nhật Ngân thương mến,

Mỗi khi có một người qua đời, người Việt Nam lại bảo: Người đó đã tạ thế. Tạ thế là tạ ơn thế gian. Thế gian đã cho chúng ta một đời sống : khi tin yêu khi nghi ngờ, khi no đủ, khi nghèo khó. Trên tất cả những chìm nổi kia của dòng đời, rõ ràng là thế gian đã ban cho chúng ta một đời sống với vô số thi vị. Thi vị đến độ ngay cả trong đau thương, người đời vẫn nhận ra “thú đau thương”. Vì vậy, trước khi vĩnh biệt cõi trần, mỗi người hãy tạ ơn thế gian. Đó là nội dung cốt lõi của hai chữ “tạ thế”. Mặt khác, có những người, thuở sinh thời đã mang lại cho mối quan hệ giữa con người với con người rất nhiều hương thơm và vị ngọt, rất nhiều khoan dung và độ lượng. Những người như vậy rõ ràng là những người, khi từ trần, thế gian cần tạ ơn họ, gọi tắt là thế tạ. Anh Nhật Ngân thương mến của chúng tôi là một trong những người xứng đáng nhất để thế cần phải tạ.

Thực vậy, trước 1975, với tư cách là cấp chỉ huy của một đơn vị chiến tranh tâm lý, Nhật Ngân dễ dàng có được tờ giấy phép để về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán. Thế nhưng thay vì rời bỏ đơn vị để hưởng hạnh phúc riêng, Nhật Ngân tha thiết nói với Mẹ:

 

           Con biết không về Mẹ chờ, em trông

           Nhưng nếu con về, bạn bè thương mong

           Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường

           Không lẽ riêng mình êm ấm?

            Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà….

                                 (Xuân này con không về)

 

Nhật Ngân thương mến,

       Người dân miền nam Việt Nam còn nhớ rất rõ: ngay sau 30/04/1975, Nhật Ngân là người nghệ sĩ đầu tiên, đứng về phía người dân, hiên ngang hỏi thẳng chế độ Hà Nội:

        Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?.....

       Biết anh có chợt nghĩ gì không khi thấy quanh anh bao nhiêu nụ cười trên môi chợt tắt

       anh ơi thấy gì Ôi!hạnh phúc đâu? Ôi! Giải phóng đâu?

 

      Yêu dân, yêu nước là tình chung,  nam nữ yêu nhau là tình riêng. Tình riêng là tình ngọt ngào nhất nhưng cũng cay đắng nhất. Hành động bội bạc của người yêu là vị đắng cay xé tim gan. Gặp phải tình huống điêu đứng kia, Nhật Ngân chỉ nhẹ nhàng chia tay, chia tay trong đau buồn, nhưng không oán giận gay gắt:

 

        Chén ly bôi uống đi em,

        Sao em mắt lệ nhạt nhòa,

        Cuộc tình nào rồi cũng đi qua

        Một đường tàu biết mấy sân ga

        Xin em xem anh như một ga nhỏ dọc đường…

                  (Lời đắng cho một cuộc tình.   Nhật Ngân)

 

Nhật Ngân thương mến

Thương yêu bạn bè đồng đội. Can đảm đứng hẳn về phía người dân trước cảnh quốc phá, gia vong. Ân cần chia tay người tình bội bạc với lời tâm sự nhẹ như tơ: Em là con tàu, anh chỉ là một ga nhỏ dọc đường. Đó là ba trong vô số hoàn cảnh sống đã kết thành dòng đời lãng mạn của Người Nghệ Sĩ Nhật Ngân. Điều đáng nói ở đây là song song với dòng đời mà định mênh buộc phải dồn dập lãng mạn, Nhật Ngân vẫn uyển chuyển và vững vàng duy trì   phong cách sống trật tự và ổn định. Nhờ ổn định, Anh Chị Nhật Ngân đã xây dựng hoàn hảo một gia đình vợ chồng yêu thương đằm thắm, con cái hiếu thảo và thành đạt.

“Cái quan định luận” là sự diễn ý: chỉ nên kết luận về một người chừng nào nắp quan tài của người đó khép lại. Giờ này đây, đứng bao quanh linh cửu của Nhật Ngân, gia đình và bạn bè đang nghĩ gì về Anh? Nghĩ rằng Nhật Ngân là môt nghệ sĩ tài hoa, tư tưởng phong phú, điều động và tổ chức âm thanh bất ngờ, vi diệu và cuốn hút. Mặc dầu có rất nhiều tài năng thiên phú, Nhật Ngân bao giờ cũng khiêm cung trong ứng xử, cũng ân cần trong chăm sóc bạn bè thuộc đủ thành phần xã hội. Những nhận định về Nhật Ngân như vừa trình bày hiển nhiên đã làm dậy lên trong lòng mỗi chúng ta ý muốn kêu gọi thế gian hãy tạ ơn Nhật Ngân. Như vậy, trong tang lễ của Nhật Ngân rõ ràng đã vang vọng lên hai thanh âm tạ thế và thế tạ.

 

Nhật Ngân thương mến,

Mới ngày nào đây, vào khoảng 9 giờ mỗi buổi sáng, Nhật Ngân thường trò chuyện với bạn bè trong quán Coffee Factory. Nhật Ngân rất thích thảo luận về chữ và nghĩa. Và rồi từ những thảo luận kia, Nhật Ngân sử dụng những chữ đã được cân nhắc để làm lời cho một ca khúc nào đó. Bây giờ tuy đang an giấc ngàn thu, từ bên kia thế giới có lẽ Nhật Ngân đang mỉm cười rạng rỡ khi nghe ở chốn dương gian này có người đã mang cả hai chữ tạ thế và thế tạ vào bài điếu văn kính tặng hương linh của người nghệ sĩ tài hoa. Chúng tôi nhớ rất rõ, mỗi khi cười Nhật Ngân thường đưa tay che miệng, nhẹ nhàng quay mặt qua bên phải, đầu hơi cúi xuống, tiếng cười lớn hay nhỏ tùy theo mức độ dí dỏm của câu chuyện. Kiểu cười kia nay đã biệt khuất nghìn trùng. Còn lại đây là những nhớ thương bất tận. Còn lại đây là bóng dáng Nhật Ngân đang mờ dần trong sương khói.

 

Nhật Ngân thương mến của chúng tôi ơi!  Vĩnh biệt Nhật Ngân. Vĩnh biệt người Nghệ Sĩ  tài hoa, xuất thân từ lóp học 1956-1963, Phan Châu Trinh Đà Nẵng.

 

Nay kính điếu 

 

Đỗ Thái Nhiên 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org