Home | Ban Điều Hành | Nội Quy | Links

 

 

 

 

CUỘC KHỞI NGHĨA MỘT TRĂM NĂM TRƯỚC  

 

Trần Gia Phụng

 

Năm nay là năm 2016.  Nhìn vào lịch sử, thì cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội Trung Kỳ do vua Duy Tân đứng đầu năm 1916 vừa đúng 100 năm (1916-2016).  Xin hãy cùng nhau ôn lại cuộc khởi nghĩa của những anh hùng quyết tâm quang phục quê hương vào đầu thế kỷ 20.

 

1.-  CUỘC KHỞI NGHĨA DO VUA DUY TÂN LÃNH ĐẠO

 

Biết được phong trào Đông du đưa thanh niên Việt Nam qua Nhật du học nhằm đào tạo nhân tài về Việt Nam hoạt động chống lại nhà cầm quyền bảo hộ, Pháp liền thương lượng thẳng với Nhật Bản để gạt bỏ việc nầy.  Hai bên ký hiệp ước ngày 10-7-1907 theo đó Pháp nhường cho Nhật một số quyền lợi kinh tế ở Đông Dương, ngược lại Nhật giải tán các hội đoàn Việt Nam tại Nhật, và trục xuất tất cả các du học sinh Việt Nam ra khỏi đất Nhật. (Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Quân sử 3, Sài Gòn 1971, tt. 334-335.)   Vì vậy, Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cùng các du học sinh phải rời nước Nhật qua Trung Hoa, tiếp tục hoạt động. 

 

Tại đây, bác sĩ Tôn Văn  lãnh đạo Quốc Dân Đảng thực hiện thành công cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, lật đổ nhà Mãn Thanh.  Một lãnh tụ Quốc Dân Đảng Trung Hoa ở miền nam là Hồ Hán Dân đã giúp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cùng Phan Bội Châu tập họp các thành phần hoạt động cách mạng Việt Nam đang sống ở Trung Hoa, thành lập Việt Nam Quang Phục Hội tại Sa Hà (Quảng Châu, Trung Hoa) vào đầu năm 1912 (nhâm tý), do Cường Để làm hội trưởng và Phan Bội Châu làm tổng lý. (David Joel Steinberg chủ biên, In Search of Southeast Asia, A Modern History, New York: Praeger Publishers, 1971, tr. 305.)

 

Quang Phục Hội hoạt động tích cực ở Trung Hoa và cử người về nước phát triển tổ chức, nhứt là trong thời kỳ Pháp đang bối rối vì thế chiến thứ nhứt (1914-1918) xảy ra ở Âu Châu, Đức tấn công và xâm lăng Pháp.

 

Tại các tỉnh miền Trung nước ta, các nhà hoạt động Duy tân và Đông du trước đây cũng chuyển đổi tổ chức theo Quang Phục Hội.  Phan Thành Tài (1878-1916), Lê Ngung ( ? - 1916), Thái Phiên (1882-1916) là những người đầu tiên tổ chức Quang Phục Hội.   (Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam, Đất nước & Nhân vật, TpHCM: Nxb. Văn Hóa, 1996, tt. 548, 566.)  Khi Trần Cao Vân (1866-1916) từ đảo Côn Lôn mãn hạn tù trở về Quảng Nam vào tháng 1-1915, liền tham gia vào tổ chức nầy.  (Tô Đình Cơ, Thân thế và sự nghiệp Trần Cao Vân (1866-1916), Bình Định: Sở VHTT, 1995, tt. 43-44.)

 

Tháng 9-1915, Việt Nam Quang Phục Hội Trung Kỳ họp đại hội lần thứ nhứt tại nhà ông Đoàn Bổng, một nhân viên bộ Hộ, trên đường Đông Ba (sau là đường Mai Thúc Loan), Huế.  Hội nghị quyết định khởi nghĩa, và cử Thái Phiên cùng Trần Cao Vân đại diện tổ chức mời vua Duy Tân (trị vì 1907-1916) tham dự.  Vua Duy Tân bí mật đồng ý đứng đầu cuộc khởi nghĩa của Quang Phục Hội.  Tháng 2-1916 Quang Phục Hội Trung Kỳ họp lần thứ hai, cũng tại Huế, thông qua chương trình hành động và kế hoạch khởi nghĩa. 

 

Quang Phục Hội Trung Kỳ dự định nổi lên chiếm các tỉnh Trung Kỳ, lập chính phủ mới gọi là Việt Nam Quân Chính Phủ, ngoài Thừa Thiên, Trung Kỳ được chia thành bốn khu vực: Bình Trị (Quảng Bình-Quảng Trị), Nam Ngãi (Quảng Nam-Quảng Ngãi), Bình Phú (Bình Định-Phú Yên), Khánh Thuận (Khánh Hòa-Bình Thuận).  Về ngoại giao, Quang Phục Hội Trung Kỳ dự định khi khởi nghĩa, sẽ mở cửa cảng Đà Nẵng để Quang Phục Quân Việt Nam ở Xiêm La (Thái Lan) trở về tiếp tay, và sẽ nhờ thêm người Đức viện trợ.  Lá cờ của Quang Phục Hội là cờ nền đỏ, trên có năm sao trắng, lấy ý nghĩa "ngũ tinh tụ tĩnh" trong kinh Dịch.

 

Kế hoạch dự tính cuộc khởi nghĩa sẽ diễn ra trên các tỉnh Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tức Quảng Đức cũ, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào giờ tý ngày 2-4 năm bính thìn (12 giờ khuya qua 1 giờ sáng 3-5-1916) và được phân công như sau:

 

Chỉ huy tối cao           :    Vua Duy Tân

Cố vấn                        :   Trần Cao Vân

Phụ trách Huế                         :   Thái Phiên

Quảng Nam                :   Phan Thành Tài, Đỗ Tự, Ông Văn Long

Đà Nẵng                     :   Lâm Nhĩ, Hồ Cẩm Vinh

Hội An                       :   Lê Đình Dương

Quảng Ngãi                :   Lê Ngung, Nguyễn Sụy, Phạm Cao Chẩm

 

Kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ ở Quảng Ngãi do án sát Phạm Liệu khám phá.  Phạm Liệu báo với tuần vũ Trần Tiễn Hối và công sứ De Tastes.  De Tastes điện về Huế và các tỉnh Trung Kỳ để đề phòng. (Phạm Văn Sơn, Chế độ Pháp thuộc tại Việt Nam, Việt sử tân biên quyển 7, Sài Gòn: 1972, tt. 18-27.)

 

Cuộc khởi nghĩa vừa bắt đầu theo đúng kế hoạch ở Huế, liền bị Pháp phát giác. Trên đường lẫn trốn, vua Duy Tân và các lãnh tụ nổi dậy dự định theo đường núi chạy vào phía nam (Quảng Nam, Quảng Ngãi), nhưng đến ngày 6-5-1916, tất cả đều lần lượt bị Pháp bắt ở  ngoại ô Huế.

 

Theo Nguyễn Văn Mại, trong Lô Giang tiểu sử, "...Ngày mồng một tháng tư [âm lịch] vua Duy Tân xuất ngoại...ngày 2 [âm lịch, tức 3-5-1916] lúc 10 giờ sáng, nghe tin vua hiện trú tại trong nhà dân ở dưới chân núi Tam Thai, thuộc huyện Hương Thủy.  Tòa lập tức cho xe đến rước Ngài về ở tại Trấn Bình Đài (Mang Cá)..." (Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử, bản dịch của Nguyễn Hy Xước, Huế: in Ronéo, 1961, tr. 158) 

 

Theo tác giả Hoàng Trọng Thược, vua Duy Tân bị bắt ở chùa Thuyền Tôn, núi Thiên Thai (Tam Thai).  Hoàng Trọng Thược theo lời kể của hòa thượng Thích Mật Hiển, trù trì chùa Trúc Lâm. (Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, California: Mõ Làng tái bản, 1993, tt.187-189.)  Vào năm 13 tuổi, hòa thượng đã chứng kiến việc vua Duy Tân bị bắt. (Hoàng Hiển, Vua Duy Tân, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1996, phần chú thích, tr. 152)

 

Pháp đưa vua Duy Tân về giam tại đồn Mang Cá (Trấn Bình Đài, Huế), yêu cầu hoàng gia và các đại quan trong triều thuyết phục nhà vua thay đổi thái độ, chấp nhận hợp tác với Pháp, nhưng nhà vua từ chối. 

 

Cuối cùng, để tránh tiếng trong việc phế lập ngôi vua nước ta, Pháp giao vua Duy Tân cho triều đình Việt Nam xét xử công khai, và người phụ trách việc nầy là thượng thư bộ Học, ông Hồ Đắc Trung.  Các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân bị giam ở nhà lao Hộ thành (vị trí trường Nữ trung học Thành Nội sau nầy.)

 

Theo ông Lê Thanh Cảnh, lúc bấy giờ là nhân viên tòa khâm sứ Pháp, người dịch bản án vua Duy Tân sang tiếng Pháp, thì ông Hồ Đắc Trung bàn rằng "...Nước Nam còn chế độ quân chủ, hôm nay mình lên án vua rồi ngày mai mặt mũi nào đối xử với vua mới mà mình sẽ tôn lên để khuông phò nữa.  Lẽ thứ hai, tuy tuổi công khai của vua là mười sáu tuổi, nhưng vì lúc đăng quang chỉ mới bảy tuổi, triều đình tăng thêm cho Ngài một tuổi để Ngài có thêm tầm thước mà trị vì, ai ngờ hôm nay lại dựa vào tuổi ấy để vấn tội vua.  Dẫu sao mười sáu tuổi cũng còn trong tuổi vị thành niên.  Theo pháp luật vua chưa có năng lực dùng tự quyền...làm sao dựng ra một bản án thích hợp được..."  Ngoài ra, theo sư bà Diệu Không, con của Hồ Đắc Trung, kể lại, trong khi còn ở trong ngục chờ ngày thọ án, Trần Cao Vân đã bí mật gởi thư cho Hồ Đắc Trung xin cứu vua Duy Tân.  (Hoàng Hiển, sđd. tr. 153.)

 

Do đó, Hồ Đắc Trung đã làm án đổ hết tội cho Thái Phiên, Trần Cao Vân, cùng hai thị vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu.  Cuối cùng, sau khi triều đình nghị án, vua Duy Tân bị kết tội: "...Vọng thính sàm ngôn, khuynh nguy xã tắc..." (nghĩa là: nghe theo lời xua nịnh làm nguy khốn đất nước.)  Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion trên cùng một chuyến tàu với vua cha là Thành Thái mà lúc trên tàu hai cha con hoàn toàn không được gặp nhau.  Réunion là một đảo bị Pháp chiếm làm thuộc địa năm 1642, nằm trong Ấn Độ Dương, phía đông Madagascar, Phi Châu, thủ phủ là Saint Denis.

 

Các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị kết án tử hình vì những tội sau đây: "...Thủy nhi Hậu Hồ thùy điếu, thiện tả chiếu văn, kế nhi Thương Bạc đình thuyền, yếu nghinh thánh giá.  Hà Trung mạch phạn, Ngũ Lĩnh kê thang, thánh thể phong trần, giai thử bối vi, chi nghiệt dã..." (nghĩa là : ...Thoạt tiên buông câu ở Hậu Hồ, tự ý viết chiếu văn; sau neo thuyền ở bến Thương Bạc, chờ rước thánh giá.  Đến làng Hà Trung ăn cơm lạt, lên núi Ngũ Lĩnh  ăn cháo gà, mình thánh dãi dầu gió bụi, tội nghiệp ấy đều bởi tụi giặc gây ra...)   (Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam, Đất nước & Nhân vật, Hà nội: Nxb. Văn Hóa, 1996, tr. 575.  Hoàng Hiển, sđd. tr. 66.) 

 

Hậu hồ là cái hồ nhỏ trong Đại nội, phía sau lầu Du Cửu (vua Khải Định xây lại thành điện Kiến Trung); bến Thương Bạc là bến sông Hương phía trước nhà Thương Bạc,  gần Phu Văn Lâu; Hà Trung là làng Hà Trung, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, nơi Trần Cao Vân và Thái Phiên rước vua đến trốn, và nhà vua được ông Mai Xuân Trí (tức Cửu Trí) nấu cơm vua ăn; Ngũ Lĩnh là núi xóm Ngũ Tây, thôn An Cựu, xã Thủy An, còn gọi là núi Thiên Thai hay Tam Thai, nơi vua được gia đình Đội Cơ nấu cháo gà thết đãi vua.  Chính em của Đội Cơ là trùm Tồn (làm nghề rao mỏ) đi báo cho nhà cầm quyền để lãnh thưởng, và nhà vua bị bắt sau đó.

 

Theo tài liệu gia phả họ Hoàng Như, phái nhì, ở Cầu Hai, Phú Lộc, do hai ông Huỳnh Ích và Hoàng Như Linh sao lục và biên soạn năm 1999, thì ông Mai Xuân Trí (Cửu Trí) ở làng Hà Trữ (chứ không phải Hà Trung), đưa vua Duy Tân đến làng Bàn Môn.  Ở đây bị lộ, nhà vua trốn lên Khe Dài, sau lưng núi Bạch Mã.  Việc tiếp tế khó khăn, nhà vua về vùng gần Huế thì bị bắt.  Gia phả tộc Hoàng Như đề cập đến việc trên vì có một vị tổ là ông Hoàng Như Bình, thân cận với vua Duy Tân trong giai đoạn nầy.  (Gia phả viết tay, do ông Hoàng Như Giao, Toronto cung cấp.)

 

Trước khi thọ hình, Trần Cao Vân làm bài thơ bày tỏ chí khí của mình như sau:

            "Trung lập kiền khôn bất ỷ thiên,

            Việt Nam văn vật cổ lai truyền.

            Quân dân cộng chủ tinh thần hội,

            Thần tử tôn Châu nhật nguyệt truyền.

            Bách Việt sơn hà vô Bạch xỉ,

            Nhất xang trung nghĩa hữu thanh thiên.

            Anh hùng đề cục hưu thành bại,

            Công luận thiên thu phó sử truyền." 

                                                            (Tô Đình Cơ, sđd.  tt. 55-56.)

Tạm dịch nghĩa:

            "Đứng giữa càn khôn không dựa trời,

            Nước Việt Nam văn vật lưu truyền từ xưa.

            Tinh thần vua và dân cùng làm chủ gặp nhau,

            Đạo thần tử theo truyền thống nhà Châu bền vững

Cùng mặt trời mặt trăng [ngày tháng]

Non nước Bách Việt [vốn] không có Bạch xỉ [người Pháp]

            Một lòng trung nghĩa có trời xanh [chứng giám]

            Người anh hùng xướng lên vận hội thì không lý đến sự thành bại,

            Công luận ngàn năm để lịch sử biên chép."

 

Ngày 17-5-1916, cả bốn ông đều bị chém ở pháp trường An Hòa, cách Huế 3 cây số về phía bắc.

 

2.-   NGÔI MỘ SONG TÁNG

 

Sau khi bốn vị anh hùng đền nợ nước, thi thể họ được chôn ngay tại chỗ, và mộ họ bị canh gác chặt chẽ, không cho dân chúng thăm viếng.  Những người đồng chí hướng với các ông Trần Cao Vân và Thái Phiên vẫn kiên trì theo dõi, và chờ cơ hội thuận tiện để kiếm cách cải táng. 

 

Phải đợi đến chín năm sau, việc nầy mới thực hiện được.  Người thực hiện việc nầy là bà Trương Thị Dương, người xóm Trầm, làng Tân Điền, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.  Bà gia nhập Quang Phục Hội, đã có lần phụng mạng vua Duy Tân vào Quảng Nam tìm Trần Cao Vân ra gặp nhà vua.  Bà là vợ ông Bát Mang.  Bát là bát phẩm, Mang là tên.  Bát Mang đi lính cho Pháp, không cùng chí hướng với vợ nên hai vợ chồng ly dị.  Sau đây là lời kể của bà Trương Thị Dương về chuyện dời mộ:

 

"...Ngày mồng năm tháng năm năm ất sửu [25-6-1925] tôi cùng đứa cháu gọi bằng dì là Đặng Khánh Di vừa đi đến cầu Văn Căn, bỗng một chiếc guốc bị gãy đôi, tôi nghi hoặc có điềm gì không hay chăng.  Đến chùa Đại Trung gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh [trị sự chùa], ông giục tôi đi, không nên do dự.

 

"Ba giờ sáng ngày hôm sau [mồng 6], chúng tôi đi thẳng tới chỗ di hài hai Cụ.  Người giữ nấm mộ ấy là Thủ Tỵ [lính thú], y có người con bị bệnh phung [cùi], làm chòi ở khít mộ để giữ, người nào tới gần nó bắt.

 

"Tới nơi, tôi cho thằng phung ấy ba đồng, trả cho ông Thủ Tỵ sáu đồng, và thuê năm người nữa với ông Thủ Tỵ 24 đồng, xin dời mộ vì tôi nói là mộ ông chú tôi.

 

"Hốt cốt lên, tôi lấy giấy tinh [tức giấy viết chữ Nho] bỏ vào hai thùng đầy, rồi qua cửa Chính Tây ngồi đợi.

 

"Khi hốt xong, bọn làm thuê thấy không có mặt tôi, hỏi thì ông Thủ Tỵ nói tôi đi mượn tiền, và có nhờ gánh cốt qua bên ấy (cửa Chính Tây) mới trả tiền đủ (trả trước 12 đồng).  Bọn họ dùng dằng không chịu nhưng rồi cũng phải gánh đi.

 

"Đến cửa Chính Tây, tôi trả tiền đủ, liền thuê hai chiếc xe kéo: một chiếc tôi chở cốt, một chiếc cho cháu tôi, Đặng Khánh Di, và Nguyễn Hữu Cảnh ngồi.

 

"Xe đi thẳng tới tháp thầy Kiết Mao hòa thượng gần chùa Châu Lâm, tôi đặt cốt lên bàn, thắp hương ngồi giữ.  Đến sáng ngày, tôi thuê Trùm Ngữ mua hai tiểu sành cùng giấy tờ, lại thuê gánh nước tới, tôi rửa chùi sạch cốt hai Cụ, liệm vào tiểu sành.

 

"Hai di cốt nầy trải trên chín năm, nay vẫn còn nguyên vẹn: cốt cụ Thái vàng rực, bỏ vào tiểu sành có dư, phải lấy bớt giấy lót ra; còn cốt cụ Trần xấu thua.  Cụ Thái lúc lâm hình mặc cái áo lương, máu dính sát vào cốt, gỡ ra nghe rạt rạt; cụ Trần bận áo vải dù, cũng dính sát vào cốt.  Tôi thuê người đào huyệt và đắp nấm hết 4 đồng.

 

"Ai dè chôn dược 11 ngày, Thừa Phủ [phủ Thừa Thiên] hay tin, cho lính đến canh gác.  Nhờ có người báo tin về ông Nguyễn Hữu Cảnh, ông Cảnh báo về tôi, tôi thừa đêm khuya thuê bốn người, mỗi người bốn cắc [0,4 đồng] hết một đồng sáu, đem chôn nơi khác, hiện nay ở gần chùa Châu Lâm, nhưng chôn thành một nấm.  Nơi đã dời đi, tôi vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế, rào dậu kỹ càng, làm như không ai đụng chạm đến.  Thế là nơi ấy vẫn có hai cái nấm mồ, nhưng không có cốt người..." (Ngô Thành Nhân, Ngũ Hành Sơn chí sĩ, Huế: Nxb. Anh Minh, 1961, tt. 74-76.)

 

Bà Trương Thị Dương còn cho khắc một tấm bia bằng chữ Nho đặt trước mộ, trên có các hàng chữ :

 

                     "PHỤNG VỊ

Trần Cao Quý Công - Thái Duy Quý Công

                        CHI MỘ"

 

Bia nầy có một điểm lầm lẫn nhỏ là Thái Phiên không lót chữ "Duy".  Bà Trương biết việc nầy, nhưng thợ đã lỡ khắc chữ, bà không muốn sửa vì sợ làm kinh động người quá cố nên để nguyên.

 

Chùa Châu Lâm nằm cách đàn Nam Giao (Huế) vài trăm thước.  Từ đàn Nam Giao đi về hướng lăng vua Tự Đức, khoảng 100 thước, rẻ bên tay mặt đi thẳng vào là chùa Châu Lâm.  Từ đó, thỉnh thoảng bà Trương Thị Dương từ Quảng Trị vào thăm viếng và tảo mộ cho hai ông.  Bà Trương giữ riêng niềm bí mật trên từ năm 1925 mãi đến năm 1956. 

 

Vào năm nầy, có cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến ngày 4-3 sau khi ông Ngô Đình Diệm thành lập Việt Nam Cộng Hòa.  Ông Võ Như Nguyện ra ứng cử đơn vị Hương Trà, Thừa Thiên, đi vận động đồng bào đầu phiếu.  Bà Trương Thị Dương nghe nói ông Nguyện là trưởng nam của ông Võ Bá Hạp (1876-1948), một người đồng chí của bà, nên bà đến gặp ông Nguyện để nói rõ lai lịch ngôi mộ song tán ở chùa Châu Lâm và đồng thời uỷ thác cho ông Nguyện từ đây lo chăm sóc ngôi mộ song táng nầy. (Ngô Thành Nhân, sđd. tr. 76.)

 

Ông Võ Như Nguyện có ý định đưa hài cốt Thái Phiên và Trần Cao Vân vào cải táng ở nghĩa trang Phan Bội Châu, nhưng khi vào xin phép gia đình hai nhà cách mạng ở Quảng Nam, gia đình cho rằng cảnh chùa Châu Lâm thanh vắng mát mẻ, yêu cầu để hai ông nằm yên đó. 

 

Một câu hỏi cần đặt ra là bà Trương Thị Dương đã lo cải táng hai ông Thái Phiên và Trần Cao Vân, còn hai ông Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu, hai người cũng hy sinh vì đại nghĩa, không biết có ai nghĩ đến việc lo mồ mả cho hai ông?  Có thể vai trò của hai ông trong tổ chức Quang Phục Hội và trong lịch sử không quan trọng bằng Thái Phiên và Trần Cao Vân, nhưng hai ông cũng đã vì nước hy sinh, tại sao không được nghĩ đến?

 

Cuối cùng, bà Trương Thị Dương từ trần ngày 14-7-1957 (27-6 đinh dậu).  Ông Ngô Đình Cẩn, bào đệ của tổng thống Ngô Đình Diệm, giao cho ông Hà Thúc Luyện, tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên lúc đó, đứng ra lo đám tang cho bà Dương, một phụ nữ ái quốc, âm thầm góp sức vào công cuộc chung của đất nước. 

Gia đình bà Dương cảm ơn hảo tâm của chính quyền, nhưng gia đình bảo rằng theo di chúc của bà Dương, tang lễ của bà được uỷ thác cho ông Võ Như Nguyện vì ông Nguyện là con của ông Võ Bá Hạp, một người bạn đồng chí hướng và đã có lúc cùng hoạt động với bà Dương. 

 

Ông Võ Như Nguyện đã mời được bà Mai Thị Vàng tham dự lễ an táng. (Thư ông Võ Như Nguyện viết ngày 18-2-1998 từ Lons, France, gởi cho người viết bài nầy.)  Bà Vàng nguyên là vợ của vua Duy Tân (trị vì 1907-1916), nhà lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa năm 1916 của Quang Phục Hội Trung Kỳ. 

 

Sau năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản vận động xây mộ cho hai nhân vật Trần Cao Vân và Thái Phiên tại quê làng.  Nghe nói gia đình không đồng ý, nhưng CS vẫn cứ thực hiện.  Có thể các ngôi mộ nầy là mộ gió, không có di cốt của hai vị anh hùng dân tộc.  (Xin tồn nghi để khảo chứng thêm.)

 

Người viết xin cảm tạ các ông Võ Như Nguyện và ông Hoàng Như Giao đã cung cấp thêm tài liệu gia đình để chúng tôi viết bài nầy.

 

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 1-2-2016)

 

 

 

 

 

Website Editor: webmaster@phanchautrinhdanang.org