Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

 

ĐỊA DANH ĐÀ NẴNG

(Trình bày tại Đại hội Đồng hương và Thân hữu QN-ĐN

tại Toronto, 24-10-2015)

 

Kính thưa quý vị Quan khách,

Kính thưa các bậc Trưởng thượng,

Kính thưa Ban Tổ chức,

 

Trước hết, tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức giao cho tôi công việc trình bày một đề tài văn hóa trong Đại hội đồng hương và thân hữu QN-ĐN vùng Toronto và phụ cận tối hôm nay.  Đề tài tôi xin trình bày là “Địa danh Đà Nẵng”.

                                                                                               

Đà Nẵng là thành phố lớn ở phía bắc tỉnh Quảng Nam.  Qua lịch sử, Đà Nẵng có tất cả năm (5) tên khác nhau: Đà Nẵng, Hàn hay Cửa Hàn, Tourane, Vũng Thùng, Thành phố Thái Phiên.

 

1.-  ĐÀ NẴNG 

 

Đà Nẵng là danh xưng đầu tiên của thành phố nầy.  Trong sách Ô châu cận lục, Dương Văn An viết xong năm 1555, rằng tại Đà Nẵng, có đền thờ Nguyễn Phục, một công thần bị chết oan khi vua Lê Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1471.  (Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bùi Lương dịch, Sài Gòn: Nxb. Văn Hóa Á Châu, 1961, tr. 73.) 

 

Tác giả Dương Văn An dùng danh xưng Đà Nẵng để chỉ nơi có đền thờ Nguyễn Phục năm 1471 có nghĩa là danh xưng nầy đã có từ đó hay trước đó nữa, tức trước khi người Việt đến vùng nầy.  Đây là  vùng vốn thuộc người Chiêm Thành hay Chàm hay Chăm trước khi người Việt đến.  Như thế Đà Nẵng là một địa danh gốc Chiêm Thành.

 

Trong tiếng Chiêm, có ba từ ngữ liên hệ đến địa danh Đà Nẵng.  Đó là đarăk (bờ biển, bãi biển), đanăk (sông lớn), đanăng (bến sông, bến tàu). (Nguyễn Hy Vọng, Từ điển ngồn gốc tiếng Việt, Quyển 1, California: Nxb. Đất Việt, 2014, tr. 362.)

 

Như thế, Đà Nẵng là chữ phiên âm của một trong ba chữ trên, mà chính yếu là chữ “đanăng” (bến sông, bến tàu).  Chữ nầy là một chữ song âm, chứ không phải là một chữ kép, gồm hai chữ ghép lại (như Hà Nội).  Nói cách khác, nếu tách chữ Đà Nẵng thành hai phần riêng là Đà và Nẵng, thì không chữ nào có nghĩa, mà phải gọi chung là Đà Nẵng.  Ở Phú Yên có sông Đà Rằng là phiên âm của chữ Đarăk.

 

2.-  HÀN HAY CỬA HÀN 

 

Có hai cách giải thích về chữ Hàn.

 

Thứ nhứt: Theo Từ điển nguồn gốc tiếng Việt, thì “hàn” là một tiếng xưa của người Chăm hay Chiêm, có nghĩa là “cửa sông có ghềnh đá”, “ghềnh đá dựng ở cửa sông”, “núi, ghềnh đá, mõm đá ở cửa sông hay cửa biển” (chỉ núi Sơn Chà), “cái vũng, cái vịnh” (chỉ vịnh Đà Nẵng.) (Nguyễn Hy Vọng, sđd. tr. 546.)

 

Thứ hai:  Theo sách Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), chữ Hàn còn có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa, gọi là “Hiện cảng”.  Theo cách phát âm của người Hải Nam (Trung Hoa), “Hiện cảng” được đọc là “Hành càn” hay “Hàn càn”, nên Đà Nẵng còn được gọi là “Hàn” hay “Cửa Hàn”.  Theo sách nầy,  khi thương nhân Trung Hoa đến Đà Nẵng buôn bán vào các thế kỷ trước đây, họ gọi Đà Nẵng là “Hiện cảng”.  “Hiện” nghĩa là “con sò”.  “Hiện cảng là “Cảng con sò”, vì người Hoa thấy bán đảo Sơn Chà giống như là con sò nằm ngay ở trước cửa biển.  (Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), California: Nxb. Nam Việt, 2007, tt. 20-28.)

 

Phối hợp hai tài liệu trên đây, chữ “Hàn” nguyên là tiếng Chăm, chắc chắn có trước khi người Hoa đến.  Có thể người Hoa nghe được âm chữ “Hàn” trong tiếng Chiêm, mà lại thấy bán đảo Sơn Chà nhô ra ngoài đại dương như một con sò trước cửa biển Đà Nẵng, nên dùng chữ “Hàn càn” hay “Hành càn” để phiên âm. “Hàn càn” hay “Hành càn” là âm Hải Nam.  Người Việt đọc theo âm Hán Việt là Hiện cảng”, nghĩa là “Cảng con sò”.

 

Địa danh Hàn hay Cửa Hàn dần dần biến mất từ thập niên 50 thế kỷ trước.  Ngày nay, người ta hầu như không còn gọi thành phố Đà Nẵng là Hàn hay Cửa Hàn.  Chỉ còn một vài dấu chỉ về chữ Hàn: Dòng sông chảy qua Đà Nẵng trước khi đổ ra biển được gọi là Sông Hàn.  Ngôi chợ nằm trên tả ngạn sông nầy cũng còn được gọi là Chợ Hàn.

 

Ca dao Quảng Nam có câu: "Từ khi Tây lại đất Hàn, / Đào sông Cu Nhí đắp đàng Bông Miêu.”  Người Pháp đánh chiếm Đà  Nẵng, bắt dân Việt đào sông Cu Nhí lên Nông Sơn, và mở đường bộ lên Bông Miêu vì người Pháp khai thác mỏ than Nông Sơn và mỏ vàng Bông Miêu, nên mở đường chuyên chở  nguyên liệu về Đà Nẵng.

 

3.-  TOURANE HAY TOURON

 

Thời Pháp thuộc, Đà Nẵng hay Cửa Hàn còn được gọi là Tourane.  Các tài liệu hoặc bản đồ xưa của người Tây phương cho thấy thoạt tiên người Tây phương gọi Đà Nẵng là Touron hay Turon. 

 

Ví dụ như bản đồ do Alexandre de Rhodes (1593-1660) ấn hành tại Paris năm 1653, thì địa danh nầy được viết là Turon.  (Bản đồ nầy được Nguyễn Khắc Ngữ in lại, làm phụ bản không đề trang, trong sách Bộ sưu tập bản đồ cổ Việt Nam, Montréal: Nhóm Nghiên cứu Sử Địa, 1987.) 

 

Cho đến nay, nguồn gốc chữ Tourane hay Touron hay Turon chưa được giải thích rõ ràng.  Không biết chữ Touron do ai đặt ra, phiên âm theo tiếng địa phương, hay tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha hay T ây Ban Nha, vì trong các thứ tiếng trên đây, chữ Touron, Turon không có ý nghĩa nào cả.

 

Có người theo lối chiết tự, cho rằng trong tiếng Pháp, chữ Tourane gồm hai phần: Tour và âne.  “Tour” là cái tháp, “âne” là con lừa.  Thuyết nầy cho rằng người Pháp đến Đà Nẵng, thấy trên núi Sơn Chà có một cái tháp và con lừa nên gọi nơi đây là Tourane.  Thật ra, ở Đà Nẵng cũng như ở Quảng Nam, dân chúng không có nuôi lừa, nên không thể có chuyện con lừa bên cạnh cái tháp. 

 

Cũng theo lối chiết tự trong tiếng Pháp, có thuyết khác cho rằng khi người Pháp đến Cửa Hàn (Đà Nẵng), người Pháp lập một cái tháp (Tour) trên vùng đất Hàn, nên gọi là “Tour d’Han”, và đọc lâu ngày thành “Tourane”.  Cái tháp nói đến ở đây không biết là tháp nào, vì ở vùng Đà Nẵng và Quảng Nam, ngoài các tháp Chăm (Chiêm Thành) thì chẳng có tháp nào do người Pháp hay người Việt xây.

 

4.-  VŨNG THÙNG

 

Tại Đà Nẵng, có một cái vịnh nhỏ như các thùng nước thiên nhiên, gọi là Vũng Thùng nên có người gọi Đà Nẵng là Vũng Thùng.  Về sau dân chúng thường gọi Vũng Thùng là Biển Thanh Bình.  Vòng chu vi vịnh nầy chạy từ bán đảo Sơn Chà và cửa sông Hàn, vòng lên Thanh Khê, qua Nam Ô, đến Liên Chiểu và chân phía nam đèo Hải Vân.   

 

Lịch sử lập lại tại Vũng Thùng.  Khi bắt đầu mở cuộc tấn công Việt Nam, Pháp đem chiến thuyền tấn công vịnh Đà Nẵng (Vũng Thùng) đầu tiên năm 1847 rồi bỏ đi.  Đến năm 1858, cũng từ Vũng Thùng, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng ngày 1-9.  Ca dao Quảng Nam có câu: "Tai nghe súng nổ cái đùng,/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi.”

 

Hơn một trăm năm sau, khi đưa quân vào Việt Nam, địa điểm đầu tiên mà Tiểu đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ đổ bộ cũng là Nam Ô, trong vịnh Đà Nẵng tức Vũng Thùng ngày 8-3-1965.

 

5.-  THÀNH PHỐ THÁI PHIÊN

 

Sau khi nắm được chính quyền ngày 2-9-1945, thì hơn mười ngày sau, ngày 14-9-1945, nhà nước Việt Minh cộng sản ra lệnh đổi tên Đà Nẵng là THÀNH PHỐ THÁI PHIÊN, theo kế hoạch dùng tên danh nhân để đặt tên các thành phố như người Tây phương. (Việt Minh gọi Hà Nội là Thành phố Hoàng Diệu, Tam Kỳ là Thành phố Trần Cao Vân, Quảng Ngãi là Thành phố Lê Trung Đình…)

 

Người Việt vốn không có tập tục dùng tên danh nhân đặt tên thành phố, nên dân chúng vẫn gọi tên Đà Nẵng.  (Giống như ngày nay cộng sản đổi tên Sài Gòn thành tên Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng dân chúng vẫn gọi tên Sài Gòn mà thôi.)  Cuối năm 1946, Pháp tái chiếm Đà Nẵng.  Đà Nẵng được Pháp gọi trở lại là Tourane.

 

Năm 1949, dưới chính thể Quốc Gia Việt Nam, Tourane trở lại thành Đà Nẵng cho đến ngày nay.  Như vậy, Đà Nẵng là tên đầu tiên và là tên cuối cùng của thành phố thân yêu của chúng ta.

 

Trước khi chấm dứt, xin sơ lược thêm về nhân vật Thái Phiên (1882-1916).  Ông gốc người làng Nghi An, huyện Hòa Vang, gần Đà Nẵng.  Ông theo tân học, nhưng yêu nước và gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu.  Năm 1916, Thái Phiên cùng Trần Cao Vân và VNQPH tổ chức khởi nghĩa ở Trung Kỳ và mời vua Duy Tân (trị vì 1907-1916) đứng đầu.  Cuộc khởi nghĩa thất bại.  Tất cả đều bị Pháp bắt.  Có ba điều đáng nói về Thái Phiên. 

 

Thứ nhứt, khi bị xét xử, trước tòa, Thái Phiên cùng Trần Cao Vân chịu nhận hết tội để cứu vua Duy Tân.  Thứ hai, khi Thái Phiên bị chém. ở An Hòa, máu chảy xuống cỏ.  Vợ Thái Phiên là bà Trần Thị Băng, bận sẵn tang phục, lấy tóc mình chùi sạch cỏ.  Bà Băng giữ tóc như vậy, không gội đầu cho đến khi chết sau đó không lâu.  Thứ ba, khi hai ông bị xử tử , mộ phần hai ông bị canh gác cẩn mật, không ai được thăm viếng.  Chín năm sau, một đồng đội của Trần Cao Vân và Thái Phiên trong VNQPH là bà Trương Thị Dương đã trộm hài cốt của hai ông, đưa về chôn chung trong khuôn viên chùa Châu Lâm (Huế) trong cùng một ngôi mộ, gọi là ngôi mộ song táng. Ngôi mộ nầy hiện vẫn còn tại chùa.

 

Câu chuyện Thái Phiên kết thúc đôi điều về Đà Nẵng tối hôm nay .  Chúng tôi xin cảm tạ quý vị đã lắng nghe, trân trọng kính chào và kính chúc quý vị một buổi tối đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng gặp nhau vui vẻ.

 

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 24-10-2015)

 

  

 

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org